Qua ca bệnh 243, cần hiểu đúng về thời gian ủ bệnh Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, khoảng thời gian từ lúc có tiếp xúc nguy cơ đến khi xét nghiệm phát hiện bệnh không phải là thời gian ủ bệnh.

Thời gian ủ bệnh của bệnh nhân không phải là thời gian từ khi phơi nhiễm đến lúc làm xét nghiệm. (ảnh minh họa)

Thời gian ủ bệnh của bệnh nhân không phải là thời gian từ khi phơi nhiễm đến lúc làm xét nghiệm. (ảnh minh họa)

Bệnh nhân 243 là người đàn ông ở Mê Linh, Hà Nội có tiền sử đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai khám vào ngày 12/3/2020. Sau đó đến ngày 4/4 bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 5/4 có kết quả dương tính với virus Sars-CoV-2.

Vì vậy nhiều người rất quan tâm tới quãng thời gian 23 ngày (12/3 đến 4/4) từ sau ngày cuối cùng bệnh nhân tới Bạch Mai. Trên cơ sở mức khuyến cáo cách ly 14 ngày, người dân thắc mắc liệu thời gian ủ bệnh của bệnh nhân có thể quá 14 ngày không?

Giải đáp thắc mắc trên, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian ủ bệnh là một thông tin cần làm rõ vì đối với bệnh Covid-19 qua thống kê trên một số lượng lớn người mắc bệnh, thời gian ủ bệnh kéo dài trung bình 3-7 ngày, có bệnh nhân lên 9 ngày nhưng không vượt quá 2 tuần. Chính vì thế, người ta lấy mốc thời gian 14 ngày để làm thời gian cách ly. Nếu những người không có triệu chứng sau trong 14 ngày, người bệnh không có biểu hiện bệnh tức là người đó không mắc bệnh.

Còn với bệnh nhân 243, nếu xem xét kỹ diễn biến của ca bệnh 243 hoàn toàn không có triệu chứng tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm ngày 4/4. Tuy nhiên, có 1 chi tiết đó là ngày 21/3 bệnh nhân này có tình trạng đau mỏi người kiểu cảm cúm. Đây có thể là triệu chứng của bệnh Covid-19 nhưng bệnh ở mức độ nhẹ.

Nếu khả năng bệnh nhân lây nhiễm từ BV Bạch Mai thì từ ngày tiếp xúc nguồn lây đến ngày khởi bệnh là 9 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân không được theo dõi, xét nghiệm nên không biết mình mang bệnh.

Trong thời gian mang bệnh, người bệnh sẽ mất thời gian thải virus kéo dài khoảng 20 ngày. Đây là điều lý giải việc ca bệnh này có kết quả xét nghiệm dương tính sau khởi phát 14 ngày.

Khoảng thời gian từ lúc có tiếp xúc nguy cơ đến khi xét nghiệm phát hiện bệnh không phải là thời gian ủ bệnh. Bác sĩ Thái cho rằng mọi người đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm này dẫn đến các suy diễn không chính xác, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch của toàn xã hội.

Theo ông Khổng Minh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân 243 đang được tiếp tục điều tra, sau đó mới có thể kết luận. Đây cũng là một ca khó. Về thời gian tiếp xúc, các chuyên y tế không thể khẳng định bệnh nhân nhiễm virus ở BV Bạch Mai hay nhiễm ở cộng đồng. Bởi theo y văn, cả thế giới, các ca bệnh chỉ xác định trong vòng 14 ngày.

Hiện CDC Hà Nội đang tìm hiểu tiếp, điều tra kỹ nguồn lây, ngoài BV Bạch Mai, còn nơi nào là nguồn lây của bệnh nhân không.

Ông Tuấn cũng cho rằng bệnh nhân 243 phát bệnh từ trước đó khoảng 10 ngày nhưng không có biểu hiện triệu chứng và đến nay vẫn còn xét nghiệm virus ở trong cơ thể.

Bình thường, kể cả bệnh nhân đã xác định dương tính, điều trị trong bệnh viện, cũng phải sau 20 ngày xét nghiệm âm tính 3 lần mới được công bố khỏi bệnh.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/qua-ca-benh-243-can-hieu-dung-ve-thoi-gian-u-benh-covid19-post337552.info