Quá tải xạ trị tại Bệnh viện K

Chia sẻ bên lề Hội thảo ứng dụng công nghệ điều trị xạ trị trong điều trị ung thư tại Việt Nam do Bệnh viện K tổ chức ngày 18/12, ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K thông tin hiện Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế.

Bệnh nhân đang chờ xạ trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sáng ngày 18/12. Ảnh: DN

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Thông tin về việc sử dụng trang thiết bị trong điều trị cho bệnh nhân ung thư theo ông Thuấn, trước năm 2017, Bệnh viện có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, Bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện K cũng thừa nhận với số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao, cụ thể năm 2015 bệnh viện tiếp nhận 11.799 người bệnh, năm 2016 là 12.081 người bệnh, song đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017) Bệnh viện điều trị cho hơn 15.000 người bệnh, bệnh viện thường xuyên quá tải, các máy xạ trị của Bệnh viện sử dụng liên tục 22/24h.

Mỗi ngày, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K phải tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân và do không đủ máy móc nên việc điều trị phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm. "Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo mỗi máy xạ trị nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày. Nhưng thực tế, một ngày ở Bệnh viện K, một máy phải xạ trị lên tới 150, thậm chí 200 bệnh nhân. “Các máy làm việc liên tục đến 23 giờ/ngày. Chỉ có một, hai tiếng máy sẽ nghỉ để bảo dưỡng, bảo trì”, ông Thuấn nói.

Theo kỹ thuật viên Đỗ Đức Doanh, Khoa Xạ trị của Bệnh viện K, việc xạ trị vào ban đêm không chỉ gây khó khăn cho người bệnh mà bản thân kỹ thuật viên, nhân viên y tế cũng phải làm việc vất vả. Chưa kể tình trạng bệnh nhân đợi chờ đến lượt xạ trị song lúc đó máy hỏng, bệnh nhân phải đợi sửa chữa trong khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ là việc không hiếm.

Bác Ma Thị Hạnh, thị trấn Xuân Mai, Hà Nội, đưa chồng đi xạ trị ung thư phổi cho biết, mỗi tuần bác đưa chồng đi điều trị xạ trị 5 lần theo lịch hẹn của bác sỹ, có lần thì ban ngày nhưng có khi vào ban đêm và sáng sớm. Có lần bác sỹ hẹn điều trị vào 5 giờ sáng, hai vợ chồng bác dậy từ 2 giờ đêm chuẩn bị.

“Mặc dù xạ trị lúc 5 giờ sáng nhưng hầu như cả đêm hai vợ chồng trằn trọc đợi đến giờ đi”, bác Hạnh nói.

Còn theo bác Nguyễn Văn Vinh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, bác thuộc diện điều trị ngoại trú nên phải thuê nhà ở ngoài để ở, tuần bác vào viện 5 ngày để xạ trị. Bác Vinh cho biết nhiều lúc phải đi xạ trị ban đêm, bản thân mình thì không sao nhưng chỉ thương người vợ phải thức khuy dậy sớm trong thời tiết giá rét như hiện nay.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/qua-tai-xa-tri-tai-benh-vien-k.aspx