Qatar đủ giàu để 'sống sót' 100 năm nữa trong sự cô lập

Qatar không ảnh hưởng nhiều từ khủng hoảng ngoại giao trong khu vực.

Một năm đã qua kể từ khi Ả-rập Xê-út và 3 đồng minh cấm vận Qatar với cáo buộc tài trợ khủng bố. Các nước Ả-rập cho rằng lệnh cấm là một thành công lớn, đến mức Thái tưẢ̉-rập Xê-út Mohammed bin Salman tuyên bố quốc gia láng giềng vùng Vịnh "không đáng để bận lòng".

Tuy nhiên, số liệu cho thấy Qatar vẫn "sống tốt" bất chấp việc các tuyến đường hàng không, đường biển và đường bộ chính đều bị đóng cửa. Nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng và đất nước đang trên đà đạt thặng dư ngân sách trong năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Qatar phát triển nhanh hơn hầu hết quốc gia trong khu vực và có đủ tài sản để bù đắp thâm hụt đến năm 2133, theo Bloomberg.

Ảnh hưởng ban đầu lên Qatar từng rất nặng nề. Thị trường chứng khoán giảm hơn 7% trong một ngày khi vốn nước ngoài bắt đầu thoát ra. Nhập khẩu giảm 40% vào tháng 6/2017. Tăng trưởng đình trệ, giá lương thực tăng, tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản và khách sạn càng trầm trọng hơn vì mất đi lượng khách du lịch từ Ả-rập Xê-út.

Qatar sớm ổn định bằng cách mở "ví tiền" khổng lồ. Nước này vận chuyển hàng hóa qua các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran; nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. 30 tỷ USD do Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) rút ra từ các ngân hàng Qatar dễ dàng được lấp đầy bằng quỹ quốc gia 320 tỷ USD.

Cơ quan Đầu tư Qatar dùng một khoản đầu tư 20 tỷ USD để hỗ trợ các ngân hàng trong nước. Sau đó, chính phủ Qatar thúc đẩy quan hệ kinh tế với các cường quốc toàn cầu qua thỏa thuận đầu tư 35 tỷ USD vào Mỹ đến năm 2020 và tăng cổ phần trong nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga - Rosneft.

Nước này cũng chi hàng tỷ USD mua vũ khí từ Pháp, Italy, Anh và Mỹ, đồng thời tiếp tục xây dựng đường sá và sân vận động để tổ chức trận chung kết World Cup 2022.

“Chúng tôi nhận ra rằng cần phải vươn xa khỏi khu vực và tăng cường quan hệ”, Lulwah Rashid Al Khater, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar, nói.

Dù vẫn mất khoảng 10% kể từ khi lệnh cấm vận bắt đầu, thị trường Qatar đã phục hồi từ mức thấp nhất 7 năm hồi tháng 11/2017. Qatar đang giữ danh hiệu nền kinh tế giàu nhất thế giới, tính theo GDP bình quân đầu người nhờ trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ.

Trang Hồ/ Theo Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/qatar-du-giau-de-song-sot-100-nam-nua-trong-su-co-lap-20180606115145986p145c151.news