PVN đón nhịp sóng 4.0 để hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững

CMCN 4.0 có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam – đó là một thực tế đã, đang và tiếp tục được kiểm chứng. Tuy nhiên muốn hội nhập hiệu quả và đạt được thành công trong cuộc CMCN 4.0 vẫn đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành, thực sự xem KHCN là công cụ quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.

Kỳ tích được làm nên bởi công nghệ hiện đại

Không thể phủ nhận rằng, việc coi trọng đầu tư khoa học kỹ thuật công nghệ cao nhiều năm nay đã giúp PVN gặt hái được những “quả ngọt” trong hoạt động kinh doanh. Ngành Dầu khí được coi là ngành kinh tế kỹ thuật có hàm lượng KHCN cao và cũng chính nhờ vậy mà mọi kỳ tích luôn bắt nguồn từ những ứng dụng công nghệ. Điển hình là câu chuyện ứng dụng từ rất sớm các công nghệ hiện đại như: Khảo sát địa chấn 2D, 3D, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong các nhà máy chế biến đạm, lọc dầu, xử lý khí… Chính vì thế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có 3 giải thưởng Hồ Chí Minh và 2 giải thưởng Nhà nước về KHCN. Công trình “Giải pháp thu gom và đưa khí vào bờ bằng đường ống trạng thái 3-pha” dài trên 350km từ mỏ Lan Tây vào bờ, công suất 7 tỷ m3/năm, vận hành an toàn 15 năm là biểu tượng về KHCN, một công trình KHCN tầm cỡ khu vực.

Chiến lược, định hướng đúng khi coi khoa học, công nghệ là nòng cốt của sự phát triển. Vì thế cũng dễ hiểu khi có một Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) với sự phát hiện thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ được coi là một kỳ tích lịch sử.

Trở lại câu chuyện của cách đây 30 năm để hiểu hơn rằng, với thành công ấy, khoa học công nghệ chính là chìa khóa. Bởi lúc bấy giờ, để khai thác thân dầu này với hiệu quả kinh tế và hệ số thu hồi dầu cao nhất, bảo vệ tốt môi trường sinh thái trong hoàn cảnh đây là thân dầu đặc biệt, chưa có tiền lệ, trên thế giới chưa có kinh nghiệm là công việc hết sức khó khăn với Vietsovpetro. Nhiều vấn đề được các chuyên gia Vietsovpetro vừa tìm hiểu, học hỏi, vừa mày mò và từng bước thành công. Qua đó, đã xây dựng một hệ thống phương pháp luận đầy đủ, khoa học để nghiên cứu thân dầu trong đá móng từ giai đoạn thăm dò, thẩm lượng, thiết kế khai thác, công nghệ khoan và khai thác mỏ. Và đây còn là sự đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới.

Không riêng Vietsovpetro, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đều đã triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác trong cả nước. Đó là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE) cũng làm nên chuyện khi biết tận dụng khoa học công nghệ trong hoạt động. Theo đó, hầu hết các công trình đường ống dẫn khí lớn, các đường ống nội mỏ của PVN đều do PVE thực hiện. Đối với công trình giàn khoan ngoài khơi, PVN có thể thực hiện thiết kế 80% công việc. Đối với các giàn khoan phức tạp trên bờ đòi hỏi cao về công nghệ, PVE đã thực hiện gần như hoàn toàn việc thiết kế, ngoại trừ phần công nghệ có bản quyền.

Bên cạnh đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 10 năm vận hành, năng lực làm chủ khoa học, công nghệ; phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất chính là phương thức hiệu quả giúp BSR đã có hơn 163 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 138 triệu USD. Công ty đã thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học và phần lớn trong số đó đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thi công chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05.

Đầu tư phát triển công nghệ mới tạo ra nguồn năng lượng sạch

Trên thực tế, hiện nay, khoa học công nghệ được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của PVN. Nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng như: Công nghệ khoan trên các vùng biển sâu; công nghệ xử lý vùng cận đáy giếng có lựa chọn trong các giếng có độ ngập nước cao; công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu của thân dầu Mioxen dưới mỏ Bạch Hổ bằng bơm nút dung dịch polyme; công nghệ giàn dầu giếng nằm ngang tại mỏ Tê Giác Trắng…

Thế nhưng, khi dân số và chất lượng cuộc sống tăng lên, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển giao thông vận tải, tăng trưởng kinh tế…, thì nhu cầu về năng lượng cũng tăng theo. Chính vì vậy, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu năng lượng theo hướng sạch và tái tạo.

Dù vậy, để phát triển nguồn năng lượng mới đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng sử dụng phù hợp, liên quan đến trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực và ứng dụng sáng tạo công nghệ của từng nước/khu vực... Các công ty dầu quốc gia nói chung và ngành dầu khí Việt Nam vẫn phải tính chuyện thích nghi ngay từ bây giờ. Đặc biệt, để bắt kịp xu hướng, theo các chuyên gia trong ngành, song song với việc duy trì mức sản lượng khai thác phù hợp, cân đối cấu trúc sử dụng dầu khí hiệu quả giữa năng lượng - nguyên liệu, cần sớm đầu tư phát triển công nghệ mới nhằm cải tạo năng lượng dầu hỏa thành nguồn năng lượng sạch, hiệu quả hơn, ứng phó với xu thế giảm dần tỷ phần và nhường chỗ cho các dạng năng lượng tái tạo xanh.

Rõ ràng là cơ hội của ngành dầu khí dường như cũng đang gõ cửa. TS. Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định: “Công nghiệp 4.0 liên kết công nghệ thực và ảo, tự động hóa với dây chuyền sản xuất thông minh có thể tạo đột phá cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý và điều hành thực sự xem khoa học và công nghệ là công cụ quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành”. Chính vì thế, PVN đã xác định rằng, trong thời điểm hiện nay, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc PVN theo hướng bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu trung hạn và dài hạn; tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư vào các dự án sinh lợi cao và nhanh, xây dựng chuỗi giá trị dầu khí hoàn chỉnh theo Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp (DN) của PVN và các DN thành viên theo chuẩn quốc tế phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0, trong đó cần cơ cấu lại cấu trúc sản phẩm theo hướng tăng tỷ phần sử dụng dầu khí làm nguyên liệu và giảm tỷ phần làm nhiên liệu; ưu tiên phát triển công nghiệp khí hoàn chỉnh, vì khí thiên nhiên là dạng năng lượng sạch, hiệu quả sử dụng cao, ít gây hiệu ứng nhà kính.

Bên cạnh đó, ngành Dầu khí cũng sẽ quyết liệt có những thay đổi trong quản lý, quản trị DN; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực vận hành, điều khiển các thiết bị, nhà máy, có thể kiểm soát, quản lý được các quy trình công nghệ liên quan. Và hơn thế, ngành Dầu khí đang rất cần cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp với giai đoạn phát triển mới để phát triển bền vững.

Những thành tựu mà ngành công nghiệp dầu khí đạt được trong những thập niên qua cũng đã mang lại cho Việt Nam một vị trí trong cộng đồng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, giúp nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, điều hành, để dần dần, người Việt Nam có thể tự điều hành các dự án có quy mô lớn, điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp; đồng thời dần mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Nhưng trước sức ép hội nhập, yêu cầu nâng cao hiệu quả và năng suất, năng lực, trí tuệ và sức sáng tạo, nâng cao tính cạnh tranh, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam cần có sự bứt phá, nhanh chóng thích ứng với các yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Việc tiếp tục ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của PVN trong thời gian hiện nay để tiếp cận với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Đặc biệt, PVN và các DN thành viên đang triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu, tiến tới sử dụng, truy xuất tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/pvn-don-nhip-song-4-0-de-hoi-nhap-doi-moi-va-phat-trien-ben-vung-49360