'Quá liều' từ góc nhìn sức khỏe

Overdose là thuật ngữ tiếng Anh, có nghĩa quá liều, chủ yếu là trong sử dụng thuốc. Thế nhưng, cũng còn một số thứ con người đưa vào cơ thể với liều lượng nhiều hơn mức cần thiết, từ đó xảy ra nhiều hệ quả lợi bất cập hại.

Đôi nét về overdose

Theo Bách khoa thư mở, trong thực hành y tế nói chung, dùng thuốc quá liều là việc đưa vào cơ thể hoặc tiếp nhận một lượng lớn thuốc vượt quá mức giới hạn khuyến cáo; hoặc trong thực phẩm ăn quá nhiều một thứ gì đó dẫn đến gây bệnh. Từ “quá liều” thường được dùng trong y tế, chỉ áp dụng cho các loại thuốc, chứ không phải là chất độc, thuốc độc, mặc dù chất độc vô hại với liều thấp.

Thuốc quá liều đôi khi được sử dụng cho mục đích cố ý tự sát, tự sát không thành hoặc tự hại, nhưng đa phần quá liều do tình cờ, kết quả của việc lạm dụng, có thể là chủ ý hoặc vô tình. Cố ý lạm dụng dẫn đến quá liều. Bao gồm sử dụng thuốc theo hướng dẫn điều trị hoặc không được kê đơn bởi bác sĩ, với số lượng quá mức cho phép, trong nỗ lực mang lại cảm giác hưng phấn hay để cho bệnh nhanh khỏi.

Lạm dụng dẫn đến quá liều thường vô tình hay hữu ý, có thể là những sai sót do không đọc kỹ hoặc hiểu rõ nhãn mác. Quá liều tình cờ cũng do việc kê đơn quá mức quy định. Ví dụ, việc sử dụng vitamin tổng hợp để bổ sung sắt. Sắt là thành phần cấu tạo phân tử hemoglobin trong máu, vận chuyển oxy đến các tế bào sống. Khi uống vào một lượng nhỏ, sắt cho phép cơ thể cung cấp hemoglobin, nhưng với số lượng lớn sẽ gây ra sự mất cân bằng pH nghiêm trọng trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong hoặc hôn mê vĩnh viễn.

Ngoài thuốc chữa bệnh “quá liều” còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác, nhất là thực phẩm, đồ uống, thực phẩm dưỡng sinh... Trong trường hợp này, có người gọi là lạm dụng. Do kéo dài nên gây bất lợi cho cơ thể, sinh bệnh như một số trường hợp dưới đây.

Trà đá

Theo khuyến cáo, mọi thứ thái quá đều không tốt. Ví dụ, một người đàn ông 56 tuổi ở Arkansas (Mỹ) đã bị suy thận nặng do uống quá nhiều trà đá, 16 cốc trà đá 240ml mỗi ngày. Các bác sỹ phát hiện thận của người này bị tắc nghẽn và kích thích. Hậu quả do suy thận, nên phải chạy thận suốt đời do một chất hóa học có tên là oxalat gây ra. Hóa chất này có nhiều trong trà đen.

Các chuyên gia Đại học Y Harvard cho biết, người đàn ông này đã tiêu thụ lượng oxalate cao gấp 3 đến 10

Rau họ cải

Nhóm rau họ cải (Cruciferous Vegetables) là họ thực vật giàu dinh dưỡng, như bông cải xanh, cải bắp và cải xoăn. Những loại rau này thường được khuyến cáo ăn vì giàu chất chống oxy hóa và mang lại nhiều lợi ích sức cho sức khỏe, nhưng ăn quá nhiều có thể gây bất lợi.

Năm 2011, tại Mỹ, một người đàn ông đã phải nhập viện sau khi dùng quá nhiều bắp cải Brussels vào bữa tối Giáng sinh. Người đàn ông này đã phải dùng tim cơ học và thuốc chống đông máu. Giống như hầu hết các loại rau cải, bắp cải Brussels có chứa một lượng vitamin K cao nên dễ làm đông máu. Thuốc chống đông máu cần thiết cho cơ tim của con người vận hành hiệu quả, nhưng khi có quá nhiều vitamin K thì tính năng này lại bị chặn lại.

Các bác sỹ phát hiện bệnh nhân ăn quá nhiều bắp cải Brussels nên tim làm việc kém hiệu quả, máu đông, nhưng đã can thiệp kịp thời, nên hồi phục nhanh. Theo khuyến nghị của y khoa, ăn quá nhiều bông cải xanh hoặc cải xoăn cũng có thể dẫn đến chứng suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), không sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, ăn rau cải điều độ với số lượng hợp lý sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp (hypothyroidism) thì nên tránh ăn bông cải xanh.

Cam thảo đen

Đầu năm 2017, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành một thông báo cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực của việc dùng cam thảo đen một cách thường xuyên hoặc với số lượng lớn. Sở dĩ FDA đưa ra cảnh báo này là do từ năm 2016 đã xuất hiện nhiều sự cố liên quan đến sức khỏe do sử dụng thường xuyên cam thảo đen dưới dạng kẹo, gây ra các vấn đề về tim mạch.

Ăn khoảng khoảng 2,54cm hay 57 gram cam thảo mỗi ngày trong hai tuần liền có thể gây ra những sự cố bất lợi cho tim.Cam thảo đen chứa glycyrrhizin, một hợp chất làm giảm lượng kali. Khi kali sụt, làm cho nhịp tim bất thường, tăng huyết áp và thậm chí có thể phát sinh tình trạng suy tim sung huyết.

Nhục đậu khấu

Nhục đậu khấu là cây gia vị thuộc chi thực vật họ nhục đậu khấu với khoảng 175 loài. Hạt nhục đậu khấu phổ biến trong ẩm thực những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu lạm dụng cũng sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Ăn khoảng 4,4 gam (2 muỗng cà phê) gia vị nhục đậu khấu có thể dẫn đến ảo giác, ngộ độc .

Trong vòng một giờ tiêu thụ một lượng lớn hạt nhục đậu khấu, người dùng thường mắc phải các vấn đề về đường tiêu hóa. Sau vài giờ nữa, có thể xuất hiện các vấn đề về tim và thần kinh, nhất là nhóm người mắc bệnh tim mạch. Chứng ảo giác không xảy ra ngay sau vài giờ sau khi ăn , khiến cho người ta vô tư, ăn nhiều mà không biết rằng vượt liều có thể gây nguy hiểm. Trong xã hội hiện đại, sử dụng nhục đậu khấu không còn phổ biến như những năm đầu thế kỷ 20, song đến thập niên 60 đãxuất hiện những ca ngộ độc do nhục đậu khấu được tái sử dụng.

Hạt nhục đậu khấu

Hạt nhục đậu khấu

Khế

Khế là một loài cây thuộc họ Oxalidaceae, có nguồn gốc từ Sri Lanka, được biết đến rộng rãi tại Đông Nam Á. Khế là cây ăn quả quen thuộc, nhưng nếu ăn nhiều có thể gây hại nhiều hơn lợi. Đối với những người có thận yếu, tổn thương thận thì không nên ăn khế. Lý do, trong khế có chứa một loại hóa chất tàn phá hệ thống thận. Những người có thận khỏe thì khi ăn khế chất độc này sẽ được kiểm soát và thải ra ngoài, nhưng bất cứ ai tổn thương thận thì nên tránh xa khế.

Vì lý do này, những người bị tổn thương thận giai đoạn đầu, có vấn đề về thận thì không nên ăn quá nhiều khế hoặc nước ép khế khi bụng rỗng. Các triệu chứng trúng độc khế ở thể nhẹ bao gồm buồn nôn, suy yếu, mất ngủ, động kinh và nấc. Bác sỹ có thể điều trị các trường hợp nhiễm độc khế bằng cách lọc thận, nhưng chức năng thận sẽ không bao giờ trở lại bình thường sau khi ngộ độc khế.

Xì dầu

Xì dầu hay nước tương, tàu vị yểu là một loại nước chấm được sản xuất từ hỗn hợp đậu tương, ngũ cốc rang chín, nước và muối ăn lên men. Loại nước chấm này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được sử dụng khá phổ biến trong ẩm thực tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Gần đây cũng bắt đầu xuất hiện trong một số món ăn của ẩm thực Âu-Mỹ. Tuy là thực phẩm nhưng nếu lạm dụng cũng có thể gây bất lợi cho cơ thể. Bằng chứng, vào năm 2013, một nam thanh niên 19 tuổi đến từ Virginia (Mỹ) đã uống 0,9 lít xì dầu sau khi được bạn bè thách đố, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê do máu có quá nhiều muối, suýt chết, phải đưa đi cấp cứu.

Hôn mê là một tình trạng trong đó muối trong máu tăng cao, khi dòng máu bão hòa muối, nó sẽ rút nước từ các bộ phận khác của cơ thể để làm giảm nồng độ muối, kể cả nước từ não và hậu quả não mất nước co lại và chảy máu. Sau khi uống hết gần 1 lít xì dầu, cơ thể của nam thanh niên nói trên bắt đầu co giật trước khi rơi vào hôn mê. Khi cấp cứu, bác sỹ đã rửa muối cơ thể bằng cách sử dụng hỗn hợp nước và đường dextrose. Sau 5 giờ, mức mức natri của cơ thể trở lại bình thường, nhưng bệnh nhân còn hôn mê tiếp 3 ngày tiếp theo rồi mới tỉnh. Các bác sỹ cho rằng, nam thanh niên này đã may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” do được cấp cứu kịp thời. Nếu không, hệ thống thần kinh sẽ bị tổn thương nặng nề cho dù qua khỏi.

DS. TRANG NHUNG

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/qua-lieu-tu-goc-nhin-suc-khoe-n185075.html