Quà cáp, biếu xén là dung dưỡng cho tham nhũng

"Chỉ thị số 11 ngày 20.12.2016 của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2017 cũng là sự tiếp nối về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, cụ thể hóa việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa ở một khía cạnh khác" - TS Lưu Bình Nhưỡng (ảnh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN.

TS Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chỉ thị 11 khởi động lại những quy định trước đây

Thưa ông, trong Chỉ thị số 11 ngày 20.12.2016 (Chỉ thị số 11), Ban Bí thư đã yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể T.Ư không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; các địa phương không chúc tết T.Ư; thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Vấn đề nêu trên không phải là mới, vậy theo ông nó có ý nghĩa gì trong tình hình hiện nay?

- Những yêu cầu của Ban Bí thư trong Chỉ thị số 11 rất cần thiết, nó có tính chất khởi động lại những quy định trước đây. Trước đây, Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định, hướng dẫn nhắc nhở về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo tết cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, không được đi chúc tết tặng quà, biếu xén lãnh đạo...

Hiện nay, việc nợ công tăng cao, tiền dành cho đầu tư công, đầu tư cho phát triển cũng không có nhiều. Việc chỉ thị nêu ra như vậy cũng là để nhắc nhở các bộ, ban, ngành, các địa phương, để nhiều cán bộ biết những quy định đã có. Bởi trên thực tế, cũng có nhiều cán bộ đã quên hoặc... cố tình quên.

Vấn đề thứ hai là, những nội dung trong chỉ thị cũng là sự tiếp nối về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, cụ thể hóa việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa ở một khía cạnh khác. Làm sao để tất cả phải biết nghĩ tới đồng bào, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Một điểm đáng chú ý nữa trong Chỉ thị 11 là Ban Bí thư có yêu cầu các địa phương không được bắn pháo hoa, dành thời gian và kinh phí lo tết cho người nghèo. Phải thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang phải chắt chiu để dành tiền thực hiện các chương trình của quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cơ cấu lại kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp...

Lý do nữa là tình trạng đi chúc tết, rồi dùng tiền công biếu xén, tặng quà đáng báo động, gây phản cảm và bất bình trong quần chúng nhân dân. Chính vì thế, Đảng phải thực hiện việc nêu gương trước nhân dân, hạn chế ngay việc biếu xén, quà cáp, bởi biếu xén là dung dưỡng cho tham nhũng.

Thưa ông, chúng ta từng nghiêm cấm việc biếu xén, tặng quà tết vì vụ lợi, nhưng dường như vấn đề này chưa đi vào cuộc sống nên phải khởi động lại để thực hiện?

- Như tôi đã nói, có người quên hoặc cố tình quên nên phải khởi động lại. Vấn đề nữa là Đảng cũng muốn cho nhân dân biết, chúng ta đang triển khai Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII một cách thực sự, triển khai từ những việc nhỏ nhất chứ không phải chỉ tập trung vào những vấn đề lớn lao.

Phải phát huy việc tự phê bình và phê bình

Để thực hiện việc giám sát hành vi biếu xén, tặng quà tết lãnh đạo vì vụ lợi là rất khó khăn, phải chăng để thực hiện nghiêm quy định này. Vấn đề ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò người đứng đầu là quan trọng thưa ông?

- Theo tôi, vấn đề từ hai phía, phía người đi biếu và phía người nhận quà. Cần phải hiểu cho rõ, Đảng cấm là cấm chúc tết, cấm biếu xén, quà cáp vì mục đích vụ lợi chứ không cấm hoàn toàn việc thăm hỏi, chúc tết, tặng quà theo lẽ thông thường, bởi đó là truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Ai đó hiểu đơn thuần là cấm tặng quà tết như thế không đúng. Người ta làm ăn được, cuối năm đi thăm hỏi, tặng quà tết ai đó bằng tình cảm của người ta, việc đó không liên quan gì đến chương trình, dự án thì là bình thường. Thứ hai, vấn đề ở đây là tính nêu gương. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải nêu gương, cả hai phía phải nêu gương chứ người đứng đầu nêu gương, còn cán bộ bình thường không nêu gương, như vậy thì không được. Tại sao nói thế, vì vấn đề biếu xén, quà cáp còn liên quan đến gia đình, chẳng hạn ông cán bộ lãnh đạo không nhận quà của cấp dưới nhưng vợ ông, bố ông hay con ông vẫn nhận thì đây là câu chuyện khó nói. Vấn đề là phải phát huy việc tự phê bình và phê bình.

Còn nói về giám sát thì cần phải phát huy vai trò của nhân dân, của báo chí, của các Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhân dân giám sát bằng nhiều cách như đặt máy quay hay theo dõi bằng hình thức này, hình thức kia để phát hiện ra vi phạm báo cho cơ quan chức năng.

Việc biếu xén, tặng quà lãnh đạo dưới mọi hình thức được thực hiện nghiêm, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thế nào thưa ông?

- Thực hiện nghiêm điều cấm trên sẽ góp một phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo tôi đây không phải phần căn bản. Bởi việc tặng quà nhằm mục đích vụ lợi hay còn nói là hối lộ không phải chỉ được tranh thủ vào dịp lễ tết. Để biếu xén, người ta có thể thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau, chẳng hạn như dịp sinh nhật, rồi dịp này, dịp kia, thậm chí chẳng cần phải vào dịp gì.

Nếu thực hiện nghiêm việc không biếu xén dịp tết sẽ không có cảnh đi lại, thậm chí xếp hàng vào nhà lãnh đạo để chúc tết, là cơ sở tạo niềm tin cho nhân dân rằng không có tình trạng tiêu cực diễn ra một cách lộ liễu, phản cảm.

Xin cảm ơn ông.

Chỉ thị của Ban Bí thư tôi rất kịp thời. Trong thời điểm hiện nay, tình trạng lãng phí từ việc đi chúc Tết lãnh đạo các cấp rất lớn. Mặc dù chúng ta chưa thể tổng kết xem số lượng tiền của lãng phí vào những dịp này là bao nhiêu, nhưng chỉ cần tính một cách đơn giản cũng có thể thấy để đi chúc Tết lãnh đạo trước hết là tốn thời gian của cán bộ, công chức, rồi xe cộ đi lại, ở địa phương khi về T.Ư còn phải tiền khách sạn, tiền ăn uống dọc đường, rồi xảy ra nạn tắc đường, kẹt xe...”

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/qua-cap-bieu-xen-la-dung-duong-cho-tham-nhung-733472.html