Quá nhiều văn bản luật

Đã có nghị quyết của Chính phủ, một văn bản sửa nhiều văn bản, dứt khoát phải chỉ đạo gom lại. Một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay chúng ta cũng không nhớ hết, rất khổ - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói như vậy tại phiên làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và các đề án vào ngày 1-10.

Hẳn nhiều người còn nhớ Quyết định 33 ngày 30-9-2008 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ghi rõ người có vòng ngực trung bình dưới 72 cm thì không được cấp bằng lái xe A1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 33 ngày 20-7-2012 quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ... Do sự bất hợp lý, thiếu khoa học nên sau khi các cơ quan báo chí lên tiếng, hai bộ đã bãi bỏ quyết định và thông tư nói trên.

Gần đây, khoản 4 điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 1-11), quy định học sinh (HS) không được "sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép". Điều này còn được hiểu theo nghĩa HS được sử dụng điện thoại trong giờ học vào mục đích học tập và dưới sự đồng ý của GV. Quy định này đã gây ra nhiều luồng dư luận, nhiều ý kiến lo ngại HS sẽ chểnh mảng học hành, việc sử dụng điện thoại trên lớp sẽ gây tác dụng ngược...

Giải thích tại một cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết GV cho phép sử dụng điện thoại vào mục đích học tập cũng chỉ trong một thời gian ngắn chứ không sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và cả GV vẫn cho rằng chưa thể an tâm với việc cho HS sử dụng điện thoại trong lớp...

Thực tế cho thấy không ít trường hợp cơ quan quản lý không theo kịp sự phát triển của xã hội nên chậm ban hành văn bản hoặc ban hành thì không còn phù hợp. Một bộ luật ra đời, chờ nghị định hướng dẫn, có nghị định rồi lại chờ thông tư, từ khi luật ra đời đến khi vào cuộc sống phải mất thời gian dài, đến khi vận dụng, diễn biến mới phát sinh, lại phải sửa luật. Thực trạng đó kéo dài nhiều năm, chúng ta chưa khắc phục được, chưa kể khi xây dựng dự thảo nghị định hay ban hành thông tư, các bộ, ngành còn "cài cắm" lợi ích cục bộ nhằm thủ lợi cho bộ, ngành. Mặt khác, còn có tình trạng không minh bạch, một văn bản pháp luật có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây khó cho người dân và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sách nhiễu, "tham nhũng vặt".

Để khắc phục tình trạng "văn bản chồng văn bản", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói phải giảm bớt các nghị định (chẳng hạn Bộ Luật Lao động có 15 nghị định, nên rút lại để chỉ còn nhiều nhất là 3) và một nghị định chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn. Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng văn bản pháp luật mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

TOÀN THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/qua-nhieu-van-ban-luat-20201002225023902.htm