Quả ngọt

( Ảnh: Minh họa: ĐỨC BẢO )

Nãy dừng chân xuống đây, ông mãi mới nhận ra bãi Đồng Bây này. Xưa, chỗ này là những thửa ruộng bậc thang ngắn cun củn, có thửa không trải vừa chiếc chiếu giường đôi, chỉ trồng mỗi vụ lúa. Đây là đất ruộng của ông Vi Văn Lồ - Phó Chủ tịch xã Bảo Thắng. Hồi ấy dân Bảo Thắng cũng như ở Bảo Sơn cạnh bên, nghèo lắm. Xã Bảo Thắng hơn hai nghìn dân chỉ có quá chục gia đình là đủ ăn. Bà con trong xã toàn là người Nùng, người Dao, chỉ thích đốt rừng làm nương, khai thác lâm sản để mang xuống chợ bán. Mà chợ có gần gặn gì, những chín, mười cây số. Phải, đã mười chín năm rồi. Nếu không có dự án xóa đói, giảm nghèo, không mở rộng con đường từ đây thông xuống xã Phúc Thạch gần huyện lộ thì người dân nơi này sẽ khốn khó, cùng quẫn biết chừng nào. Phải, đã mười chín năm rồi... Chính ở bãi Đồng Bây này, đứng giữa ruộng bậc thang có những cây vải bị chặt la liệt, ông Lồ nhát gừng từng tiếng một trước ống kính ca-mê-ra: - Ấy ô, cây này chỉ biết ra lá thôi, không có quả mà. Một ông khác - ông Hoàng Coóng, trưởng bản - ngập ngừng: - Cũng có cây ra quả nhưng quả chỉ bằng ngón chân, chua lắm, không ăn được đâu. Tại giống cây của cán bộ mang về trồng đấy. Hiện trên màn hình là vườn cây vải bị chặt trụi. Ống kính ca-mê-ra chĩa vào một ông già đang tức giận chặt cây vải giữa vườn đồi. Cả thị trấn An Sơn, huyện lỵ Sơn Dương như lên cơn sốt sau bài phóng sự truyền hình: 'Sự thật về cây vải thiều xóa đói, giảm nghèo ở hai xã huyện Sơn Dương'. Chỉ sau một ngày đã có mấy chục chiếc đĩa DVD sao chép sự kiện ấy được lưu truyền rộng rãi trong và ngoài huyện. Nghĩa là người ta đã biết trước việc phát sóng truyền hình vụ việc này. Ai ở Ủy ban nhân dân huyện cũng biết, Giám đốc dự án này là ông Nông Văn Hội, trước là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, hiện là Phó Chủ tịch huyện. Những cuộc họp lên xuống vì bài báo suốt hai tháng trời. Những câu chuyện thực hư rỉ rả quanh cây vải... Ba tháng sau bài phóng sự được phát trên Đài Truyền hình tỉnh, ông Hội có quyết định thuyên chuyển lên tỉnh làm chuyên viên ở một ban dẫu không hề có kỷ luật. Thế là ông phải bán toàn bộ đất nhà, đất đồi vườn ở làng quê ven huyện lỵ để mua lại một căn nhà trong phố trên tỉnh rồi đưa vợ con lên. Chạy ngược chạy xuôi hàng năm trời, ông vẫn chẳng thu xếp được công việc cho vợ - một cô giáo người Tày dạy phổ thông cơ sở. Thế là vợ ông đành xin về nghỉ hưu trước tuổi. Phải, đã mười chín năm rồi... Có tiếng lạo xạo từ phía suối. Một ông già cao gầy, khoác túi vải nâu chéo, tay cầm dao quắm, mặc áo chàm quần đen đang lúi húi làm gì đó bên cạnh những cây vải thiều. Khi ông già ngẩng đầu nhìn ngang ngửa trước mặt, ông Hội nhận ra ngay là ông Vi Văn Lồ. Ông Lồ dạo này già quá. Ông ấy hơn ông Hội bốn, năm tuổi nhưng theo thói quen của người bản này vẫn gọi ông Hội bằng bác xưng em. Ông Lồ lững thững đi tới. Bây giờ ông đã nhận ra người lạ đang ngồi trong vườn vải. Ông hỏi từ xa: - Ấy dà, ai đấy? Ông Hội dõng dạc: - Kẻ trộm đây. Ông có nhiều vải chín không, cho xin một túi. Ông già không đáp, rảo bước tới, chằm chằm nhìn vào người vừa nói. Bỗng ông kêu toáng lên: - Ấy ơ, bác Hội! Sao bác lại ở đây? Ông Hội cười: - Thì đã bảo vào để ăn trộm mà. - Ố, không được nói thế nhé. Gặp được quý quá. Hôm nay bác phải ở lại nhà em uống rượu đấy. Ấy ô, ông trời có mắt rồi. Bác đến lúc nào thế? Sao bác không vào nhà em? - Hôm nọ tôi mới được biết, ông Thạch Quân ở Bảo Sơn mất. Ông ấy là bạn đồng niên của tôi. Vậy là tôi đạp xe từ huyện xuống để thắp hương cho bạn. - Sao bác không bảo chủ tịch huyện đưa ô-tô đi? - Đây là việc riêng, sao lại dùng xe công. Như thế không được. Mà tôi đã về hưu năm năm rồi. Ông Hội treo túi vải vào cành cây, ngượng ngập ngồi xuống, khẽ nói: - Bác vẫn còn giận em chứ? - Không đâu. Việc cũ qua rồi, giận làm gì. Mà cũng chẳng phải lỗi tại ông. Ông Lồ thở dài: - Tại người ta bảo làm vậy. Cái hồi ấy, không nghĩ được nhiều đâu. Ấy dà, người ta dặn phải nói là do ông Hội mua cây xấu, rồi phải chặt mấy cây trước ống kính nhà báo. Có thế mới không phải trả nợ tiền Chính phủ. - Tôi biết chuyện ấy rồi. Ông Hội tủm tỉm cười. Khi triển khai dự án xóa đói, giảm nghèo ở hai xã Bảo Thắng, Bảo Sơn - mà chính mình là người soạn thảo - Hội là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nông nghiệp. Dự án được Huyện ủy, đặc biệt là Bí thư Ngô Minh Bắc, đánh giá rất cao. Theo dự án, Nhà nước cấp giống vải thiều cho dân, sau năm năm sẽ thu hồi tiền. Hội làm Giám đốc dự án. Dự án kéo dài trong năm năm nhưng mới được bốn năm thì Hội phải bàn giao cho quyền Trưởng phòng Nông nghiệp vì anh được đề bạt làm Phó Chủ tịch huyện. Ông Hội hỏi: - Ông nghỉ chức Phó Chủ tịch xã lâu chưa? - Lâu lắm rồi. Năm trước bác lên tỉnh, năm sau em nghỉ. Bác Lục Bình bảo, em nhiều tuổi mà cái chữ ít quá, phải để bọn trẻ lên. Em nói, thế nào cũng được mà. Ông Hội không nói, lẳng lặng nhặt mấy quả vải thiều non rụng trên đất, bóp bóp trong bàn tay, hỏi: - Trước, ông chỉ trồng có mấy chục cây vải, giờ đã thành rừng. Đổi thay, đổi đời quá. Hiện nay ông có bao nhiêu héc-ta vải thiều? Ông Lồ ngượng nghịu: - Không biết héc-ta đâu. Đếm được hơn nghìn cây đấy. Ấy dà, hồi ấy thằng Coóng xuống những nhà quen ở thị trấn mua mấy trăm cành vải cho cả thôn bị người ta đưa loại xấu, phải chặt gần hết, chứ giống cây bác mang tới đều tốt cả. Vậy là bác bị oan, nhưng tại cán bộ Đào dặn phải nói cây xấu là do bác mua. - Cũng không phải chỉ do lỗi của Đào đâu. - Ấy ô, vậy là ai? Có phải bác Lục Bình? Tôi thấy Phéng, Chủ tịch xã hiện giờ, nói thế. Ông Hội khoát tay: - Thôi, nhắc chuyện cũ làm gì. Tôi mừng vì cả Bảo Thắng, Bảo Sơn đều có nhiều vải thiều. Đường sá đã rộng rãi, có chỗ đổ được bê-tông. Vậy là dự án xưa đã thành. Hai xã đã xóa nghèo. Ông bây giờ giàu chưa? Chắc là không phải lo cái ăn nữa. - Ấy dà, gạo nhiều lắm, không ăn hết đâu. Sắn, ngô đầy bồ. Vải thiều cũng nhiều tiền rồi. - Mỗi năm ông thu về bao nhiêu tiền vải thiều? - Không đếm đâu. Nhưng mà tiền học cho con, cho cháu, tiền đong gạo đều trông vào cây vải thiều đấy. Mà tôi còn nuôi cả dê nữa. Nhiều lắm. Thỉnh thoảng vẫn dắt xuống bán ở chợ. Ấy ơ, cũng là nhờ bác Hội đấy. - Không phải vậy đâu. Phải nói là nhờ Đảng, Chính phủ chứ. - Phải rồi... - Ông Lồ gật gật đầu. Ông Lồ mới học hết lớp ba, tiếng Kinh cũng chưa thật thạo nhưng thật thà, tốt bụng lắm. Ông Hội đã nhiều lần ăn ngủ tại nhà ông Lồ trong mấy năm triển khai dự án. Có lẽ mọi việc rắc rối khi những lá đơn gửi lên Ủy ban nhân dân huyện tố cáo Nông Văn Hội khi làm Giám đốc dự án xóa đói, giảm nghèo ở Bảo Thắng, Bảo Sơn đã chỉ đạo mua giống vải thiều rởm để thu lợi bất chính. Sau đó là tốp phóng viên Đài Truyền hình tỉnh đến gặp gỡ một vài cán bộ huyện rồi xuống tận hai xã Bảo Thắng, Bảo Sơn để phỏng vấn, ghi hình một vài người dân. Tất cả những cuộc gặp ấy, ông Lục Bình đều kiếm cớ tránh mặt, giao cho Chánh văn phòng Ủy ban tổ chức, sắp xếp... Ông Lồ khoác túi vải, đứng dậy: - Bác ở đây chờ em. Em phải sang vườn bên kia có việc. Nhanh thôi mà. - Ông cứ đi, tôi ngồi đây chờ. Ông Hội đứng dậy, nhẩn nha đi trong bãi vải. Cả khu ruộng bậc thang nay đã thành bãi vải thiều xanh ngắt. Chính nhờ mở rộng đường mà các xe ủi đất đã san lấp tạo thành. Đó cũng là thành công của dự án khi ấy. Hồi đó, không tuần lễ nào là Hội không có mặt ở Bảo Thắng, Bảo Sơn. Anh cùng với nhiều cán bộ trong phòng nông nghiệp xuống tận huyện Lục Sơn - trung tâm vải thiều của tỉnh - để lựa chọn giống vải. Trước khi ký hợp đồng kinh tế, anh cho người đi khảo sát giống, giá ở nhiều nơi Lục Sơn. Cẩn thận hơn, anh còn chọn cành vải chỗ sẽ mua để trồng trước. Bởi vậy số vải thiều mà anh mua mang về đều cùng chủng loại, đạt chất lượng cao. Có lẽ sai lầm của anh là ở đợt cuối dự án đã nghe lời khuyên của Lục Bình là phát tiền cho dân qua cán bộ xã. Thế là người dân tự mua cây giống. Vậy là sinh ra giống vải thiều kém chất lượng. Bà con chỉ thích mua rẻ để bớt lại nhiều tiền, đã thế lại cả tin nên dễ bị lừa. Chỉ có điều người ta bố trí chặt vải thiều rởm trước ống kính ca-mê-ra để vu cho Hội. Lại một điều nữa, theo chỉ đạo ngầm của ai đó trong huyện, dân chỉ được phép chặt vải thiều nhà mình khi nhà báo tới. Người dân của hai xã còn được rỉ tai: Cứ kêu giống vải thiều xấu thì Nhà nước sẽ không thu lại tiền đã cấp. Được cây mà lại không phải trả tiền mua, ai chả thích. Ông Lồ đã trở lại. Túi vải khoác trên vai căng phồng. Ông khoe vừa gỡ được tổ ong mật. - Mang về để biếu bác đấy. Ở trên tỉnh, không có ong này đâu. Ông Hội cười vang: - Được lộc của ông rồi. Thế thì tôi còn ở lại lâu nữa đấy. - Ấy ơ, tôi đã cho một đứa về nhà nấu trước thức gắp rồi. Có món ngon lắm, bác chưa được ăn đâu. Thấy ông Hội vẫn cầm mấy quả vải xanh cọc còi ban nãy, ông Lồ nói: - Năm nay quả bé rụng nhiều. Tiếc lắm. - Có lẽ tại thời tiết... - Ông Hội vừa nói vừa bóc vỏ quả, đưa lên miệng nhâm nhấm. Âu cũng là thói quen mỗi khi đi trong vườn vải. - Còn chua và chát - ông Lồ nói - Những quả to, chín ở trước mặt mới ngọt. Ông Hội cười: - Vải thiều là vậy mà. Trước khi ngọt, bao giờ cũng phải đắng, phải chát. Cũng may lại được giống quả ngọt chứ lại giống quả chua chát thì khổ lắm. Ông định nói thêm câu gì đó nhưng lại im, cứ lặng lẽ đi bên ông Lồ lúc ấy đang ngước nhìn cành vải thiều lúc lỉu quả sà xuống phía trước...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/truyen/qu-ng-t-1.284655