Quá tải lưới điện đã nhìn thấy trước

Trong nhiều số báo trước, ĐTTC đã liên tục có bài viết phản ánh nguy cơ vỡ quy hoạch điện mặt trời (ĐMT). Đồng thời chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ này do sự độc quyền của ngành điện từ mua điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, đặc biệt trong việc mua điện của hệ thống ĐMT.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800-850 MW ĐMT. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện ĐMT tại Việt Nam, theo đó giá mua ĐMT 9,35US cent/kWh, có thời hạn đến 30-6-2019.

Thực hiện chủ trương này, Bộ Công Thương liên tục cấp phép hàng loạt dự án ĐMT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án ĐMT để hòa lưới điện.

Do Quyết định 11 của Thủ tướng có hiệu lực đến 30-6-2019, đã hình thành cuộc đua rầm rộ đầu tư cho ĐMT, các doanh nghiệp thi nhau công bố dự án để kịp hưởng chính sách ưu đãi giá điện cao. Nếu cả năm 2018 chỉ 3 nhà máy đóng điện thành công, trong 6 tháng năm 2019 có tới gần 90 nhà máy ĐMT hòa lưới. Hiện tại, Tổng sơ đồ VII đã ghi nhận hơn 7.000kWh ĐMT, vượt gần 9 lần so với quy hoạch ban đầu. Số lượng dự án ĐMT hiện nay cũng đã vượt con số 100.

Trong bối cảnh trên, một lần nữa tính độc quyền của ngành điện lại được “phát huy”. Cơ quan Điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án ĐMT phải cắt giảm công suất hòa lưới, với lý do hệ thống lưới điện truyền tải không đáp ứng được. Việc ép nhà đầu tư sản xuất ít ĐMT, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao kéo dài, không chỉ gây thiệt cho nhà đầu tư, người tiêu dùng, còn gây lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như nguồn lực, gây mất lòng tin doanh nghiệp.

Thực trạng vỡ quy hoạch ĐMT cho thấy, ngay từ những năm trước, trong bối cảnh sau khi Thông tư 16 ngày 12-9-2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT có hiệu lực, đáng ra việc lập kế hoạch đầu tư, cải thiện hệ thống lưới điện quốc gia cần được tập trung thực hiện sớm, không phải đợi đến lúc này.

Dẫu biết rằng, đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Trong khi đó, để đầu tư dự án ĐMT với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng. Song đây không phải là lý do để ngành điện nói quá tải lưới truyền tải để cắt giảm sản lượng điện mua từ các nhà máy ĐMT. Bởi điều này đồng nghĩa ngành điện đã đi ngược chủ trương của Chính phủ.

Điều đáng nói, hiện nay sản lượng điện hàng năm làm ra vẫn chưa đủ cho nhu cầu thực tế. Vậy nhưng, từ nhiều năm nay hệ thống truyền tải điện quốc gia đã được cảnh báo quá tải, đầy tải. Đây là điều nghịch lý. Theo nguyên tắc nguồn và lưới phải đi với nhau. Muốn thêm nguồn phải có lưới để tải điện.

Theo đó, khi các dự án được xây mới, công suất tăng vọt, hệ thống dây truyền tải cũng phải được đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, các đường dây truyền tải hiện vẫn chưa được đầu tư mới. Trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (dù chưa tính đến sự xuất hiện của các nhà máy ĐMT cụ thể) đã dự báo tương lai sẽ tăng công suất nguồn từ năng lượng tái tạo. Nhưng khi nhiều dự án năng lượng tái tạo là ĐMT lắp xong không thể phát điện vì không có lưới, là hậu quả của việc phát triển thiếu đồng bộ.

Là doanh nghiệp nhà nước độc quyền theo chính sách của Nhà nước, EVN phải thực hiện tốt chính sách đó. Thay vì đầu tư các dự án điện than tốn kém, EVN hãy dành nguồn lực đó đầu tư vào hạ tầng lưới điện truyền tải. Còn trong trường hợp EVN vẫn không đủ nguồn lực đầu tư nâng cấp lưới điện theo nhu cầu phát triển của xã hội, hãy mở lĩnh vực này cho tư nhân tham gia.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/qua-tai-luoi-dien-da-nhin-thay-truoc-70117.html