'Quả bom tài chính' Thổ Nhĩ Kỳ phát nổ, những ai sẽ 'bị thương'

'Mức độ 'sát thương' của 'quả bom' này sẽ mang tính chất quốc tế. Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông - tất cả đều sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ' - Timothy Ash, một nhà chiến lược thị trường mới nổi cao cấp tại Bluebay Asset Management, phát biểu với CNBC.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong một hội nghị ở Ankara ngày 13/8.

"Giọt nước tràn ly" từ Mỹ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10/8 kêu gọi người dân bán vàng và đôla Mỹ để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ đang lao dốc chóng mặt. Đồng lira đã mất giá nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu áp lên thép và nhôm nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đã gặp khó khăn về kinh tế từ đầu năm nay. Đồng nội tệ lira đã mất khoảng 40 phần trăm giá trị trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng những biện pháp kích thích tài chính lớn, lạm phát ngày càng tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ. Hôm 10/8, đồng lira rớt xuống mức thấp kỷ lục sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ trừng phạt Ankara vì mâu thuẫn trong nhiều vấn đề giữa hai nước, trong đó có vụ bắt giữ và xét xử mục sư người Mỹ vì tội hoạt động khủng bố. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng gấp đôi thuế áp lên nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ lên mức tương ứng 20% và 50% - một động thái mà Ankara cho là đi ngược lại các nguyên tắc của WTO. Động thái của ông Trump càng đẩy cao căng thẳng giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trầm trọng hơn trong ngày thứ hai 13/8, khi đồng lira lại tuột xuống mức thấp kỷ lục mới và mất 1/3 giá trị chỉ trong vòng 1 tuần. Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua một ngày choáng váng khi các cổ phiếu ngân hàng đều lao dốc trên 10%.

Tổng thống Erdogan cùng ngày cho rằng "những diễn biến từ vài tuần qua cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bao vây tấn công từ bên ngoài", đồng thời cáo buộc những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào đồng minh NATO là một "nhát đâm sau lưng Thổ Nhĩ Kỳ".

Mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và đưa ra xét xử với cáo buộc làm gián điệp và liên quan đến các tổ chức khủng bố. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Incirlik, sử dụng cho các hoạt động ở Trung Đông. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi đặt một radar X-band, một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của NATO trước Iran. Tuy vậy, những năm gần đây, quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Mối quan hệ đó giờ đây đang phải đứng trước nguy cơ tan vỡ khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn “chưa từng có” lên một đồng minh thuộc NATO - một động thái được xem như "giọt nước tràn ly" đối với Ankara.

Tổng thống Erdogan đã từng cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tìm cho mình những đồng minh chiến lược mới thay thế Mỹ, nếu nước này không thấy sự tôn trọng và có đi có lại nào trong quan hệ song phương với Washington. Theo ông Erdogan, những hành động đơn phương của Mỹ chống lại Ankara sẽ chỉ góp phần làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ.

Nước Mỹ hiện đang tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia đối thủ như Iran hay Triều Tiên, nhưng Washington hiếm khi dùng biện pháp thuế quan - vốn chỉ thường được sử dụng trong các tranh chấp thương mại - để đáp trả đối phương trong mâu thuẫn chính trị như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh hưởng với giới đầu tư

Trong lúc này, các nhà phân tích đang bận rộn xem xét ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia khác và các nhà đầu tư quốc tế.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mất giá.

Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang lo ngại việc các ngân hàng ở khu vực Nam Âu đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay một lượng tiền đáng kể. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu tại các ngân hàng châu Âu có thể gặp rủi ro.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - thường được gọi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương - cho thấy các ngân hàng Tây Ban Nha hiện cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 83,3 tỷ USD; Pháp cho vay 38,4 tỷ USDS; và các ngân hàng ở Italy bị nợ 17 tỷ USD. Các nhà quản lý ở châu Âu lo lắng rằng đồng tiền yếu hơn sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài.

Số liệu của BIS cũng cho thấy các ngân hàng Nhật Bản đang cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 14 tỷ USD, Anh cho vay 19,2 tỷ USD và ngân hàng Mỹ cho vay khoảng 18 tỷ USD.

Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn khá lạc quan về những nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu và các nhà đầu tư nước ngoài. Roger Jones, người đứng đầu cổ phần tại quỹ đầu tư London&Capital, lưu ý rằng có thể có hậu quả đối với các công ty bảo hiểm châu Âu, mặc dù chỉ "khiêm tốn".

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể dẫn đến những khó khăn về vấn đề nợ cho châu Âu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hess từ ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng, các nước khu vực đồng euro có thể cảm thấy tác động nhỏ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nền kinh tế tương đối nhỏ, khoảng 850 tỉ USD.

Các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và các nền kinh tế mới nổ như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi có thể chịu ảnh hưởng nặng hơn "do tiếp xúc trong ngành ngân hàng cao hơn mức trung bình."

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/qua-bom-tai-chinh-tho-nhi-ky-phat-no-nhung-ai-se-bi-thuong-20180814102757574.htm