Quá mệt với thay đổi trong tuyển sinh lớp 10

Thí sinh, phụ huynh Hà Nội vừa trải qua kỳ tuyển sinh lớp 10 kinh hoàng thì nay lại đứng ngồi không yên khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh lớp 10 cho năm học tới

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 khiến thí sinh, phụ huynh Hà Nội khốn khổ vừa qua đi thì nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội lại tiếp tục khiến các phụ huynh có con đang học lớp 9 như ngồi trên lửa khi đến nay chưa biết năm tới sẽ phải thế nào.

Bốc thăm để chọn phương án thi

Bốn tháng sau khi đưa ra phương án tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT Hà Nội lại tiếp tục đưa ra 3 phương án tuyển sinh mới. Cụ thể, phương án 1: Thí sinh sẽ thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc một trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm 2018

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển 2 môn ngữ văn - toán kết hợp với xét tuyển.

Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học).

Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3. Đây cũng chính là phương án tuyển sinh vào lớp 10 mà Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông tin vào tháng 4-2018.

Sao phải căng thẳng, nặng nề như vậy!?

Chị Hồng Hà, một người mẹ có con đang học lớp 9 tại quận Đống Đa, ngao ngán khi nghe thông tin về 3 phương án mà Sở GD-ĐT vừa đưa ra. Chị Hà cho hay không chỉ chị mà nhiều phụ huynh khác trong lớp con mình cùng "chết lặng" khi nghe Sở GD-ĐT công bố phương án thi tới 6 môn (2 môn thi độc lập và 4 môn thi trong bài tổ hợp - PV) hồi tháng 4. "Tôi có cảm giác lãnh đạo Sở GD-ĐT không đặt mình ở địa vị các phụ huynh, học sinh. Thích thay đổi là thay đổi và chúng tôi vô cùng mệt mỏi khi phải chạy theo họ như thế này. Thi cử là việc quan trọng, muốn thay đổi phải có lộ trình, thời gian thông báo trước để các trường cũng như phụ huynh, học sinh chuẩn bị chứ không phải vài tháng lại đưa ra một phương án mới" - chị Hồng Hà bức xúc.

Cũng như chị Hà, chị Hương Thảo, sống tại quận Cầu Giấy, tìm lớp học thêm cho con từ rất sớm. "Năm ngoái, các cháu chỉ thi 2 môn nên dồn sức học văn, toán, năm nay con tôi phải học tất các môn. Nhiều lúc quá tải, con tôi càu nhàu sao mẹ không sinh con sớm hơn 2 tháng. Chở con hằng ngày đi học từ sáng đến tối mà xót xa. Năm học chính thức chưa bắt đầu mà tôi chỉ mong kỳ thi này mau chóng kết thúc"- chị Thảo nói.

Không chỉ các phụ huynh mà ngay chính các giáo viên cũng cho rằng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội đã quá căng thẳng và cần phải đơn giản hóa kỳ thi này. Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho rằng không nên thi quá nhiều môn vì sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, căng thẳng. "Kỳ thi vào lớp 10 cần làm sao để không tạo sức ép quá căng thẳng" - ông Nam nói. Hiệu trưởng này cũng cho rằng nếu thay đổi thì nên thi theo phương án 1, tức thi 4 bài độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi thứ tư thuộc 1 trong 6 môn. Phương án này sẽ giúp học sinh tăng cường học ngoại ngữ mà sức ép thi không quá căng thẳng.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy cho rằng việc thi thêm bài tổ hợp theo phương án 3 của Sở GD-ĐT Hà Nội là rất nặng nề và không hiệu quả. Việc sở chỉ công bố bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3, tức là học sinh chỉ có chưa đủ 2 tháng để chuẩn bị một cách chủ động, cả năm học học sinh sẽ phải căng sức để sẵn sàng đi thi cho 9 môn. Trong khi đó, nếu thi như hiện nay thì lại không có môn ngoại ngữ dẫn đến học sinh chưa chú trọng môn này, gây khó khăn nhiều trong việc học ngoại ngữ ở THPT. "Tôi thấy phương án 1 là phù hợp nhất so với 2 phương án kia. Tuy nhiên, sở phải chốt phương án sớm ngay trong đầu năm học để phụ huynh, học sinh đủ thời gian chuẩn bị. Ngoài ra, đề minh họa phải được khẩn trương xây dựng và công bố sớm để học sinh yên tâm" - hiệu trưởng này đề nghị.

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/qua-met-voi-thay-doi-trong-tuyen-sinh-lop-10-20180816211656881.htm