Quà Giáng sinh giúp hai sinh viên khiếm thị nhìn thấy khuôn mặt người thân

Những món quà Giáng sinh cảm động và đầy ý nghĩa đã đến với Trần Việt Hoàng, Đồng Thị Hải Yến, sinh viên khiếm thị trường ĐH Fulbright Việt Nam trong buổi trao tặng đầy xúc động. Hai chiếc kính với trí tuệ nhân tạo có thể giúp hai bạn nhận diện gương mặt, đọc văn bản và mô tả hình ảnh bằng giọng nói và nhận biết xung quanh.

Đồng Thị Hoàng Yến bị khiếm thị từ nhỏ nhưng cô gái này vẫn nỗ lực theo học và trở thành sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam. Cũng thiệt thòi như Yến, con đường đến với đại học của Trần Việt Hoàng nhiều trắc trở không kém. Hoàng quê ở Hà Tĩnh, bị mất thị lực hoàn toàn năm lên 9, sau quãng thời gian sống chung với chứng bong võng mạc. Để tiếp tục theo học trong điều kiện không có sách chữ nổi và dụng cụ học tập chuyên biệt, chàng trai này phải học bằng cách tự ghi nhớ những gì thầy cô giảng và nhờ gia đình, bạn bè giúp đỡ khi làm bài tập. Mặc dù vậy, chàng trai vẫn học tốt và tốt nghiệp THPT. Trần Việt Hoàng ứng tuyển vào ĐH Fulbright Việt Nam và trúng tuyển nhờ bài tự luận xuất sắc. Sau một năm học bồi dưỡng tiếng Anh, Việt Hoàng chính thức trở thành sinh viên trường ĐH Fulbright Việt Nam vào tháng 8/2020.

Việt Hoàng (thứ hai, từ trái sang) và Hải Yến (bìa phải) nhận quà tặng đặc biệt. Ảnh: ĐH Fulbright VN

Trong ngày khai giảng năm học mới, Trần Việt Hoàng đã có bài phát biểu gây xúc động mạnh với quan khách, kể về con đường đến với học vấn và khao khát vươn lên bằng tri thức. Bài phát biểu của Hoàng đã khiến bà Lê Diệp Kiều Trang, thành viên Hội đồng cố vấn trẻ trường ĐH Fulbright Việt Nam, nhà khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng với Misfit cùng chồng là Sonny Vũ, xúc động mạnh và quyết định tặng cho Hoàng cùng Hải Yến hai bộ thiết bị hỗ trợ Orcam My Eye 2.0.

Được đặt hàng từ OrCam, một công ty công nghệ có trụ sở tại Israel. Trong vòng 3 tháng, hai cặp kính đã được gửi trực tiếp từ Israel về Việt Nam để trao tận tay Hoàng và Yến. Khác với những chiếc kính trợ thị phổ thông vốn chỉ giúp người đeo nhận biết được vật cản thông qua tín hiệu rung, OrCam My Eye sử dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng nhận diện gương mặt, đọc văn bản và mô tả hình ảnh bằng giọng nói, giúp người khiếm thị nhận biết thế giới xung quanh và sống một cuộc sống tự lập hơn.

Trần Việt Hoàng hào hứng với thiết bị giúp nhận biết xung quanh. Ảnh ĐH Fulbright VN

“Công nghệ, dù có hiện đại tới đâu, cũng sẽ chỉ hỗ trợ cho các em được phần nào. Tôi tin rằng, chính những hành động tương trợ ấm áp mà các bạn sinh viên dành cho Hoàng và Yến những tháng qua mới chính là sự giúp đỡ lớn nhất. Đó là điều tuyệt vời vô giá mà không có món quà nào có thể thay thế được,” bà Lê Diệp Kiều Trang động viên hai bạn.

Với thiết bị này, Hoàng và Yến có thể theo dõi một cách dễ dàng hơn những bài giảng được trình chiếu trên lớp, hay đọc hiểu các tài liệu, hình ảnh minh họa được in trên giấy. Không chỉ hữu ích trong học tập, chiếc kính thông minh được kỳ vọng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho hai bạn cả trong cuộc sống hằng ngày.

Hải Yến trải nghiệm những tính năng đầu tiên của thiết bị. Ảnh ĐH Fullbright VN

Nhận được món quà quý, Hoàng khá vui nhưng Hải Yến lại dè dặt. “Tôi đã nghe nói đến và đã thử một vài chiếc kính cảm ứng trước đây, nhưng điều mà chúng có thể làm được là chỉ kêu vo ve khi có chướng ngại vật phía trước, điều này không thực sự hữu ích đối với tôi vì tôi vẫn có thể nhìn thấy một phần hình dạng", Hải Yến chia sẻ. Chỉ đến khi được cầm chiếc kính mới trong tay và trải nghiệm những tính năng đầu tiên, hai bạn mới thực sự vỡ òa trong niềm vui và sự háo hức.

Hoàng cho biết, với thiết bị này, anh bạn chỉ muốn về nhà ngay và muốn biết ai bên trong mà không cần phải cất tiếng hỏi. Trong khi Yến cho biết, cô bạn muốn tự đi ăn và tự mình đọc được thực đơn .

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-song-tre/qua-giang-sinh-giup-hai-sinh-vien-khiem-thi-nhin-thay-khuon-mat-nguoi-than-1768079.tpo