PVN hướng tới mô hình quản trị tinh gọn và hiệu quả

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là sự khủng hoảng sâu sắc của ngành công nghiệp dầu khí khi giá dầu suy giảm kéo dài 5 năm vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó. PVN tiếp tục khẳng định và thực hiện tốt vai trò là doanh nghiệp chủ lực, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng đất nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và bảo đảm an sinh xã hội. Nhân dịp đầu năm mới 2020, Báo Năng lượng Mới có bài phỏng vấn Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, xung quanh việc tập trung các nguồn lực để vượt qua thách thức; quyết tâm đổi mới tư duy, hành động, nâng cao hiệu lực quản trị điều hành, cải cách toàn diện đối với mô hình phát triển của Tập đoàn.

PV: Được biết, nhiều giải pháp quan trọng trong việc hoàn thiện, cải cách mô hình phát triển đã được triển khai thực hiện trong năm 2019 vừa qua tại PVN, theo đánh giá của Tổng giám đốc, đâu là những bước tiến nổi bật?

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Trong năm 2019, PVN đã tập trung vào công tác tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp, đầu tư có trọng điểm và đã đạt được những kết quả, thành tựu nổi bật được nghi nhận, khẳng định hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trên 5 lĩnh vực cốt lõi là Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp Khí; Công nghiệp Điện; Chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Công tác tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị điều hành Công ty mẹ - Tập đoàn được triển khai khẩn trương, quy mô bộ máy điều hành Tập đoàn đã được sắp xếp tinh gọn. Việc tái cấu trúc gắn liền với hiệu quả từng dự án, từng hoạt động sản xuất kinh doanh trong mỗi lĩnh vực. Đặc biệt công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã đạt được kết quả rất tích cực góp phần cải tiến về quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình này, các đơn vị của Tập đoàn, ngoài việc triển khai các đề án cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch, còn xây dựng cho mình phương án đổi mới tối ưu với mục tiêu tồn tại và phát triển bền vững.

Hàng loạt đề xuất về cơ chế chính sách; sửa đổi Luật; điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành Dầu khí, nâng tầm thực hiện chiến lược phát triển dầu khí lên mức quốc gia đã được PVN nghiên cứu và báo cáo Chính phủ trong quá trình đổi mới.

Với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước và sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quyết liệt trong điều hành, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự nỗ lực của 60 nghìn người lao động, năm 2019 PVN đã thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch nhà nước giao, về đích trước 2 tháng các chỉ tiêu tổng doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận, đặc biệt chỉ tiêu ở lĩnh vực cốt lõi là gia tăng trữ lượng dầu khí.

Có thể thấy các quyết sách và sự điều hành của lãnh đạo PVN là chính xác, linh hoạt và có hiệu quả. Dù bối cảnh thị trường dầu khí trong nước cũng như quốc tế có nhiều biến động tiêu cực, giá dầu diễn biến không thuận lợi, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong những năm gần đây đều khá tốt, vượt kế hoạch đề ra, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân và duy trì được uy tín, vị thế trên thế giới.

PV: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến Việt Nam nói chung, đến các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng trên nhiều lĩnh vực, đa diện và đa chiều. Để nắm bắt thời cơ phát triển và vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay, PVN tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa Tổng giám đốc?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Vị trí, tiềm năng, đóng góp của ngành Dầu khí vẫn luôn là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tài chính và an ninh quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Người lao động làm việc trên giàn khoan của Vietsovpetro

Để tiếp tục phát triển, các tập đoàn kinh tế nói chung và PVN nói riêng phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội, khắc phục các thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện tại, Tập đoàn đang từng bước thực hiện số hóa công tác quản trị, điều hành nhằm tăng năng suất, hiệu quả lao động, tiết giảm chi phí và gián tiếp giảm thiểu tác động tới môi trường. Trong trung hạn, Tập đoàn sẽ tập trung nghiên cứu triển khai công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn nhằm tăng cường kết nối giữa các khâu sản xuất kinh doanh, tối ưu giải pháp và nguồn lực thực hiện; song song với đó là xây dựng công tác bảo mật, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu hoạt động cho doanh nghiệp.

Đặc thù chức năng của ngành Dầu khí đòi hỏi công tác quản trị phải được tổ chức theo nhiều cấp và nhiều lĩnh vực mang tính tích hợp rất cao. Để có thể thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, mỗi người lãnh đạo cần kết hợp nhiều kiến thức và sự hiểu biết về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, về khoa học xã hội, bao gồm tâm lý học và triết học, kinh tế học, lịch sử và đạo đức cũng như khoa học tự nhiên.

Chính phủ hiện đang tích cực xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước phù hợp yêu cầu trong điều kiện mới. Để tạo điều kiện phát triển ngành Dầu khí, PVN đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí 2008 và các văn bản pháp quy dưới Luật phù hợp với hiện trạng kinh tế dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước, kích thích đầu tư nước ngoài, tận khai thác các mỏ đang suy giảm, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đầu tư phát triển các mỏ cận biên, các vùng khó khăn, nước sâu, xa bờ.

Bên cạnh việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, xây dựng Tập đoàn có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, PVN đang tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực chuyên môn, năng lực quản trị, lý luận chính trị,… để đáp ứng yêu cầu của ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Vừa qua, công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy cũng đã tạo một "luồng sinh khí" mới trong toàn bộ mọi hoạt động của PVN. Tập đoàn đồng thời tập trung quản trị nguồn lực, tài chính và đầu tư cũng như quản trị và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường để gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. PVN đã xây dựng, triển khai đồng bộ và toàn diện công tác quản trị rủi ro và kiểm soát rủi ro, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp trong các hoạt động của Tập đoàn và tái tạo văn hóa dầu khí trong giai đoạn mới để người lao động tin tưởng, gắn bó và cống hiến, phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo vượt qua khó khăn.

PV: Trong năm 2019, khi làm việc với các đơn vị trong ngành, Tổng giám đốc luôn nêu vấn đề kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp lên hàng đầu, cẩn trọng đánh giá và đưa ra yêu cầu từng đơn vị thành viên phải xây dựng chương trình, đề ra chỉ tiêu để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Tập đoàn hiện nay?

TGĐ Lê Mạnh Hùng: Chúng tôi luôn xác định, mô hình quản trị tinh gọn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa quyết định toàn bộ hiệu quả, năng suất, chất lượng của công việc cũng như tạo động lực thúc đẩy cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên ổn định nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở mang tính nền tảng, tạo thế và lực để PVN phát triển bền vững.

Chúng tôi đều hiểu vai trò của việc quản trị một doanh nghiệp lớn như PVN là quan trọng và phức tạp tới mức nào. Trên nền tảng nhận thức đó, Tập đoàn đang tiến hành xây dựng hệ thống quản trị vận hành doanh nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện, đầy đủ từ hoạch định chiến lược, mô hình tổ chức, hệ thống tài chính đến quản trị nhân sự, nguồn lực, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường...

Tập đoàn cùng các đơn vị luôn theo sát các diễn biến, dự liệu các tình huống, lựa chọn, thiết lập các mục tiêu, kế hoạch và quyết định cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu; thiết kế các cơ chế, tổ chức các quá trình, điều phối phân bổ và thu xếp các nguồn lực; kiểm soát, kiểm tra, đánh giá các hoạt động nhằm đạt được kết quả cao nhất. Trong quản trị doanh nghiệp tại PVN thì yếu tố quản trị rủi ro được quan tâm đặc biệt, đủ linh hoạt để quản trị sự thay đổi và đủ chặt chẽ để kiểm soát, ứng phó với các rủi ro.

Đặc thù chức năng của ngành đòi hỏi việc quản trị phải được tổ chức theo nhiều cấp và nhiều lĩnh vực mang tính tích hợp rất cao. Để có thể thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, mỗi người lãnh đạo trong chúng tôi cần kết hợp nhiều kiến thức và sự hiểu biết về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, về các khoa học xã hội, bao gồm tâm lý học và triết học, kinh tế học, lịch sử và đạo đức cũng như các khoa học tự nhiên.

Cùng với việc tăng tính tự chủ để doanh nghiệp chủ động ứng phó với thị trường, tăng cơ chế minh bạch thông tin, cơ chế kiểm soát; điều rất quan trọng nữa là có chính sách đãi ngộ người giỏi và phải có cơ chế tuyển chọn đúng người đúng việc. Hiện nay PVN có đội ngũ cán bộ quản lý rất trẻ và năng động, họ có năng lực nhận thức, biết kế thừa các thành tựu, kinh nghiệm về quản lý và biết kết hợp giữa việc phát huy những thành quả tốt đẹp với việc dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng sáng tạo những mô hình mới.

Tựu trung lại, trong những năm qua, công tác quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn đã từng bước được thiết lập bài bản và có những kết quả, thành tựu rất đáng được nghi nhận. Bước sang năm mới 2020 cũng là khởi đầu một giai đoạn mới, tôi tin rằng PVN và các doanh nghiệp trong Tập đoàn, với tiến trình tái cấu trúc hiện nay sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, có những bước phát triển vững chắc hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc!

Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/tong-giam-doc-tap-doan-dau-khi-viet-nam-pvn-huong-toi-mo-hinh-quan-tri-tinh-gon-va-hieu-qua-560634.html