Quá nhiều khâu trung gian khiến giá thịt lợn tăng cao

Việc bất ổn của giá lợn hơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù giảm sâu hay tăng mạnh thì người tiêu dùng luôn bị chịu thiệt.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo: "Thịt lợn – bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng" do Hội Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức sáng 15/5.

Theo khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, ngày 12/5, tại một số siêu thị trên đường Xuân Diệu (Hà Nội), giá thịt ba rọi lên tới 209.000 đồng/kg, sườn thăn 206.000 đồng/kg. Giá thịt tại các chợ dân sinh cũng ở mức 160.000 – 165.000 đồng/kg. Có một nghịch lý là dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, vì đây là mặt hàng nằm trong giỏ hàng hóa để tính CPI. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân quý I/2020, giá thịt lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019; góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý I/2020.

 Quá nhiều khâu trung gian khiến giá thịt lợn tăng cao.

Quá nhiều khâu trung gian khiến giá thịt lợn tăng cao.

Nhìn nhận về giá thịt lợn trong thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg, về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi 25.000 đồng/kg; tăng thêm 10.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày; tăng thêm 20.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 180 tỷ đồng/ngày. Như vậy, vẫn còn dư địa để giảm giá bán lợn hơi, trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, việc tăng giá này chỉ một bộ phận người chăn nuôi được hưởng lợi. Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang tái đàn ồ ạt, điều này rất rủi ro trong dài hạn. Bởi chi phí chăn nuôi đang cao, nhưng liệu 5 - 6 tháng nữa giá lợn có cao để bù đắp chi phí?

Cũng theo ông Cường, ngay cả các tiểu thương bán lẻ ngoài chợ cũng gặp khó khăn. Họ nhập cao thì giá bán ra cũng sẽ cao, nhưng giá cao thì bán sẽ ế, như vậy họ bị ảnh hưởng nhiều. Từ thực trạng đó, ông Cường khẳng định, các khâu trung gia hiện nay đang quyết định nhiều đến giá thịt lợn. Mỗi khâu chỉ hưởng lợi 10% cũng đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới giá thịt.

Mặt khác, ông Cường cũng chỉ ra những nguy cơ nếu giá thịt lợn vẫn neo cao như hiện nay. Đó là nếu giá thịt lợn vẫn cao, khi đó Chính phủ sẽ cho phép đẩy mạnh nhập khẩu, nếu việc nhập khẩu này đến một lúc nào đó tạo thành thói quen tiêu dùng, khi người tiêu dùng chỉ sử dụng thịt nhập khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ mất sân nhà.

Hội thảo: "Thịt lợn – bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng". Ảnh DNVN/HuongLan.

Cũng theo ông Cường, sự bất ổn giá lợn hơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù giá lợn hơi giảm sâu hay tăng mạnh thì người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Người tiêu dùng hầu như không được hưởng, người sản xuất trực tiếp cũng không được hưởng. Vậy ở đây khâu trung gian được hưởng.

Khâu trung gian ở đây là chuỗi gồm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ bán cho cơ sở chăn nuôi lớn, cơ sở chăn nuôi lớn bán cho đại lý cấp 1, đại lý cấp 1 bán cho cấp 2, cấp 3, sau đó bán cho lò mổ, lò mổ bán cho nhà phân phối cấp 1 sau đó mới đến cấp 2 và các kênh phân phối lẻ...

Chính nhiều khâu trung gian đó khiến giá lợn hơi tăng. “Khâu trung gian bán qua nhiều cầu cũng góp phần đẩy giá lên (5 khâu trung gian tăng 50%). Người chăn nuôi có thể bán giá đúng, nhưng khâu trung gian không thực hiện thì giá vẫn tăng. Vì vậy cần thiết cần có sự kiểm soát khâu trung gian này, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Quảng - Trưởng Phòng bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), có rất ít khiếu nại của người dân về việc vì sao phải mua thịt lợn với giá đắt.

Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng cho rằng, việc xây dựng cơ chế để công bố minh bạch các thông tin về thị trường thịt lợn là cần thiết. Theo đó, các bộ, ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an… cùng phối hợp, xây dựng trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…

Còn về phía các doanh nghiệp, ông Quảng nhấn mạnh, cần tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh. Về phía người tiêu dùng, cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan và đưa ra các quyết định tiêu dùng thông minh. Cân đối tỉ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn để vừa bảo đảm dinh dưỡng và tránh áp lực chi phí cao. Không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chủ động tố cáo tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chuyen-quan-ly/qua-nhieu-khau-trung-gian-khien-gia-thit-lon-tang-cao-7918.html