Quả chuối dán băng keo giá 120.000 USD? Thế mà là nghệ thuật ư?

Quả chuối dán lên tường bằng băng dính màu xám bán được tới 120.000 USD. Có phải tác giả Maurizio Cattelan đang đả kích thế giới nghệ thuật, bằng thứ quả làm người ta trượt ngã?

Tác phẩm của ông Cattelan có ba phiên bản, hai phiên bản đầu đã được bán với giá 120.000 USD, phiên bản thứ ba đang được rao bán tới 150.000 USD.

Được chú ý và được mọi người chụp hình selfie nhiều, cùng với bản thân ý tưởng độc lạ, quả chuối trở thành tác phẩm nghệ thuật hiếm hoi lên trang nhất của tờ báo lá cải New York Post.

Diễn biến bất ngờ sau đó - một nghệ sĩ trình diễn bỗng lấy quả chuối xuống ăn, và coi đó là màn trình diễn của mình - càng khiến quả chuối nổi tiếng hơn. Đến mức triển lãm Art Basel ở Miami phải quyết định gỡ tác phẩm xuống, lấy lý do đám đông khó kiểm soát.

Một quả chuối bình thường lại trở thành một hiện tượng. Các nhà phê bình nghệ thuật nói gì về điều này? Thế mà là nghệ thuật ư? ("But Is It Art?: An Introduction to Art Theory" - tên một quyển sách của Cynthia Freeland).

 Quả chuối dán lên tường, có tựa đề “Nghệ sĩ hài” được đám đông thích thú vây quanh, chụp selffie, tại triển lãm Art Basel ở Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Quả chuối dán lên tường, có tựa đề “Nghệ sĩ hài” được đám đông thích thú vây quanh, chụp selffie, tại triển lãm Art Basel ở Florida, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Phơi bày, đả kích thế giới nghệ thuật?

“Mọi người thường coi nhẹ nghệ thuật hiện đại là quá đơn giản, và thường nói ‘Tôi cũng làm được’. Rồi sẽ có người nói lại là ‘Đúng rồi, nhưng bạn có bỏ công ra làm đâu’”, nhà báo James Grebey viết trên trang GQ.

Thực vậy, nghệ thuật hiện đại có thể đơn giản tới mức chỉ là một bức vẽ hình chữ nhật chỉ toàn màu đỏ, như từng được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York. Chắc chắn ai đến xem cũng nghĩ mình sẽ làm được.

Bức tranh của Barnett Newman chỉ toàn màu đỏ ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York. Ảnh: Young Doo Moon/Flickr.

Nhưng không phải bạn, mà chính nghệ sĩ Maurizio Cattelan mới là người đã kiếm được hơn trăm nghìn USD chỉ với việc dán quả chuối lên tường bằng vài miếng băng dính, tất cả chỉ tốn vài USD.

Ông Grebey cho rằng tác phẩm quả chuối có thông điệp riêng. Như Emmanuel Perrotin, chủ của địa điểm tổ chức triển lãm Art Basel, trả lời CBS News, tác phẩm cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các đồ vật đều phụ thuộc vào hoàn cảnh.

“Dù dán lên tường triển lãm hay xuất hiện trên bìa của tờ báo New York Post, tác phẩm này buộc chúng ta đặt dấu hỏi về giá trị của đồ vật”, ông Perrotin nói. “Sự xôn xao, bàn tán xung quanh cũng là một phần cũng tác phẩm, chứ không chỉ là quả chuối”.

Thế giới nghệ thuật có thể khá kỳ quặc, và tác giả Cattelan muốn đả kích sự nhất thời, chóng phai của nghệ thuật, với một thứ quả đầy hài hước. Quả chuối sẽ bị hỏng chỉ sau chưa đầy hai tuần, so với sự trường tồn của một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc, và tất nhiên đó cũng là thứ quả làm các nhân vật trượt ngã sóng soài trong hoạt hình hay phim hài.

Thậm chí, tác giả Cattelan còn viết hướng dẫn sử dụng cho người đã bỏ 120.000 USD mua tác phẩm, và nói người mua có thể thay quả chuối khác nếu muốn. Như thể “trêu” người mua tác phẩm rằng họ đã bị lừa, và có lẽ, người bỏ ra số tiền trên để mua một quả chuối sắp hỏng đáng bị lừa như vậy. Một sự châm biếm sâu sắc về giới mua bán nghệ thuật?

Tác phẩm bị lấy ra ăn - không phải lần đầu tiên

Nhưng đến đây, cần phải nhìn nhận “cơn sốt” đổ dồn về quả chuối châm biếm này cũng có mặt trái. Số tiền trên sẽ về túi tác giả Cattelan và đơn vị tổ chức triển lãm, chứ không về túi các nghệ sĩ khác xứng đáng hơn với tài năng mà có lẽ nhiều người cho là “thật” hơn, theo bài viết trên trang GQ.

Quả chuối vừa là sự châm biếm thế giới nghệ thuật, nhưng bản thân nó cũng được trưng bày rồi bán nhờ guồng quay của thế giới nghệ thuật đó.

“Vậy thì quả chuối dán lên tường là Tốt hay Xấu? Tôi cũng không biết nữa. Quả chuối có hàm lượng kali cao hơn các tác phẩm nghệ thuật khác, nên nếu xét về dinh dưỡng, chắc chắn nó tốt hơn rồi”, cây viết James Grebey nói đùa.

Tác phẩm có tên “Nghệ sĩ hài” này nhận được sự chú ý mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng phải ghen tị, nhất là vì một nghệ sĩ khác đã lấy quả chuối xuống, bóc vỏ rồi ăn, coi đó là màn trình diễn của riêng mình. Đó chắc chắn là một màn trình diễn tốt cho sức khỏe!

Hiếm tác phẩm nghệ thuật đương đại nào lên trang nhất của New York Post, tờ báo lá cải thường tập trung những chuyện “ăn khách” nhất. Nhưng đây lại là lần thứ hai ông Cattelan có tác phẩm lên bìa New York Post. Năm 2016, tác phẩm toilet bằng vàng 18 karat của ông ở bảo tàng Solomon R. Guggenheim thu hút hàng dài người yêu nghệ thuật tới xem.

Tác phẩm toilet bằng vàng cũng của tác giả Maurizio Cattelan, sau này bị đánh cắp khi đang trưng bày ở Cung điện Blenheim phía nam nước Anh. Ảnh: Getty Images.

Nhà phê bình nghệ thuật Jason Farago của New York Times chỉ ra rằng nghệ sĩ tới ăn quả chuối thực ra là tiếp nối những “người đi trước”, những nghệ sĩ luôn muốn thể hiện nghệ thuật không chỉ bằng ý tưởng, trừu tượng, mà bằng những cách thực tế, thậm chí trần tục.

Chẳng hạn, nhiều nghệ sĩ đã đi tiểu thật vào tác phẩm nghệ thuật hình bồn cầu của Marcel Duchamp. Hay John Lennon từng lấy quả táo trong triển lãm đầu tiên của Yoko Ono ở London, rồi cắn một miếng. Nhờ vậy mà họ gặp nhau.

Tác phẩm “Quả táo, 1966” trong triển lãm mang tên “Yoko Ono: Triển lãm một người phụ nữ, 1960-1971”, được tổ chức vào năm 2015. Ảnh: New York Times.

Treo tác phẩm lên để hạ thấp, châm biếm

Ông Farago cũng chỉ ra rằng tác giả Maurizio Cattelan từ lâu đã treo các tác phẩm của mình lên cao, nhằm biến những thứ bình dị thành kỳ quặc. Quả chuối lần này cũng vậy - không chỉ là một quả chuối, mà là quả chuối được dán băng dính lên tường.

Nó cũng tương tự tác phẩm “Novecento” (1997) của ông, là một con ngựa được treo từ trần nhà phong cách Baroque, trông như đèn chùm. Đó là “một con ngựa trúng hai đích”: nghệ sĩ Cattelan vừa đả kích chủ nghĩa phát-xít (“Novecento” cũng là tựa đề một phim về thời phát-xít của Italy), vừa ám chỉ rằng nghệ thuật hiện đại sẽ luôn thất bại khi muốn so sánh và vươn tới kiến trúc cổ điển.

Tác phẩm “Novecento” (1997) là một con ngựa được treo từ trần nhà phong cách Baroque, trông như đèn chùm. Ảnh: Ralf Steinberger/Flickr.

Có lẽ con ngựa treo, trông như đã mất hết sự sống, đại diện cho nghệ thuật hiện đại, còn trần nhà uy nghi đại diện cho kiến trúc cổ điển?

Tác phẩm “La Rivoluzione Siamo Noi” (2000) là một hình nộm của chính nghệ sĩ Cattelan, bị treo trên giá treo quần áo. Hơn một thập kỷ sau, năm 2011, ông lại đả kích chính các tác phẩm trước của mình bằng cách treo chúng ở giữa bảo tàng Guggenheim ở New York, như quần áo vừa giặt xong phải phơi.

Tác phẩm “La Rivoluzione Siamo Noi” (2000) là một hình nộm của chính nghệ sĩ Cattelan, bị treo trên giá treo quần áo. Ảnh: Phòng trưng bày Marian Goodman ở New York.

Riêng việc dùng băng dính để treo cũng đã được tác giả thực hiện trước đây. Trong tác phẩm “A Perfect Day” (Một ngày hoàn hảo) năm 1999, nghệ sĩ đã dùng băng dính để dán người đại diện chuyên bán các tác phẩm của mình, Massimo De Carlo, lên tường. Ông De Carlo bị dán lên tường nguyên ngày mở đầu của triển lãm. Dán đại diện kinh doanh của mình lên tường, làm ông ta trông khổ sở, đáng thương, tác giả Cattelan muốn đả kích thị trường nghệ thuật.

“Điều làm ông Cattelan là một nghệ sĩ đầy thuyết phục... chính là việc ông dám đả kích chính mình bên trong hệ thống kinh tế, xã hội vốn chán nản, cứng nhắc mà qua đó chúng ta nhìn nhận, đong đếm giá trị”, nhà phê bình Jason Farago của New York Times viết.

Năm 2011, nghệ sĩ Cattelan đả kích 128 tác phẩm trước của mình, bao gồm con ngựa, bằng cách treo chúng ở giữa bảo tàng Guggenheim ở New York. Ảnh: Bảo tàng Guggenheim ở New York.

“Việc một nghệ sĩ cảm thấy hệ thống đó hút hết sức sống cũng là điều dễ hiểu... Quả chuối bị dán lên tường hay con ngựa bị treo có thể thể hiện sự bó buộc của chính ông, hay chính chúng ta”.

Tựa đề “Nghệ sĩ hài” quả thực có tính châm biếm. Cũng như những nghệ sĩ hài giỏi nhất, Maurizio Cattelan làm cho mọi khái niệm mà chúng ta chắc chắn nhất bỗng trở nên oái oăm, kỳ lạ - như một cú trượt ngã vỏ chuối vậy!

Trong tác phẩm “A Perfect Day” (Một ngày hoàn hảo) năm 1999, nghệ sĩ đã dùng băng dính để dán người đại diện chuyên bán các tác phẩm của mình, Massimo De Carlo, lên tường. Ảnh: Phòng trưng bày Perrotin.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/qua-chuoi-120000-usd-dan-bang-keo-the-ma-la-nghe-thuat-u-post1024374.html