Pymepharco, á quân lợi nhuận ngành dược chào sàn

Ngày 8/11, hơn 65,2 triệu cổ phần Công ty CP Pymepharco sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu 68.000 đồng/CP, mã cổ phiếu PME. Với quy mô doanh thu và lợi nhuận thuộc top 3 trong số doanh nghiệp dược đang niêm yết, cổ phiếu PME sẽ hấp dẫn nhà đầu tư?

Ảnh Internet

Cổ đông ngoại nắm giữ 49% vốn

Pymepharco được thành lập từ năm 1989, tiền thân là công ty nhà nước chuyên kinh doanh thuốc và vật tư y tế. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2008. Tính đến quý III/2017, Pymepharco đã nâng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 652 tỷ đồng.

Tại thời điểm tháng 8/2017, 3 cổ đông lớn của Pymepharco gồm Stada Service Holding B.V (nắm giữ 49% vốn điều lệ), ông Trương Viết Vũ (nắm giữ 13,16% vốn điều lệ) và Công ty CP Đầu tư Well Light (nắm giữ 10% vốn điều lệ). Như vậy, cơ cấu cổ đông của Pymepharco tương đối cô đặc và room nước ngoài đã kín nên nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có cơ hội mua vào cổ phiếu Pymepharco khi niêm yết cho đến khi Công ty thực hiện nới room.

Nhờ có sự hỗ trợ trực tiếp của đối tác chiến lược Stada, năm 2009 Pymepharco đã nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc viên Cephalosporin lên tiêu chuẩn châu Âu, trở thành thành viên của Tập đoàn Stada.

Với mục tiêu nâng dần tỷ lệ nội địa hóa ngành dược phẩm và khuyến khích sản xuất trong nước, Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 7 Luật Dược (sửa đổi) quy định, đối với thuốc mua từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập thì sẽ không chào thầu dược liệu, thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu về giá trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Đây được xem là cơ hội lớn cho các công ty sản xuất dược phẩm trong nước nói chung và Pymepharco nói riêng hiện thực hóa mục tiêu gia tăng thị phần trong kênh đấu thầu thuốc bệnh viện (đặc biệt là nhóm 2) và thay thế thuốc ngoại nhập.

Một số chỉ số của Pymepharco so sánh với các doanh nghiệp dược đang niêm yết. (Đơn vị tính: triệu đồng)

Doanh thu và lợi nhuận ấn tượng

Pymepharco có tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần giai đoạn 2011 - 2016 là 15,4%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành là 12%. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng ấn tượng với mức trung bình giai đoạn 2011 - 2016 là 34,9%.

9 tháng đầu năm 2017, Pymepharco đạt 1.198 tỷ đồng doanh thu và 215 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 8,73% và 23,68% so với cùng kỳ năm 2016.

So sánh với các doanh nghiệp dược đang niêm yết, doanh thu của Pymepharco đứng sau Công ty CP Dược Hậu Giang và Công ty CP Trapharco; lợi nhuận sau thuế chỉ đứng sau Dược Hậu Giang (xem Bảng).

Mặc dù biên lợi nhuận ngành dược có xu hướng giảm do gia tăng cạnh tranh khốc liệt về giá bán, tuy nhiên, Pymepharco vẫn giữ được mức biên lợi nhuận cao và ổn định như trong hai năm 2015 - 2016. Nửa đầu năm 2017, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ lên mức 48% và biên lợi nhuận ròng tăng lên 22,5% nhờ quản lý chi phí hiệu quả hơn. So sánh với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có quy mô doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của Pymepharco chỉ thấp hơn Trapharco (thuốc đông dược thường có biên gộp cao hơn) và vượt trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp tân dược khác.

Hoàng Việt

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-chinh/pymepharco-a-quan-loi-nhuan-nganh-duoc-chao-san-54986.html