QL91 sạt lở nghiêm trọng: 780 tỷ đồng có cứu được?

An Giang kiến nghị Chính phủ đồng ý đề xuất chi 780 tỷ đồng để kiên cố tuyến đường QL91 đang bị sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua.

Ngày 21/8, đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát điểm sạt lở trên QL91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) – nơi có diễn biến sạt lở phức tạp thời gian gần đây.

Trong những tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 17 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 1.294m; phải di dời khẩn cấp 78 căn nhà, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhân dân.

Đoàn công tác nhận định, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng phức tạp, gia tăng về phạm vi, uy hiếp tính mạng và tài sản của nhân dân, khả năng tiếp tục sạt lở nếu không có giải pháp xử lý căn cơ.

UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ xem xét cho chủ trương chuẩn bị đầu tư dự án kiên cố hóa QL91 với tổng chiều dài tuyến gia cố sạt lở là 2.030m với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.

Một đoạn QL91 qua tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng.

Một đoạn QL91 qua tỉnh An Giang bị sạt lở nghiêm trọng.

Ngoài ra, An Giang còn kiến nghị hỗ trợ thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu (đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) quy mô chiều dài 2,379m, với kinh phí 280 tỷ đồng. Về dự án tuyến dân cư di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở sông Hậu (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu), tỉnh cũng kiến nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đầu tư để bố trí cho 590 hộ dân.

Nói về tình trạng sạt lở QL91 ven sông Hậu, giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân ban đầu được xác định là do địa hình đáy sông Hậu có lạch sâu áp sát bờ, tác động dòng chảy đạp vào tạo hàm ếch và tác động của tải trọng phương tiện giao thông trên QL91 lớn nên gây sạt lở.

Trả lời báo Đất Việt, ThS. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận xét, mọi nguyên do được cho là "thay đổi dòng chảy" gì đó đều là do thiếu phù sa và cát. Đứng sau tình trạng này là hoạt động khai thác cát bừa bãi và các đập thủy điện trên dòng sông Mekong ngăn phù sa đổ về hạ du. Chính sự thiếu phù sa đã tạo ra sự bất ổn định của dòng chảy.

Theo giải thích của ThS. Nguyễn Hữu Thiện với báo chí trước đây, từ hàng ngàn năm trước, dòng nước Mekong như một băng chuyền mang phù sa về kiến tạo nên ĐBSCL. Phù sa sông Cửu Long còn tràn ra biển, tạo thành một vùng nước đục khoảng 20 - 30 km tính từ bờ ra. Nó chính là chiếc áo giáp của đồng bằng. Vì nước đục nặng hơn nên sóng biển gặp lớp phù sa sẽ giảm bớt sức mạnh đánh vào bờ. Nhưng, khi thủy điện chặn mất phù sa, nước và phù sa đổ ra biển giảm đi, chiếc áo giáp bị mỏng lại và một quá trình ngược kiến tạo bắt đầu.

Đồng quan điểm, năm 2017, TS Dương Văn Ni- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) cũng cho rằng việc sạt lở bờ sông Hậu ở An Giang do lượng cát ở sông Hậu đang dần mất đi.

Nguyên nhân khiến lượng cát ở sông Hậu mất đi được ông Ni nhận định xuất phát chủ yếu từ việc đẩy nhanh các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong. Theo đó, trong khi lượng cát đi xuống ĐBSCL rất chậm, nhiều khi tới cả trăm năm, khi tới nơi, cát bồi lắng dưới đáy sông để ổn định đáy dòng sông. Khi đáy dòng sông ổn định thì dòng nước chảy không xói bờ bên này hay bên kia.

Tuy nhiên, các đập thủy điện đã giữ lại phù sa có kích cỡ thô (đá, sỏi, sạn, cát) khiến ĐBSCL không đủ lượng cát như trước đây.

Bên cạnh đó, mấy năm trở lại đây bùng phát xây dựng, lượng cát khai thác quá nhiều, đặc biệt người ta khai thác mà không khảo sát chi tiết chỗ nào lấy cát đi bao nhiêu % thì năm sau nó bù lại được không, cứ thấy chỗ nào có cát là cứ hút. Vô hình trung, tình trạng ấy khiến đáy sông ngày càng thấp xuống, tạo ra sạt lở hai bên bờ.

"Điều nguy hiểm là khai thác cát không nhất thiết làm lở bờ ngay tại chỗ mà đôi khi nó làm lở cách đó vài cây số, thậm chí cả chục cây số bên dưới chỗ khai thác. Có những hố sâu năm sau cát về cũng không thể vượt qua, đi tiếp được, nên bên dưới thiếu cát và dòng chảy sẽ lấy cát để tự điều chỉnh.

Chính điều này làm cho những người không đo đạc, theo dõi nói rằng họ khai thác cát nhưng bờ không bị lở, thực chất nó đã lở mấy chục cây số phía dưới. Cũng bởi điều này nên dẫu người ta khai thác cát ở tận Lào, Campuchia thì cũng tạo sạt lở ở ĐBSCL", TS Dương Văn Ni chỉ rõ.

Ngọc Mai

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/ql91-sat-lo-nghiem-trong-780-ty-dong-co-cuu-duoc-3386113/