Qua cơn bĩ cực vẫn chưa đến hồi thái lai

Với lập trường quay ngoắt 180o so với trước, ngày 2-10, cựu Thủ tướng I-ta-li-a Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni, Chủ tịch đảng Nhân dân tự do (PDL), đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta, tạo điều kiện để Chính phủ liên minh tả - hữu của Thủ tướng Lét-ta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện diễn ra cùng ngày. Cơn chấn động ở quốc gia hình chiếc ủng tạm qua đi, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn nếu như ông trùm Béc-lu-xcô-ni lại 'trái gió trở trời'.

Gương mặt căng thẳng của ông Béc-lu-xcô-ni (bên phải) và Thủ tướng Lét-ta trước giờ bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện ngày 2-10. Ảnh: AFP

Ngày 2-10, với 235 phiếu thuận, 70 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Chính phủ của Thủ tướng En-ri-cô Lét-ta đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện (gồm 321 ghế). Với kết quả trên, I-ta-li-a dường như đã tránh được một cuộc khủng hoảng Chính phủ nghiêm trọng và nguy cơ phải tổ chức Tổng tuyển cử sớm.

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Lét-ta tuyên bố sẽ là một “tai họa” cho I-ta-li-a, nếu Chính phủ không vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện. Ông nhấn mạnh, sự ổn định chính trị của I-ta-li-a sẽ là điều “quan trọng sống còn” để nước này tiếp tục thực hiện những cải cách kinh tế nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được cho là kéo dài nhất trong 20 năm qua, đồng thời cho rằng, một cuộc Tổng tuyển cử mới sẽ không giải quyết được những vấn đề cơ bản của I-ta-li-a, do Luật Bầu cử hiện hành còn có nhiều bất cập sẽ khiến Quốc hội mới rơi vào tình cảnh bế tắc như trong cuộc Tổng tuyển cử hồi tháng 2-2013. Thủ tướng Lét-ta cũng lên tiếng bảo vệ những thành quả kinh tế mà Chính phủ đạt được thời gian qua, đồng thời tái khẳng định cam kết giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức giới hạn của Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho các nước thành viên.

Giới phân tích nhận định, việc Chính phủ I-ta-li-a vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trên là nhờ sự thay đổi lập trường đột ngột của cựu Thủ tướng Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni, khi tuyên bố đảng Nhân dân Tự do (PDL) do ông đứng đầu sẽ ủng hộ Chính phủ. Phát biểu tại Thượng viện ngay trước cuộc bỏ phiếu, ông Béc-lu-xcô-ni cho biết, sau khi lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng Lét-ta, cam kết cắt giảm thuế, thực hiện các cải cách về kinh tế và tư pháp, phe của ông đã quyết định quay lại ủng hộ Chính phủ. Trước đó, ngày 28-9, ông Béc-lu-xcô-ni đã ra lệnh cho toàn bộ 5 bộ trưởng thuộc phe trung hữu rút khỏi Nội các. Hành động trên từng bị báo chí I-ta-li-a xem là “điên cuồng”, xuất phát từ việc ông Béc-lu-xcô-ni sợ mất chiếc ghế Thượng nghị sĩ, qua đó mất quyền bất khả xâm phạm dành cho nghị sĩ và phải chịu án tù về tội trốn thuế.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lý do chính khiến ông Béc-lu-xcô-ni thay đổi thái độ đột ngột là vì nội bộ trong đảng PDL bị chia rẽ nghiêm trọng. Theo đó, 20 trong tổng số 91 thượng nghị sĩ thuộc PDL đe dọa rời bỏ đảng, thành lập một đảng mới theo xu hướng thiên hữu ôn hòa, tôn trọng các định chế và ủng hộ Thủ tướng Lét-ta. Số nghị sĩ “nổi loạn” này kêu gọi ông Béc-lu-xcô-ni tỏ ra mềm dẻo hơn, đồng thời tuyên bố sẵn sàng không tuân theo lệnh của vị cựu Thủ tướng này. Ngay cả các bộ trưởng thuộc PDL vừa rút khỏi Nội các cũng bày tỏ thái độ không hài lòng trước nguy cơ Chính phủ giải thể. Động thái được coi là khá bất ngờ của một số thành viên PDL khiến nỗ lực của ông Béc-lu-xcô-ni nhằm hạ bệ Chính phủ của Thủ tướng Lét-ta đã không thành công.

Dù I-ta-li-a đã tạm qua cơn sóng gió, nhưng dư luận vẫn chưa hết lo lắng. Nhiều người ví von rằng, chính trường I-ta-li-a “đỏng đảnh” như tính cách thất thường của ông trùm truyền thông Béc-lu-xcô-ni vậy. Vì thế, ngay cả khi Thượng viện ra phán quyết về số phận chiếc ghế thượng nghị sĩ của ông Béc-lu-xcô-ni, dự kiến vào ngày 4-10, dù có lợi hay bất lợi cho cựu Thủ tướng này, thì chính trường I-ta-li-a cũng chưa thể ổn định ngay được.

Phương Châu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/qua-con-bi-cuc-van-chua-den-hoi-thai-lai/