'Quả ngọt' từ nhãn xuồng cơm vàng

Là đặc sản của vùng đất Đông Nam Bộ, bén duyên với vùng đất Nghĩa Hành, nhãn xuồng cơm vàng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Đúng 2 thập kỷ trước, gia đình bà Võ Thị Nga, ở thôn Long Bàn, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành đã mạnh dạn đi tiên phong tham gia mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng với quy mô lớn thay vì trồng vài cây để ăn chơi như nhiều gia đình khác ở địa phương.

Bà Nga kể: Thời điểm năm 2000, gia đình bà tham gia mô hình khuyến nông trồng nhãn xuồng cơm vàng trên vùng đất gò đồi bạc màu của gia đình. Dù xuất phát điểm, cây nhãn xuồng cơm vàng là giống cây ở miền Đông Nam Bộ, nhưng lại bén rễ, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Nghĩa Hành.

Bà Nga thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng.

Để nhãn sinh trưởng tốt, gia đình bà Nga chăm bón theo quy trình sạch, cung cấp đủ nước, sử dụng nhiều lượng phân chuồng bón cho cây. Năm thứ 6, cây nhãn bắt đầu cho “quả ngọt” với lứa quả đầu tiên, từng chùm nhãn trĩu cành, chỉ cần với tay là hái được.

Nhãn ra hoa vào khoảng tháng 4 âm lịch và cho thu hoạch rộ vào tháng 6 âm lịch hằng năm. Mỗi cây nhãn cho thu hoạch vài chục ký.

Chất lượng vượt trội nên nhãn xuồng cơm vàng của gia đình bà Nga ngày càng được thị trường ưa chuộng, thương lái, khách hàng ở nhiều nơi tìm về mua. Giá bán tại vườn ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Năm nay dù thời tiết khắc nghiệt, nhãn xuồng vẫn được mùa hơn năm ngoái, giá ổn định. Dù thời điểm thu hoạch gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng nhãn của gia đình bà vẫn bán rất chạy. Với 70 cây nhãn, gia đình bà Nga vừa thu hoạch 2 tấn quả. Với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, bà thu về 50 triệu đồng.

Nhãn xuồng cho trái to, đều, đẹp.

Gặp chị Mai, ngụ ở phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi đang chờ hái nhãn mua tại nhà bà Nga. Chị Mai cho biết, 4 năm trước, trong một chuyến đi công tác gặp lúc vườn nhãn của gia đình bà Nga đang thu hoạch rộ.

Thấy vườn nhãn trĩu quả, bắt mắt, quả to, ăn rất ngọt, thơm, ngon, cơm dày nên chị mua về ăn và biếu người thân. Và năm nào đến mùa thu hoạch chị Mai cũng tìm về vườn nhãn bà Nga mua nhãn.

Theo chị Nga, nhiều người rất thích ăn nhãn nhưng loại nhãn ở chợ bày bán là nhập ở nơi khác về. Nhãn sau khi thu hoạch, vận chuyển dài ngày nên rất nhanh bị nứt vỏ, chảy nước, bị thối, hư hỏng.

Với nhãn mua tại vườn nhà bà Nga rất tươi, thơm ngon, để vài ngày vẫn không bị hư hỏng nên năm nào đến mùa thu hoạch chị cũng đến tận vườn mua về dùng và làm quà cho người thân.

Cơm dày, thơm, ngon.

Trong vườn nhà bà Nga trồng rất nhiều loại cây ăn quả, bà Nga so sánh, so với các loại cây trồng khác như cam, quýt… thì cây nhãn dễ trồng, thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt hơn, nhẹ công chăm sóc vì ít sâu bệnh cũng như ít chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu.

Sau khi thu hoạch xong, gia đình bà tiến hành tỉa cành, cắt bỏ những nhánh nhỏ để dưỡng sức cho vụ sau, cung cấp đủ phân chuồng, nước tưới cho cây.

Hiện tại ở huyện Nghĩa Hành chỉ mỗi gia đình bà Nga trồng nhãn xuồng cơm vàng đại trà với số lượng lớn. Đây là động lực để nhiều hộ nông dân khác mạnh dạn đầu tư lựa chọn các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Cùng với các loại cây trái như sầu riêng, chôm chôm, chuối ngự, mít thái, bưởi da xanh, măng cụt... nhãn xuồng cơm vàng đã khẳng định sự thích nghi của loại cây này với vùng đất Nghĩa Hành, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: C.P

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202008/qua-ngot-tu-nhan-xuong-com-vang-3019749/