Qua miền Tây Trúc

Ấn Độ, trong sử sách xưa còn gọi là Tây Trúc - địa danh vốn quen thuộc với hầu hết người dân các quốc gia Châu Á, qua bộ phim “Tây Du Ký” của Trung Quốc. Với nhiều người, đây là đất nước của không ít cảnh người lầm than; của triệu căn nhà ổ chuột...

Nhưng riêng tôi, cuộc sống đất nước này còn cho một một cách nhìn khác. Tất cả những điều tưởng như bất tiện trên, là cái nhân, để mang lại những vần thơ tràn đầy màu sắc, ánh sáng của Tagor, những minh triết của Krisnamurty và hơn hết đó là điều kiện cơ bản nhất để Đức Thích Ca Mầu Ni suy niệm, xây dựng nền tảng Phật pháp, dẫn dắt hàng trăm triệu tín đồ Phật Giáo, nghìn năm qua thoát khỏi bến mê, tìm đến con đường đốn ngộ, giải thoát trong cuộc sống.

Thanh âm “rừng Kim Tước”

Như một nhân duyên, sau chuyến tháp tùng với Thủ tướng Chính phủ, hai năm sau tôi là ứng cử viên duy nhất nhận được học bổng học tập tại Đại học Ngoại ngữ Hyderabad, bang Andra Pradesh, thuộc Miền Nam Ấn Độ. Trong số gần 100 sinh viên, từ 32 quốc tịch dự học, chỉ có tôi là người Việt Nam. Ngày đầu, trong bản khai “sơ yếu lý lịch” tôi để trống mục tôn giáo. Người trợ giúp sinh viên nhập học nhận tờ giấy với vẻ băn khoăn. Satish gặng hỏi nhiều lần về khoảng trống này và anh đề nghị tôi nên ghi Phật giáo, vì nghe gia đình tôi có thờ Phật.

Khi đã thân nhau anh bảo: “ Phần lớn các sinh viên sẽ khó gần anh vì họ ngại những người không tôn giáo”. Tôi hỏi vì sao ? Anh cười mà không trả lời. Sau này anh bạn người Nepal cho biết, vì họ quan niệm, những người không có đức tin thượng đế, thì có thể làm điều ác, vì họ không sợ bị trừng phạt ở kiếp sau.

Tôi được thu xếp chung phòng với Ivan, người Kazakhstan, cùng tôn giáo và Su Chit, Salesh - Ấn Độ giáo. Su Chit là bác sĩ tại một Bệnh viện ở Katmandu (Nepal), thân hình quàng ngang một dây lụa từ dưới lên trên, tương tự như hình ảnh thần Shiva trong thần thoại Ấn Độ, với rắn thần Naga quấn quanh thân mình. Anh bảo mang nó từ năm 7 tuổi, và đó là một đẳng cấp Bà la môn. Điều này lý giải vì sao nhiều sinh viên Ấn Độ có vẻ kiêng nể anh. Thế nhưng sự khác biệt về tôn giáo này lại mang lại bất tiện cho tôi và Ivan, vì chúng tôi chỉ được ăn thịt bò khi không có họ và không được trữ loại thịt này trong tủ bảo ôn duy nhất trong phòng. Tuy vậy, những khác biệt đó không cản trở sự thân thiết nhanh chóng của cả nhóm. Một ngày nghỉ, Su Chít gợi ý đưa tôi cùng Ivan thăm Vijaya, trong lịch sử Phật giáo là nơi Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna) thành đạo, cách Hyderabad khoảng hơn 200km bằng tàu hỏa.

Suốt trên các nẻo đường Ấn Độ, bất cứ ở điểm đông người nào, người ta cũng nhận ra hàng “binh đoàn” hành khất. Họ là những hình nhân đen nhẻm, tóc bện vào nhau như hàng năm chưa từng được tắm gội. Su Chít bảo với chúng tôi rằng, Ấn Độ có dòng tu khổ hạnh, thường xin ăn của thập phương. Và trong số những người hành khất trên sân ga hôm nay, không hiếm những tu sĩ khất thực.

Anh giải thích, sau khi làm xong các việc lớn trong đời gồm: Lập gia đình, xây xong ngôi nhà; dựng vợ gả chồng cho con cái, nhiều người đàn ông Ấn Độ sẽ từ bỏ tiện nghi của đời sống hiện đại, dâng hiến đời mình cho đời sống tâm linh. Họ có thể tìm vào rừng sâu, hay tận dãy Himalaya huyền bí, đến một nơi vắng vẻ, để chiêm nghiệm chân lý cuộc sống. Đặc biệt những người theo hệ phái khất thực thì lang thang khắp nơi để chia sẻ phước hạnh cho mọi người. Khất thực để tạo điều kiện cho chúng sanh có cơ hội phát tâm, hành thiện, tích đức, dành cho kiếp sau... Đó là chân lý mà triết gia Krisnamurty từng nói: “ Tiên khởi của việc giúp người, chính là giúp mình”.

Vật vã gần 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được Vijaya. Đây là một trong ba trung tâm Phật giáo cổ đại của Ấn Độ. Thánh tích Long Thọ Bồ Tát, bây giờ chỉ còn một bảo tàng rộng khoảng 2.000m2, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, nhìn xuống hồ Nagarjunda Konda. Tháp xá lợi Phật trong sử sách ghi, xây dựng vào thời Vua A Dục, bên sông Krishna nay đã đổ nát. Theo lời của hướng dẫn viên bảo tàng thì, toàn bộ hiện vật này đều khai quật và đưa từ thánh tích vào đây, còn phần lớn đều nằm dưới lòng hồ khi sông Krishna - một trong bảy sông lớn hình thành lục địa Ấn Độ, bị chặn dòng để làm một đại thủy nông, kết hợp với thủy điện, cung cấp nước uống cho thành phố Hyderabad và nước tưới cho cánh đồng Andhra Pradesh.

Cả ba chúng tôi đứng bên lan can chiếc tàu du lịch, dạo quanh hồ mà lòng chua xót. Một trọng địa Phật giáo ngày nào, nay chỉ là ký ức chôn sâu dưới hàng trăm mét nước. Những gì thấy, biết ở Nagarjunda Konda, không khỏi làm tâm tư mỗi người xao động với lẽ sắc - không ở đời.

Kiếp này phù du

Trong suốt thời gian học tập tại Ấn Độ, đi qua nhiều bang từ Bắc đến Nam mới thấy tôn giáo có ý nghĩa gần như bao trùm mọi hoạt động kinh tế, xã hội Ấn Độ. Với một đất nước hình thành từ nhiều tiểu quốc, nói gần 1.800 thứ ngôn ngữ thì một tín ngưỡng chung là sợi dây liên kết bền chặt cho sự thống nhất. Những gì thuộc về tôn giáo đều được tuyệt đối tôn trọng. Giữa thủ đô New Delhi hiện đại, một đại lộ có thể phải bẻ ngoặt đi hướng khác hoặc chẻ làm đôi để tránh một ngôi đền, hay một cái am thờ thần bé tẹo của một tôn giáo nào đó. Và lễ hội tôn giáo là hoạt động tối cần trong đời sống. Thường những ngày này, một hoạt động sản xuất, kinh doanh, hành chính Nhà nước... gần như đình trệ và tất cả công chức cũng như dân thường chỉ quan tâm đến các nghi thức lễ lạt hoặc hát ca, nhảy múa suốt ngày đêm.

Tôi thân với TS ngôn ngữ Venkat Reddy. Ông là một tín đồ Hindu, với lối suy nghĩ điển hình về đời sống tâm linh. Trong lần dự lễ hội thần Ganesha ở làng (lễ hội này có những miền quê kéo dài đến 3 tháng), tôi hỏi ông có nên tiêu phí quá nhiều thời gian và của cải, vật chất vào lễ hội vậy chăng ? Ông nghiêm túc nói: “Trên đời lạ lùng nhất là người nào cũng biết rằng mình sẽ chết, vậy mà vẫn tiếp tục lăng xăng y như thể mình trường sinh bất tử”. Đó có lẽ cũng là nhân sinh quan chung của hầu hết người Ấn Độ mà tôi có dịp tiếp xúc.

Đó còn là lý do nhà nghiên cứu Will Durant viết trong cuốn “Lịch sử văn minh Ấn Độ”: “ Linh hồn mới là chính, chứ không phải là thể xác; các kiếp sau mới là vô tận, chứ kiếp này chỉ là phù du”. Vì vậy sinh ra trong một hoàn cảnh thiếu thuận lợi, hầu như người Ấn Độ mặc nhiên chấp nhận như một lẽ thường tình. Thậm chí bần hàn đến mức phải cầm bát, xin ăn khắp nẻo; hay làm cửu vạn đầu tắt, mặt tối ở các ga tàu, bến xe… vẫn hơn thò tay lấy cắp bất kỳ vật gì của người khác. Ấn Độ là vậy!

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/qua-mien-tay-truc-549144.ldo