PVD làm ăn ra sao dưới thời ông Đỗ Văn Khạnh làm Chủ tịch?

Ông Đỗ Văn Khạnh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVD từ tháng 12/2015 đến 30/11/2018. Lợi nhuận sau thuế của PVD thời gian này chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Theo Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling, mã PVD), việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc PVEP, Chủ tịch HĐQT PVD hoàn toàn không liên quan đến thời gian ông Khạnh làm việc tại Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí từ tháng 12/2015 đến 30/11/2018 và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của PV Drilling.

Theo cơ quan điều tra, ông Khạnh bị bắt đề điều tra hoạt động nhận chi lãi ngoài từ OceanBank (còn gọi là tiền chăm sóc khách hàng), sau đó chiếm đoạt tài sản.

Ông Đỗ Văn Khạnh bắt đầu làm việc cho ngành dầu khí từ năm 1984 và có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ địa chất dầu khí.

Giai đoạn 1984 – 1992, ông Khạnh là kỹ sư khoan của của Công ty Dầu khí Thái Bình và đã kinh qua các vị trí kỹ sư khoan của Công ty Dầu khí II (Petrovietnam II), Trưởng đại diện của Petrovietnam II tại Đà Nẵng (tiền thân Tổng Công ty PVEP).

Từ năm 1992 đến năm 1994, ông là Phó Giám đốc Công ty Liên doanh Khoan Odfjell, đơn vị liên doanh giữa Petrovietnam và Công ty Dầu khí Odfjell của Na Uy.

Sau đó, từ năm 1994 đến năm 2001, ông đảm nhận vị trí Giám đốc Xí nghiệp PTSC Offshore, thuộc Công ty PTSC (tiền thân Tổng Công ty PVDrilling).

Năm 2001, ông Khạnh được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling). Ông được đánh giá là người đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng PVDrilling trở thành một nhà thầu dịch vụ quốc tế.

Đến tháng 7/2010, ông trở thành Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), đơn vị được xem chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác dầu khí. Sau đó, từ tháng 12/2015, ông trở lại PVDrilling với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

PVEP là "con nợ" lớn của PV Dirlling

Từ thời điểm ông Khạnh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, hoạt động kinh doanh của PVD với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều giảm dần cũng do ảnh hưởng chung của giá dầu khiến các giàn khoan không có nhiều việc làm.

Theo đó, từ mức lợi nhuận lên đến 2.500 tỷ đồng năm 2014, lợi nhuận của PVD đã giảm mạnh, đến năm 2017 chỉ còn 45 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây, 9 tháng 2018, PVD đã ghi nhận mức lỗ 197 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý 3/2018, PVD có lãi 112 tỷ đồng chủ yếu lãi từ liên doanh liên kết mang về hơn 71 tỷ đồng nhờ thu hồi được một phần công nợ quá hạn từ PVEP.

PVEP là "con nợ" lớn của PV Dirlling. Theo báo cáo tài chính năm 2017, PVDrilling có khoản phải thu PVEP lên tới 185 tỷ đồng. Ngoài ra, PVDrilling còn có khoản phải thu 451 tỷ đồng đến từ PVEP POC, một thành viên của PVEP.

Năm 2019 mảng dịch vụ khoan tiếp tục thua lỗ

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá triển vọng PVD, BVSC cho rằng, với giả định giá dầu năm 2019 ở mức 70 USD/bbl, BVSC dự báo hiệu suất sử dụng giàn khoan 2019 sẽ duy trì ở mức tương đương với 2018, khoảng 3,7 giàn. Giá thuê giàn I, II, III, VI năm 2019 dự báo sẽ tăng nhẹ từ mức 55.000-57.0000 USD/ngày lên mức 57.000 - 60.000 USD/ngày.

Tuy nhiên, do giàn PVD V chưa có việc nên BVSC dự báo mảng dịch vụ khoan sẽ vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2019.

Mặc dù mảng dịch vụ khoan dự báo tiếp tục lỗ trong năm 2019 nhưng nếu PVD ghi nhận nốt khoảng hơn 200 tỷ số công nợ khó đòi còn lại của PVEP thì khả năng PVD sẽ thoát lỗ.

Dựa trên việc đánh giá lại book value của PVD theo giá thị trường các giàn khoan hiện tại, BVSC ước tính giá hợp lý cổ phiếu PVD ở mức 20.579 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn chứng khoán, thị giá PVD từng có thời điểm đạt trên 80.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2014, nhưng đến nay chỉ còn quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 30% so với vùng giá hồi đầu năm nay là 23.000 đồng/cổ phiếu.

BẢO VY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/pvd-lam-an-ra-sao-duoi-thoi-ong-do-van-khanh-lam-chu-tich-3485339.html