Putin và vận mệnh của Libya

Tương lai của Libya đang phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và cách ứng xử của Nga đối với các bên.

Tass ngày 17/1 dẫn thông tin từ điện Kremlin cho biết, Chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) - Nguyên soái Khalifa Haftar đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Moscow để tiếp tục các cuộc đối thoại nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Libya.

"Tôi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với sáng kiến của Nga về các cuộc đàm phán hòa bình ở Moscow nhằm mang lại hòa bình cho Libya. Tôi xác nhận rằng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận lời mời của Tổng thống Putin đến thăm Nga để tiếp tục các cuộc đối thoại", bức thư của tướng Haftar gửi ông Putin nêu rõ.

Tướng Haftar gọi Tổng thống Putin là "người bạn thân yêu" của mình và bày tỏ "lòng biết ơn cá nhân đối với những nỗ lực của Nga nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định ở Libya". "Xin vui lòng chấp nhận lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn trọng của chúng tôi", chỉ huy của LNA nhấn mạnh.

Nguyên soái Khalifa Haftar.

Nguyên soái Khalifa Haftar.

Bức thư của tướng Haftar được công bố trước Hội nghị quốc tế về việc giải quyết tình hình tại Libya, dự kiến diễn ra tại Berlin vào ngày 19/1.

Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) Fayez al-Sarraj và Chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar sẽ tham gia sự kiện này. Ngoài ra, các đại diện cao từ Nga, Algeria, Vương quốc Anh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng sẽ tham dự hội nghị.

Theo một nguồn tin ngoại giao ở Libya, sau khi Hội nghị kết thúc, tư lệnh Khalifa Haftar có kế hoạch đến thăm Moscow. "Hiện tại, nguyên soái đang ở Athens, sau đó ông sẽ tới Berlin. Hiện chuyến thăm của ông tới Moscow vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nó sẽ diễn ra sau hội nghị Berlin", nguồn tin tiết lộ.

Mặc dù được cả Nga và Mỹ ủng hộ song tướng Haftar lại chọn phương án tiếp cận Moscow để thảo luận về tình hình Libya. Điều này cho thấy, tầm ảnh hưởng của Nga đối với các điểm nóng trên thế giới đã lên một tầm cao mới.

Nga luôn nhất mực với quan điểm không can thiệp vào tình hình nội bộ Libya, không can thiệp quân sự vào đất nước này. Nhưng với những gì mà Moscow đã làm ở Trung Đông, lãnh đạo LNA luôn dành một sự tôn trọng nhất định cho Tổng thống Putin.

Mỹ khiến tình hình Libya trở thành một mớ hỗn độn sau khi lật đổ Muammar al-Gaddafi rồi "phủi tay ra về", bỏ mặc các phe phái ở Libya triệt hạ lẫn nhau. Nói thẳng ra, Mỹ không còn đủ tư cách để đứng ra can thiệp hay làm chủ ván bài Libya.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cũng coi Nga là bên duy nhất có thể đứng ra giải quyết xung đột ở Libya.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành một phần nghĩa vụ của mình để bình thường hóa tình hình ở Libya, giờ đây công việc là của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tất nhiên, Ankara cũng có những toan tính của riêng mình. Tổng thống Erdogan ủng hộ chính phủ Đoàn kết Dân tộc của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, tuy nhiên GNA đang hoàn toàn lép về trước LNA trong cuộc chiến Tripoli.

Để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình ở Libya, Ankara buộc phải dựa vào mối quan hệ với Nga. Một khi Nga làm chủ ván bài Libya, Ankara ít nhất sẽ không bị "trắng tay".

Tương lai của Libya đang phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và cách ứng xử của Nga đối với các bên. Do đó, có thể nói, ông Putin đang nắm giữ vận mệnh của người dân Libya trong lòng bàn tay.

Lâm An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/putin-va-van-menh-cua-libya-3395381/