'Quả ngọt' từ đầu tư khoa học công nghệ

Với cách làm bài bản, huy động nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm trong phát triển KHCN, đến nay các chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong Nghị quyết 07-NQ/TU của TP Hạ Long đều đã hoàn thành. Điều này đem đến diện mạo mới cho thành phố thủ phủ của Quảng Ninh.

Cải cách hành chính trên nền tảng ứng dụng CNTT

Người dân làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường Hòn Gai.

Người dân làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND phường Hòn Gai.

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, giai đoạn 2015-2020, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước. Hiện thành phố sử dụng hiệu quả 295 hòm thư công vụ do tỉnh cấp trong trao đổi văn bản; duy trì hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử thành phố. Đồng thời, triển khai đồng bộ các phần mềm vào công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ như: Phần mềm quản lý đối tượng chính sách, cung cầu lao động, quản lý doanh nghiệp, trẻ em; phần mềm quản lý hộ khẩu hộ tịch; phần mềm quản lý dữ liệu dân số; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm quản lý tàu du lịch.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính, Kho bạc Nhà nước cũng ứng dụng thành công và nâng cấp các dự án hiện đại hóa thu nộp ngân sách nhà nước; chương trình thanh toán điện tử; chương trình quản lý kiểm soát thanh toán vốn đầu tư trên mạng… Qua đó, đã rút ngắn thời gian luân chuyển chứng từ, hệ thống báo cáo được kết xuất từ các chương trình ứng dụng một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý và điều hành ngân sách đạt hiệu quả cao.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của TP Hạ Long tại Công ty CP Ngọc trai Hạ Long. (Ảnh: Vũ Bích)

Đặc biệt, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại 33/33 phường, xã đều đã được đầu tư bài bản, hoạt động ngày càng hiệu quả, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Hiện có 284/284 thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố; 102/102 thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại 33/33 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại ở các xã, phường. Các thủ tục này đều được thực hiện theo nguyên tắc “Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt tại chỗ”. Như vậy, để hoàn thiện một bộ hồ sơ, người dân và doanh nghiệp không còn mất nhiều thời gian, chi phí đi lại, vấn đề tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ công của cán bộ, công chức được giảm thiểu tối đa.

Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh và tăng cường an toàn, an ninh du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Bà Trần Thị Báu (khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: Trước đây, mỗi lần phải làm giấy tờ hoặc xin xác nhận của chính quyền địa phương, người dân chúng tôi cảm thấy rất ngại vì thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi lâu. Thế nhưng, giờ chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của thành phố, mọi thứ đều được hướng dẫn chu đáo, tận tình, người dân có thể thực hiện đồng thời nhiều thủ tục. Hay như đối với việc cấp mới, đổi thẻ BHYT, chỉ cần giấy tờ tùy thân và một tờ khai là BHXH thành phố sẽ cấp mới, đổi thẻ BHYT ngay trong ngày, tạo điều kiện tối đa cho chúng tôi trong việc khám, chữa bệnh.

Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào cải cách hành chính, trong giai đoạn 2015-2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đã tiếp nhận và giải quyết gần 700.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 97%, trung bình thời gian giải quyết giảm trên 30% so với quy định. Kết quả này đã giúp Hạ Long duy trì, giữ vững là địa phương đi đầu toàn tỉnh về cải cách hành chính, thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử, công dân điện tử.

Dáng vóc đô thị thông minh, hiện đại

Khu đô thị mới Moon Bay Hạ Long, một trong những khu đô thị hiện đại và thông minh của thành phố Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn

Năm 2016, Đề án xây dựng thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Một trong những kỳ vọng lớn của Đề án đưa ra là đến năm 2020, TP Hạ Long cơ bản trở thành đô thị thông minh của tỉnh. Trên tinh thần đó, Hạ Long đã bắt nhịp ngay vào lộ trình trở thành đô thị thông minh với quyết tâm cao độ nhất. Hằng năm, ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho địa phương trong hoạt động quản lý KHCN, thành phố chủ động bố trí nguồn ngân sách từ 2-4% tổng chi ngân sách thường xuyên để hỗ trợ cho các hoạt động này. Trong đó, thành phố dồn nguồn lực để triển khai thực hiện 5 dự án thành phần, đóng vai trò “xương sống” cho một đô thị thông minh là: Ứng dụng CNTT quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh bằng tàu, thuyền và tăng cường an toàn, an ninh du lịch trên Vịnh Hạ Long; ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị; ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh - giai đoạn I; xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh và xây dựng hệ thống thu thuế thông minh.

Công ty CP Kỹ thuật chiếu sáng Việt Nam lắp đặt đèn led tại phường Hà Trung.

Đến nay, dáng vóc của một thành phố du lịch hiện đại, văn minh đã dần hiện hữu khi Hạ Long đã hoàn thành hệ thống chiếu sáng thông minh giai đoạn 1 và 2 với trên 4.300 bộ đèn led chiếu sáng khắp 145 tuyến đường trục chính. Các hệ thống chiếu sáng này được kết nối và điều khiển, giám sát, vận hành tự động. Không dừng lại ở kết quả này, hiện thành phố đang tiếp tục triển khai giai đoạn 3 của dự án với gần 3.200 bộ đèn led sẽ được lắp đặt các khu đô thị đã được bàn giao cho thành phố. Dự kiến, cuối tháng 11, toàn bộ giai đoạn 3 của dự án sẽ được hoàn thành. Cô Hoàng Thị Ngọc Hương (khu 3, phường Hà Trung) phấn khởi cho biết: Trước đây người dân khu phố phải tự mua đèn chiếu sáng về lắp nhưng cũng chỉ là các bóng đèn tròn, ánh sáng yếu, thường xuyên bị hư hỏng, giờ được thành phố lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới, an ninh trật tự của khu phố đã đảm bảo hơn rất nhiều, việc đi lại cũng thuận tiện và dễ dàng hơn.

Không chỉ lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh, toàn thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 134 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ; trên 90% các tuyến đường trục chính được triển khai làm gọn cáp và ngầm hóa cáp điện lưới, viễn thông. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư Khu công viên CNTT tập trung tại phường Tuần Châu, nhằm phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, hình thành nền hệ sinh thái nội dung số của tỉnh.

Thành phố Hạ Long đã đầu tư gần 800 phòng học thông minh tại 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn. (Ảnh: Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long).

Đối với hoạt động giáo dục, 5 năm trở lại đây, ngành Giáo dục thành phố đã đầu tư gần 800 phòng học thông minh tại 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như đưa ngành Giáo dục của Hạ Long bắt nhịp kịp thời với thời kỳ công nghệ số. Hiện Phòng GD&ĐT thành phố đã triển khai lập email điện tử cho học sinh THCS, chuẩn bị các bước để tiến hành khảo sát trực tuyến đối với học sinh về một số nội dung để có thêm nguồn thông tin nhằm đánh giá mức độ hài lòng của học sinh đối với các hoạt động giáo dục, phục vụ công tác quản lý, điều hành và lập kế hoạch.

Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, y tế, quốc phòng an ninh cũng đạt được nhiều thành tựu nhất định, đội ngũ trí thức ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, khả năng ứng dụng CNTT thành thạo trong công tác chuyên môn, quản lý, điều hành.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 07-NQ/TU với quyết tâm mạnh mẽ và đổi mới cơ chế, chính sách và phương thức đầu tư cho KHCN, hiện thành phố Hạ Long đã ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực của đời sống và quản lý của chính quyền địa phương. Một trong chìa khóa để thành phố đáp ứng yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Từ đó, đóng vai trò là tiền đề vô cùng quan trọng, cốt lõi để Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh vào năm 2030.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202011/qua-ngot-tu-dau-tu-khoa-hoc-cong-nghe-2508802/