Quà tặng quý giá nhất

Hiểu được những khó khăn, lo lắng của bà con đang phải cách ly khi lúa ngoài đồng đã chín đến thời điểm thu hoạch, hàng chục đoàn viên thanh niên Công an huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng xuống đồng giúp bà con nông dân thu hoạch lúa… đã góp phần khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND 'Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ'.

Ngày 27/ 5/ 2021, hai chiến sĩ Cảnh sát Cơ động đang đi tuần tra, phát hiện 3 em học sinh đi trên một chiếc xe đạp điện, không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên đường Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hai chiến sỹ đã yêu cầu các em dừng xe. Sau khi giải thích cho các em hiểu về hành vi phạm Luật Giao thông đường bộ, hai chiến sĩ đã phạt các em bằng cách "đứng lên, ngồi xuống" 20 lần, trông rất hài hước và dễ thương.

Sau vài giờ đăng tải, đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng nêu ý kiến ủng hộ biện pháp xử lý này. Đa phần cho rằng, hình phạt rất đáng yêu, mang tính nhân văn sâu sắc, vừa răn đe, vừa nhắc nhở, vừa tình người và vừa vui. Cảnh sát Cơ động xử phạt 3 học sinh "thụt dầu" là hình thức linh động, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sẽ giúp các em "nhớ mãi" để tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ.

Công an thành phố Hòa Bình gặt lúa giúp dân.

Công an thành phố Hòa Bình gặt lúa giúp dân.

Trái với quan điểm trên, có người lại cho rằng, nên phạt đúng luật dù mọi người nói là quá nặng, để thể hiện sự thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước phát luật của tất cả mọi người. Trong trường hợp này, việc xử phạt nên mời cả phụ huynh và nhà trường nơi các cháu học tập cùng đến làm việc để phối hợp trong việc giáo dục con em mình mới thực sự hiệu quả.

Chúng ta đều biết, việc vi phạm Luật giao thông ở lứa tuổi vị thành niên, theo quy định, người giám hộ, mà thường là bố, mẹ sẽ phải đóng tiền phạt. Cơ quan Công an còn có thông báo gửi nhà trường để cùng giám sát… Hình phạt này khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em. Như vậy, phải xác định rõ đâu là cái cần nhắc nhở, cần trang bị, nâng cao hiểu biết việc tuân thủ pháp luật đối với lứa tuổi dậy thì và đâu là cái cần áp dụng nghiêm luật lệ, chấn chỉnh cứng rắn.

Không nên nghĩ rằng, vi phạm pháp luật là phải áp dụng hình phạt mà cái chính là phải tuyên truyền, giáo dục luật pháp và áp dụng pháp luật đúng đắn. Đây là cách giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với những trường hợp thiếu niên vi phạm nghiêm trọng như đua xe, lạng lách, đánh nhau, phá phách… phải cương quyết xử lý nghiêm. Chúng ta không "nhắc nhở, giáo dục" đối với những người biết sai mà vẫn cứ làm.

Các hình thức xử lý vi phạm đối với học sinh, thanh thiếu niên đều phải xuất phát từ quan điểm giáo dục kỷ luật tích cực, phù hợp nhằm giúp các em nhận ra sai lầm để có hướng sửa chữa khắc phục, tiến bộ. 13-14 tuổi, việc xử phạt theo kiểu "thụt dầu" này là rất hợp lý, không quá căng thẳng nhưng vẫn cho các em ghi nhớ được lỗi vi phạm.

Ở đây các chiến sĩ Công an đã linh hoạt trong việc xử phạt và tạo điều kiện cho các em sửa sai, là hình thức giáo dục tích cực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhưng hình thức này không có trong các quy định. Do đó, khi xử lý các vụ việc không nhất thiết lúc nào cũng phải cứng nhắc mà điều quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận của người dân.

Một câu chuyện nhỏ, rất đỗi bình thường, nhưng lại mang rất nhiều năng lượng tích cực đến cho mọi người. Và vui hơn nữa, khi ta nhìn thấy những hành động đẹp luôn được mọi người trân trọng, vinh danh, lan tỏa, bởi nó đã thức tỉnh bản năng tốt đẹp trong mỗi người: Tình thương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ là quà tặng lớn nhất của người chiến sĩ CAND. Rất cảm ơn những người dân đã tình cờ ghi lại được những khoảnh khắc, hành động đẹp của hai CSGT quận 5, TP. Hồ Chí Minh chạy môtô đặc chủng mở đường cho xe ôtô từ Đồng Nai đưa sản phụ đẻ "rớt" đến bệnh viện cấp cứu. Những cánh tay nhân dân giơ lên chào đón, như lời cảm ơn 400 tình nguyện viên là học viên Học viện Cảnh sát nhân dân và Cảnh sát Cơ động chi viện cho Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch COVID-19.

Hiểu được những khó khăn, lo lắng của bà con đang phải cách ly khi lúa ngoài đồng đã chín đến thời điểm thu hoạch, hàng chục đoàn viên thanh niên Công an huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng xuống đồng giúp bà con nông dân thu hoạch lúa… đã góp phần khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND "Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ".

Những hình ảnh đẹp này là phần thưởng cao quý nhất mà nhân dân dành cho những đóng góp thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Nó không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân về những đóng góp của lực lượng Công an trong mọi hoàn cảnh mà còn góp phần truyền tải những hình ảnh đẹp về lực lượng vũ trang của đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/qua-tang-quy-gia-nhat-644252/