Quà sinh nhật 'kép' từ TT Trump tới đồng cấp Putin từ hai kế hoạch rời đi của Mỹ?

Dự định rút quân khỏi Syria và rời bỏ Hiệp ước Bầu trời mởi – Mỹ đang trao lợi thế cho Nga.

Ngày 7/10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đón chào sinh nhật lần thứ 67. Theo trang Bussiness Insider, nhà lãnh đạo nước Nga nhiều khả năng nhận được hai món quà sinh nhật cực kỳ có ý nghĩa từ Washington.

Cụ thể hơn, chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây đã đưa ra hai quyết định chính sách đối ngoại được đánh giá là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Nga.

Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Trump (ảnh: Reuters)

Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Trump (ảnh: Reuters)

Vào tối Chủ nhật (6/10), Tổng thống Trump công bố rút khoảng 1.000 lính Mỹ khỏi miền bắc Syria. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này không chỉ gây nguy hại cho người Kurd – đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS, mà còn đánh dấu một thắng lợi cho nhóm các nước đối thủ của Washington, bao gồm Nga.

"Việc ngay lập tức rút quân Mỹ khỏi Syria sẽ chỉ có lợi cho Nga, Iran và chế độ Assad", Nghị sỹ đứng đầu phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói. "Và điều đó sẽ làm tăng nguy cơ IS và các nhóm khủng bố khác hồi sinh".

Bên cạnh đó, một lá thư từ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Eliot Engel hé lộ, chính quyền Trump có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở - một thỏa thuận hiện có sự tham gia của 34 nước thành viên, tính cả Nga.

Nghị sỹ Đảng Dân chủ Engel đặc biệt lưu ý, Hiệp ước bầu trời mở có tầm quan trọng "như một khảo nghiệm trước sự hiếu chiến gia tăng của Nga đối với Ukraine".

Mỹ rời bỏ Syria và những đầu tư của Nga tại khu vực

Ngoài việc đem lại lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và nhóm khủng bố IS, quyết định rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria chắc chắn là một động thái có lợi cho Nga. Mosocw hiện đang ủng hộ về mặt chiến lược cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đặc biệt là về hỗ trợ không lực.

Việc ngay lập tức rút quân Mỹ khỏi Syria sẽ chỉ có lợi cho Nga, Iran và chế độ Assad. Và điều đó sẽ làm tăng nguy cơ IS và các nhóm khủng bố khác hồi sinh.

TNS Mitch McConnell

Kênh BBC dẫn lời một số chuyên gia nhận định, sự tham gia của Nga vào cuộc xung đột tại Syria chủ yếu là phục vụ cho các mục đích của mình: khẳng định vị thế bản thân trên trường quốc tế, đồng thời thử nghiệm thực chiến binh lính và các vũ khí mới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider năm 2018, ông Andrew Parailiti, một giám đốc của Trung tâm về an ninh và nguy cơ toàn cầu đã giải thích về lợi ích của Nga trong cuộc xung đột Syria thành ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, hỗ trợ một đồng minh; thứ hai, tham gia cuộc chiến chống khủng bố; và thứ ba, thách thức vai trò toàn cầu của nước Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng muốn duy trì căn cứ hải quân tại Tartus, Syria.

Mỹ rời đi sẽ trao thêm quyền kiểm soát trong khu vực vào tay Nga, cũng như gia tăng lợi thế cân bằng của Moscow với các quốc gia khác đang đầu tư vào mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tại Syria.

"Nếu anh muốn thương lượng một kết thúc nào đó cho cuộc xung đột, anh không thể bỏ qua lập trường của Nga về cách dàn xếp cuộc xung đột đó", bà Margot Light, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế London nói với BBC năm 2017. "Đó là một phần trong quyết tâm của ông Putin nhằm chứng tỏ Nga là một cường quốc cần phải được nhìn nhận".

Rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở ảnh hưởng tiêu cực tới đồng minh của Mỹ

Hôm thứ hai, Nghị sỹ Engel gửi một lá thư tới ông Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump; trong đó, ông Engel bày tỏ những quan ngại sâu sắc xung quanh tin tức chính quyền đang muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.

Cây bút David Choi của Business Insider mô tả, "các quốc gia là thành viên của hiệp ước phải thông báo với các nước khác 72 giờ trước khi tiến hành một chuyến bay quan sát, cùng lúc nước chủ nhà có một ngày để phản hồi".

Nga và Mỹ vẫn đang tranh cãi về hiệp ước khi mỗi quốc gia đều tuyên bố nước kia đang hạn chế bay. Thượng nghị sỹ Tom Cotton thậm chí còn kêu gọi rút hoàn toàn khỏi hiệp ước với lý do liên quan tới các lệnh hạn chế của Nga đối với Kaliningrad – khu vực đang ngày càng bị quân sự hóa tại Baltics.

Trong khi Mỹ có thể đã nâng cấp hệ thống vệ tinh để giám sát Nga, mối lo chính lại là liệu việc Washington rút khỏi hiệp ước sẽ có ý nghĩa gì đối với các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, đặc biệt là Ukraine. Trong những nỗ lực đối phó với lực lượng li khai thân Nga tại miền đông đất nước, Ukraine dựa vào Hiệp ước Bầu trời mở để giám sát quân đội Nga.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói với phóng viên Choi, ông không nhận thấy bất kỳ giá trị gì của động thái rút khỏi hiệp ước.

"Nó không làm tăng bất kỳ năng lực nào mà chúng ta đang bị phủ nhận, nó không bác bỏ thông tin của người Nga rằng, họ không thể đạt được [các năng lực] thông qua vệ tinh của chính mình", ông Daryl phân tích. "Đây là một hiệp ước xây dựng niềm tin đặc biệt có giá trị đối với các đồng minh châu Âu của chúng ta, cụ thể trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga đang gia tăng".

Trang Business Insider kết luận, nếu Mỹ rời khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, họ có thể khiến các cuộc đối thoại với Nga trở nên phức tạp hơn và gây ảnh hưởng xấu tới các đồng minh châu Âu như Ukraine trong hành trình kiềm chế Moscow.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/qua-sinh-nhat-kep-tu-tt-trump-toi-dong-cap-putin-tu-hai-ke-hoach-roi-di-cua-my-20191009142616015.htm