PV GAS tiên phong phát triển khí LNG tại Việt Nam

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với đặc điểm thân thiện với môi trường đang là nguồn năng lượng được thị trường thế giới và Việt Nam ưu tiên sử dụng. Một trong những giải pháp nhằm ổn định an ninh năng lượng quốc gia là nước ta nhập khẩu loại nguyên liệu này. PV GAS đang là doanh nghiệp tiên phong phát triển LNG tại Việt Nam.

Dự án Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS.

Dự án Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS.

Đầu mối nhập khẩu LNG

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS – đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) được Đảng, Chính phủ và PVN giao thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam. Trong nhiệm vụ của mình, PV GAS chú trọng, tiên phong trong phát triển khí LNG ở Việt Nam.

Theo ông Hoàng Văn Quang – Tổng Giám đốc PV GAS, đơn vị này đã thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau để quảng bá khí tự nhiên là một giải pháp tốt để thay thế dần nhiên liệu ô nhiễm như than, dầu. PV GAS sẽ giữ vai trò đầu mối đầu tư và nhập khẩu LNG cho các hộ tiêu thụ trên toàn quốc nhằm thực hiện hiệu quả vai trò công cụ quản lý và điều tiết thị trường khí, LNG của Nhà nước; Ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, phân phối LNG để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài cho các khách hàng. Đồng thời, PV GAS sẽ phát triển khu vực Thị Vải, Bình Thuận, miền Bắc thành đầu mối, trung tâm LNG cả nước.

Cũng theo Tổng Giám đốc PV GAS, hiện dự án LNG tại Thị Vải của PV GAS đang được triển khai tích cực, nhằm cung cấp LNG nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch và các hộ tiêu thụ khác ở khu vực Đông Nam bộ. Ngoài việc mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, quan trọng hơn, sự xuất hiện của Kho cảng LNG Thị Vải và Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ góp phần đảm bảo cho nhu cầu về khí cũng như điện cho khu vực công nghiệp tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Lập đơn vị chuyên sâu kinh doanh LNG

Nhận thức vai trò quan trọng của LNG trong tương lai không xa, năm 2019, PV GAS đã cho thành lập Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG). Nhiệm vụ của doanh nghiệp mới này là phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate; xuất nhập khẩu LNG; kinh doanh dịch vụ vận chuyển các sản phẩm khí, nhằm tập trung xây dựng năng lực và phát triển thị trường LNG.

Theo PV GAS, hiểu rõ tầm quan trọng của công tác kinh doanh LNG, PV GAS LNG đã và đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhằm đảm bảo công tác nhập khẩu LNG phù hợp với tiến độ hạ tầng kho LNG Thị Vải. Cụ thể, từ năm ngoái, PV GAS LNG đã ký kết với các nhà cung cấp từ châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoài ra, công ty này cũng đang tiếp tục đàm phán, thống nhất và ký kết với các nhà cung cấp LNG khác trên thế giới. “Sự đa dạng hóa các nhà cung cấp mang đến lợi thế cho PV GAS có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung với giá cả và chất lượng cạnh tranh tại từng thời điểm của thị trường” - đại diện PV GAS nhấn mạnh.

Để chuẩn bị tốt cho vấn đề kinh doanh, PV GAS LNG đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu thị trường, đề xuất chiến lược kinh doanh LNG, khí tái hóa để mở rộng thị trường, khách hàng, đa dạng phương thức tiêu thụ; Triển khai xây dựng chiến lược kinh doanh LNG cho giai đoạn 2022 - 2025; Xây dựng cơ chế, công thức giá mua bán LNG…

Trao đổi với PLVN, đại diện PV GAS cho biết, dự án kho LNG Thị Vải đang được xây dựng đúng tiến độ. Về việc nhập khẩu LNG, vị này cho biết do biến động giá của thị trường LNG trên thế giới nên nhiều khả năng trong năm sau, PV GAS sẽ nhập khẩu LNG.

Sử dụng LNG là phù hợp với xu hướng chung của thế giới

Theo PVN, việc sử dụng LNG là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đây là loại năng lượng đóng vai trò “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường; là một giải pháp, một “cứu cánh” cho nhiều vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính.

Ở Việt Nam, việc nhập khẩu LNG được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/pv-gas-tien-phong-phat-trien-khi-lng-tai-viet-nam-post455612.html