Quả cảm trong chiến đấu, nghĩa tình với đồng đội

Đến dự Lễ công bố, trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng Trung tá Nguyễn Văn Lân, nguyên Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công 429 (Binh chủng Đặc công), chúng tôi được nghe kể về sự mưu trí, dũng cảm của ông trong việc cải tiến đạn chứa chất độc CS và nhiều trận luồn sâu, đánh hiểm, giành thắng lợi lớn.

Nhớ lại những ngày chiến đấu gian khổ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung tá, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Trọng Tiến, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn Đặc công 429 kể: "Giai đoạn 1964-1968, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, hòng làm mất sức chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, địch sử dụng chất độc CS rải xuống chiến trường. Loại chất độc mới khiến chúng tôi lo lắng, tìm biện pháp chế ngự. Đúng lúc gay go ác liệt ấy, thông tin từ đài phát thanh của địch loan tin: “Việt Cộng đã sử dụng thành công chất độc CS bắn vào quân Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa…”. Thời gian sau đó, địch cũng phải tạm dừng con bài sử dụng chất độc CS trên chiến trường miền Đông Nam Bộ...".

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân (đứng giữa) cùng đồng đội tại Lễ công bố, trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Trước tình hình địch sử dụng chất độc CS, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Miền yêu cầu Phòng Hóa học, Bộ Tham mưu Miền khẩn trương nghiên cứu biện pháp lấy chất độc CS của địch để đánh lại địch, làm thất bại âm mưu của chúng. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, đồng chí Đặng Quân Thụy, nguyên Trưởng phòng Hóa học, Bộ Tham mưu Miền (sau này là Phó chủ tịch Quốc hội) giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Lân, cán bộ tác chiến Phòng Hóa học, có nhiệm vụ tập trung theo dõi địch sử dụng chất độc hóa học CS trong toàn Miền; nghiên cứu, giới thiệu cách phòng, chống, đồng thời thu gom chất độc CS cải tiến thành đạn hóa học để đánh địch.

Trung tá Nguyễn Văn Lân kể: “Nhiều ngày bám rừng, kiên trì bám trụ tại các vị trí mà địch thả chất độc CS, tôi phải mặc áo mưa, mang khẩu trang che kín người và dùng túi ni lông đựng chất độc CS để mang về đổ vào các thùng. Qua nghiên cứu, thử nghiệm, tôi lấy những quả đạn cối 82mm, tháo một phần thuốc nổ ra và thêm vào đó là chất độc CS. Nhiều ngày làm việc, do tiếp xúc với chất CS còn mạnh, nồng độ cao, có lần tôi bị chóng mặt, ngất đi. Những lúc như thế, tôi tự nhủ phải cố gắng bò ra xa hoặc được đồng đội cõng ra bãi cỏ nằm nghỉ chờ hồi tỉnh. Khi hết chóng mặt, tôi lại cần mẫn cải tiến, cuối cùng có được hơn 200 quả đạn cối 82mm chứa chất độc CS, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Miền”.

Đạn chứa chất độc CS được các đơn vị sử dụng bắn vào các đơn vị địch, mang lại hiệu suất cao, gây cho chúng bất ngờ, qua đó góp phần làm thất bại con bài sử dụng chất độc CS của địch tại chiến trường. Với thành tích này, đồng chí Lân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Đó cũng là động lực để Nguyễn Văn Lân tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam.

Với tinh thần mưu trí dũng cảm, năm 1969, Nguyễn Văn Lân được giao giữ chức Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn Đặc công 429. Tháng 10-1973, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp các đơn vị bộ binh tiến công tiêu diệt yếu khu Bù Bông, nằm trên đồi trọc thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông. Nơi đây địch bố trí sở chỉ huy hành quân cấp chiến đoàn, ban chỉ huy tiền phương Tiểu khu Quảng Đức và nhiều đại đội bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, có hệ thống công sự kiên cố với 8 lớp hàng rào vật cản. Đó là trận đánh then chốt mở màn cho Chiến dịch Tây Quảng Đức của Bộ tư lệnh Miền, nhằm mở rộng vùng giải phóng, kết nối hành lang giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.

Ông Lân nhớ lại: "Thời gian đó, tôi đang chiến đấu ở Tân An, Long An, phải chỉ huy đơn vị hành quân bộ vượt gần 300km về huyện Tuy Đức. Với ý nghĩa quan trọng của trận đánh, tôi và các phân đội phải trinh sát thật kỹ; quyết định chọn phương án dùng nhiều mũi, bí mật bất ngờ, luồn sâu ém sẵn, đánh trúng, đồng loạt, mãnh liệt các mục tiêu chủ yếu ngay từ đầu, kết hợp thọc sâu đánh tiêu diệt toàn bộ, giải quyết chiến trường nhanh. Đúng 22 giờ đêm 4-11-1973, đơn vị cắt rào luồn sâu ém sát mục tiêu. Đến 3 giờ sáng 5-11, quả bộc phá đánh vào sở chỉ huy địch đã phát lệnh trận đánh. Thế nhưng, tôi phát hiện địch lại tưởng ta pháo kích, nên chúng chui hết xuống hầm ẩn nấp. Chớp thời cơ, tôi chỉ huy đơn vị đồng loạt dùng thủ pháo, bộc phá tiêu diệt tại chỗ gần 700 tên địch; các đơn vị bộ binh nhanh chóng tiến công làm chủ hoàn toàn trận địa”.

Lập chiến công xuất sắc, Nguyễn Văn Lân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đây cũng là một trong số 23 trận thắng đồng chí Lân trực tiếp tham gia trên các cương vị: Phó tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công 429 trong tổ chức chỉ huy đơn vị luồn sâu, đánh hiểm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sinh ra ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội); rời quân ngũ tháng 12-1988, CCB Nguyễn Văn Lân về cư trú tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Do tham gia chiến đấu ở vùng bị chất độc hóa học, hai con của ông khi sinh ra đều bị di chứng chất độc da cam, đôi chân bị dị dạng; mới đây được các nhà hảo tâm hỗ trợ phẫu thuật. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương với 10 năm làm Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Long Bình Tân và hơn 20 năm là Chủ tịch Hội CCB phường Long Bình Tân.

Nói về CCB Nguyễn Văn Lân, đồng chí Hoàng Văn Thiện, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, tâm đắc: "Đồng chí Lân luôn gương mẫu, nêu gương sáng Bộ đội Cụ Hồ trong các phong trào của địa phương. Là bí thư chi bộ, đồng chí đã tự nguyện đóng góp 18 triệu đồng, rồi vận động mọi người nâng cấp, sửa chữa tuyến hẻm trong khu phố. Mỗi năm, đồng chí còn vận động hơn 100 suất quà tặng đồng đội nghèo. Nhiều năm qua, đồng chí luôn được các cấp của tỉnh Đồng Nai khen thưởng".

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/qua-cam-trong-chien-dau-nghia-tinh-voi-dong-doi-553972