PV Power đặt kế hoạch lãi sau thuế gần 2.300 tỷ đồng trong năm 2019

Năm 2019, PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 32.769,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.275,2 tỷ đồng, nộp NSNN 1.304,5 tỷ đồng.

Theo tin từ Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam – PV Power (Mã CK: POW), trong năm 2018, PV Power đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao, cơ bản đạt và vượt mức kế hoạch giao.

Cụ thể, sản lượng điện toàn PV Power ước đạt hơn 21 tỷ kWh; doanh thu toàn PV Power cả năm ước đạt 33.363 tỷ đồng vượt KH 6%; doanh thu Công ty mẹ đạt 24.272 tỷ đồng vượt KH 8%; lợi nhuận trước thuế toàn Tổng Công ty năm 2018 ước đạt 2.315 tỷ đồng đạt 100% KH; LNTT Công ty mẹ ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 124% KH. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tổng Công ty ước đạt 1.360 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch.

PV Power đã hoàn thành Pre-FS dự án Nhơn Trạch 3&4, được Tập đoàn thông qua và đã trình Thủ tướng Chính phủ ngày 28/9/2018. Hiện đang được các Bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét để báo cáo Thủ tướng.

Trong năm qua, công tác Cổ phần hóa là điểm sáng và thành công nhất của PV Power. Hiện tại, PV Power đã được chấp thuận niêm yết trên HoSE và sẽ giao dịch vào ngày 14/1/2019 với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp.

Năm 2019, PV Power đặt kế hoạch lãi sau thuế gần 2.300 tỷ đồng.

Trong năm 2019, PV Power phấn đấu tổng sản lượng điện sản xuất cả năm đạt 21,6 tỷ kWh trên cơ sở tối ưu hiệu quả hoạt động SXKD. PV Power đặt mục tiêu tổng doanh thu toàn Tổng Công ty đạt 32.769,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.275,2 tỷ đồng, nộp NSNN 1.304,5 tỷ đồng.

PV Power sẽ triển khai lập báo cáo dự án đầu tư xây dựng công trình (FS), đàm phán các hợp đồng mua bán LNG, mua bán điện PPA, thu xếp vốn cho dự án Nhơn Trạch 3&4 theo tiến độ được phê duyệt; Tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến dự án thủy điện Luang Phrabang theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, PV Power cũng sẽ đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, thoái vốn tại các đơn vị thành viên theo phương án được phê duyệt, tập trung nguồn tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững trong những năm tới, cũng như nâng cao hiệu quả tài chính.

Hiện PV Power đang vận hành 7 nhà máy điện, chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam – nơi có nhu cầu điện rất cao và thường xuyên bị quá tải, bao gồm các nhà máy: Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nậm Cắt, Hủa Na, ĐakĐrinh và Vũng Áng 1. PV Power hiện có công suất lắp đặt 4.208,2MW, bằng khoảng 11% công suất lắp đặt cả nước; lũy kế sản lượng điện ổn định khoảng 20 tỷ kWh/năm, bằng gần 12% sản lượng toàn ngành. Với thị phần trên, PV Power được coi là đối trọng duy nhất với các Tổng Công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) của EVN. Đây là vị thế, cũng là lợi thế lớn của PV Power.

Nhiên liệu chính dùng trong sản xuất điện của PV Power là khí khô và than. Thuận lợi lớn của PV Power đó là nguồn khí cho sản xuất do các đơn vị trong PVN cung cấp khá gần với nhà máy. Ngoài ra, PV Power cũng có PV Power Coal thực hiện cung cấp than cho các nhà máy điện than của PV Power.

Về nguyên liệu khí, nhiên liệu chính cho các nhà máy điện khí của PV Power, bao gồm Điện Cà Mau, Điện Nhơn Trạch 1, Điện Nhơn Trạch 2 là khí thiên nhiên, được cung cấp bởi PVGas thông qua hệ thống đường ống kéo dài từ mỏ khí ngoài biển đến nhà máy chế biến, sơ chế khi trước khi đến trực tiếp nhà máy và được sử dụng tại đây.

Dù vậy, PV Power vẫn gặp những khó khăn với nguồn khí. Phía PV Power cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Công ty này đã gặp phải một số khó khăn do nguồn khí thường xuyên bị gián đoạn, hụt áp làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của 2 nhà máy điện Cà Mau. Năm 2014, đã xảy ra 34 sự cố, 234 lần giảm áp do áp suất khí giảm. Năm 2015 xảy ra 43 sự cố khí, 368 lần giảm áp do áp suất khí giảm.

PV Power cho biết thêm, trong thời gian tới, nguồn khí của Nhà máy Cà Mau 1&2 có thể gặp khó khăn hơn nữa do phải tìm kiếm thêm nguồn cung cấp mới.

Về nguyên liệu than, than cho Nhà máy điện Vũng Áng 1 tiêu thụ khoảng 3,2 triệu tấn/năm, được lấy từ các mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả (80%), Vàng Danh (20%) tại tỉnh Quảng Ninh, được vận chuyển bằng đường biển đến cảng nhập than của nhà máy. Ngoài ra, than còn được nhập thêm bằng đường bộ.

Đánh giá về nguồn cung than, PV Power cho rằng trong tương lai, các nhà máy nhiệt điện than của PV Power sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt than và giá than sẽ dao động theo giá thị trường nhiên liệu sơ cấp.

Những khó khăn về nguyên vật liệu của PV Power kể trên cho thấy một khó khăn chung: PV Power phụ thuộc nguồn cung nguyên, nhiên liệu từ 2 nhà cung cấp chính gồm PV Gas và Vinacomin. Nhưng không chỉ phụ thuộc vào nguồn cung, PV Power còn phụ thuộc vào cường độ huy động điện của EVN, bởi EVN hiện nắm toàn bộ đầu ra ngành điện.

Một khó khăn đặc thù khác, nhưng mang tính tạm thời là việc Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 mới vào giai đoạn vận hành nên chưa ổn định, gặp nhiều sự cố, đặc biệt là hệ thống bốc dỡ nhiên liệu than. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết khu vực Vũng Áng rất khắc nghiệt, ảnh hưởng đến việc bốc, hút than tại cảng nhà máy.

Ngành Điện Việt Nam là một trong những ngành then chốt, hấp dẫn đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và kỳ vọng tiếp tục phát triển (bình quân 10,6%/năm giai đoạn 2016 - 2030).

Mặc dù triển vọng tăng trưởng toàn ngành là khá hấp dẫn, tuy nhiên, sức hấp dẫn lớn nhất lại nằm ở tiến trình tái cơ cấu ngành điện. Như đã trình bày ở trên, PV Power được xem là đơn vị duy nhất có thể cạnh tranh được với các Tổng Công ty phát điện của EVN. Việc loại bỏ dần độc quyền của EVN trong khâu phát điện và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia là cơ hội lớn, và sở hữu cổ phần PV Power là cách nhanh nhất để các nhà đầu tư tư nhân thâm nhập sâu vào ngành điện.

Theo lộ trình, thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) đang được triển khai thí điểm (2016 – 2018) và sẽ hoàn chỉnh từ 2019 – 2021. Ở giai đoạn này, thị trường điện bắt đầu hình thành các đơn vị bán buôn mới để tăng cường cạnh tranh trong khâu mua bán điện. Khách hàng lớn và các công ty phân phối được quyền mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện thông qua thị trường hoặc từ các đơn vị bán buôn.

Các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện (như PV Power) và cạnh tranh bán điện cho các đơn vị phân phối và khách hàng lớn. Thường thì các đơn vị bán buôn điện cạnh tranh ưa các đơn vị phát điện lớn nên PV Power càng có nhiều lợi thế và vì thế, càng hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Ở cấp độ 3 - thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (thí điểm từ 2021-2023; hoàn chỉnh từ sau 2023), sự cạnh tranh diễn ra ở cả 3 khâu: phát điện, bán buôn và bán lẻ điện. Khách hàng trên cả nước được lựa chọn đơn vị bán điện cho mình (đơn vị bán lẻ điện) hoặc mua điện trực tiếp từ thị trường. Các đơn vị bán lẻ điện cũng cạnh tranh mua điện từ các đơn vị bán buôn, các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện. Nếu PV Power tận dụng được tốt cấp độ 2 thì ở cấp độ 3, cơ hội gia tăng thị phần càng lớn.

Phía PV Power cho biết, trong thời gian tới, PV Power có kế hoạch đầu tư 9 dự án điện khí với tổng công suất lắp đặt 6.750MW, dự kiến đi vào vận hành từ 2021 đến 2025. Việc đầu tư nếu hiệu quả sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng tốt cho PV Power sau giai đoạn 2025 – giai đoạn ngành điện đang triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pv-power-dat-ke-hoach-lai-sau-thue-gan-2300-ty-dong-trong-nam-2019-post56622.html