Putin đủ khả năng hiệu chỉnh Thỏa thuận thế kỷ của Trump?

Nga hướng vấn đề vào việc hình thành cộng đồng dân tộc Palestine, và cách tiếp cận này có thể giúp Putin hiệu chỉnh được Trump....

Các nhóm vũ trang-chính trị của người Palestine tìm kiếm sự ủng hộ của Nga cho quyền tự quyết dân tộc

Sputnik ngày 23/2 đưa tin, phái đoàn của Tổ chức chính trị - vũ trang Hamas do Thủ lĩnh Ismail Haniyeh dẫn đầu, chuẩn bị có chuyến thăm Nga trong vòng một tuần nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Moscow cho việc giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.

Chuyến viếng thăm này diễn ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Đặc phái viên của Tổng thống Nga đặc trách về Trung Đông và Châu Phi Mikhail Bogdanov đã có một cuộc họp tại Doha với các thành viên hàng đầu của Hamas hồi đầu tuần này.

Theo Giám đốc truyền thông của Hamas Saleh Al-Arouri, tổ chức chính trị - vũ trang này rất quan tâm đến việc duy trì và phát triển quan hệ Nga, thực thể vốn luôn ủng hộ quyền tự quyết dân tộc của người Palestine.

Còn Giám đốc chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine Anwar Abdul Hadi lưu ý rằng Nga là một người bạn đáng tin cậy lâu năm của Palestine và rằng "tổ chức một cuộc họp giữa Nga với Hamas như vậy ở Moscow sẽ rất hữu ích".

Đoàn kết nội bộ là quan trọng nhất với người Palestine

Đoàn kết nội bộ là quan trọng nhất với người Palestine

Trao đổi với báo giới, ông Hadi cho biết PLO cũng dự kiến sẽ có một cuộc hội đàm với Nga trong cùng thời điểm diễn ra chuyến viếng thăm của phái đoàn Hamas. Điều đó cho thấy người Palestine đang rất trông chờ vào Moscow.

Bởi các nhóm chính trị-vũ trang của người Palestine tụ hợp về Moscow lần này trong bối cảnh cuộc xung đột giữa người Palestine và người Do Thái có một bước ngoặt lớn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Theo Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Tổng thống Trump công bố ngày 28/1 vừa qua, Nhà nước Palestine độc lập sẽ được thành lập, với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem và có lãnh thổ lớn gấp hai lần hiện nay.

Ngược lại, các khu định cư của người Do Thái vẫn thuộc chủ quyền của Israel và Jerusalem vẫn là thủ đô của nhà nước Do Thái. Mỹ hứa sẽ hỗ trợ 50 tỉ USD để giúp Palestine phát triển kinh tế, đổi lấy sự chấp thuận Kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Tổng thống Trump khẳng định Kế hoạch hòa bình Trung Đông do ông đề xuất có thể được xem là “thỏa thuận thế kỷ”, tạo ra “cơ hội lịch sử” cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập và xóa bỏ sự khốn khổ cho người dân Palestine.

Vị thổng thống doanh nhân của nước Mỹ cho rằng, đây là một bước tiến quan trọng đối với hòa bình ở Trung Đông, có thể giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 7 thập kỷ giữa Israel và Palestine.

Tuy nhiên, Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump đã nhận được các phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế. Israel ủng hộ nhiệt thành thỏa thuận lịch sử, khi Thủ tướng Netanyahu ca ngợi đây là “kế hoạch tuyệt vời cho hòa bình, cho Israel”.

Một đồng minh khác của Mỹ ở Trung Đông là Ả-rập Saudi, đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Trump, kêu gọi Israel và Palestine khởi động đàm phán trực tiếp. Riyadh nhấn mạnh vấn đề nên giải quyết thông qua thương lượng do Mỹ bảo trợ.

Tuy nhiên, ở động thái ngược lại, Liên đoàn Ả-rập bác bỏ "thỏa thuận lịch sử" của Trump, kiên quyết bảo vệ giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại, và nhà nước Palestine được thành lập với biên giới có từ trước năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.

Tại phiên họp ngày 11/2, nhiều thành viên LHQ không đồng tình với Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump. Các đồng minh của Mỹ như Bỉ, Estonia, Pháp, Đức và Ba Lan... đều cho rằng, thỏa thuận lịch sử trái với luật pháp quốc tế.

Thỏa thuận lịch sử được xem là món quà Trump tặng cho Israel

Trung Quốc cho rằng, vấn đề của Palestine chỉ có thể được giải quyết thông qua giải pháp chính trị, dựa trên đối thoại, thương lượng, bình đẳng và phải góp phần thiết lập một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột Palestine-Israel.

Iran thì tuyên bố kế hoạch này không thể thực hiện được. Iraq thì khẳng định ủng hộ người Palestine, đồng thời yêu cầu Israel trả toàn bộ các khu vực bị chiếm đóng cho Syria và Li-băng. Với Thổ Nhĩ Kỳ thì thỏa thuận lịch sử là “một dự án chiếm đóng”.

Còn EU, đến nay đã bác bỏ nhiều phần của bản Kế hoạch hòa bình Trung Đông do vi phạm “các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã đồng thuận” và cho rằng việc Israel tiếp quản thêm phần đất đai của người Palestine sẽ vấp phải sự phản đối.

Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền tự quyết dân tộc của người dân Palestine.

Ông Abbas kêu gọi HĐBA LHQ và Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nga, EU, LHQ cần tiến hành một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông để thúc đẩy thực hiện các Nghị quyết HĐBA và Sáng kiến Hòa bình A-rập.

Riêng Nga thì tỏ ra hoài nghi về tính hợp pháp của bản "thỏa thuận lịch sử", với lý do là nó đi ngược lại các nghị quyết của LHQ và bị thế giới Ả-rập bác bỏ, theo lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Và Moscow tìm hướng đi riêng cho mình.

Hiệu chỉnh Thỏa thuận thế kỷ của Trump, liệu Putin có đủ khả năng?

Có hai vấn đề được xem là nguyên nhân gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế đối với Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump, đó là phân chia lãnh thổ và quy chế cuối cùng của thành cổ Jerusalem.

Về phân chia lãnh thổ. Khi công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump cho rằng bản kế hoạch mà ôngđề xuất giúp Palestine “tăng gấp đôi lãnh thổ”, khi kiểm soát tới 70% Bờ Tây.

Tuy nhiên, đề xuất này còn thấp hơn đề nghị của cựu Tổng thống Bill Clinton hồi năm 2000, với việc Palestine kiểm soát 94% - 96% Bờ Tây. Sự phân chia là thổ như hiện được xác lập sau các cuộc chiến năm 1948 và năm 1967, bị Palestine phản đối.

Về quy chế cuối cùng cho Jerusalem. Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump đề xuất Jerusalem lại là thủ đô của Israel, đúng như vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã công nhận trước đó.

Trong khi với người Palestin thì thành phố cổ Jerusalem luôn được xem là biểu tượng cho chủ quyền của một nhà nước Palestine độc lập, cho dù được thành lập và tồn tại theo cơ chế nào.

Nhưng Putin hoàn toàn có thể hiệu chỉnh Trump

Như vậy, hai vấn đề gây ra phản ứng trái chiều với bản thỏa thuận thế kỷ của Trump về xung đột Palestine-Israel là liên quan tới thể chế chính trị và chủ quyền quốc gia - hai yếu tố nền tảng tạo nên sức mạnh cứng trong cấu thành sức mạnh quốc gia.

Với tính khí và sự quyết liệt của Tổng thống Trump, nếu đi vào trực diện vấn đề này thì sẽ khó thay đổi được lập trường của Washington, song ngược lại cũng khó thuyết phục được Palestine-Israel nếu chỉ xoay sâu vào hai vấn đề này.

Trong bối cảnh như vậy, không muốn Trung Đông thêm hỗn loạn vì bản "thỏa thuận lịch sử", dường như Tổng thống Putin đã chọn cách tiếp cận mới bằng xoáy sâu vào hai yếu tố nền tảng tạo nên sức mạnh mềm trong cấu thành sức mạnh quốc gia.

Khi Moscow tập trung vào hỗ trợ giải quyết vấn đề nội bộ của người Palestine, đó là mâu thuẫn giữa Hamas và Fatah, cho thấy Nga hướng vấn đề vào cộng đồng dân tộc trước tiên. Theo giới phân tích, cách tiếp cận này có thể giúp Putin hiệu chỉnh Trump.

Xét từ phía Palestine. Có thể thấy chính chia rẽ và mâu thuẫn nội bộ khiến Palestine đi trước về sau Israel, chính sự xung đột giữa Hamas và Fatah khiến không một giải pháp nào về hòa bình giữa Palestine và Israel có tính khả thi hay có thể thực thi.

Khi các giải pháp hòa bình cho Palestine và Israel không khả thi hay không thể thực thi thì người Palestine lại mất đi cơ hội xác định Tổ quốc của mình, và ngày một thụt lùi so với người Do Thái trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết.

Khi có sự đoàn kết giữa các lực lượng, người Palestine sẽ tạo nên một khối thống nhất, hình thành nên một cộng đồng dân tộc, từ đó nâng cao vị thế trong cuộc đấu tranh, giúp tận dụng tốt nhất cơ hội của mình.

Không thể phủ nhận những bất cập trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump là xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ của người Palestine. Vì vậy, nếu muốn hiệu chỉnh thì người Palestine phải đấu tranh dưới một khối thống nhất.

Xét từ phía Mỹ. Nếu bản thỏa thuận lịch sử phải sửa đổi mà thể hiện ý nguyện của cả cộng đồng người Palestine thì chắc chắn chính quyền Trump sẽ không khước từ, cho dù phải viết lại nhiều khoản mục.

Đơn giản là điều đó đảm bảo Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump có tính khả thi và có thể thực thi, mà chắc chắn sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho việc nâng cao vai trò và vị thế tại Trung Đông. Còn Trump cũng sẽ đi được ghi tên vào lịch sử.

Và giúp Trump vượt trên Clinton trong kiến tạo hòa bình cho Trung Đông

Có thể thấy, Tổng thống Putin đã nhìn thấy rõ những điểm tối - sáng trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump, nên Moscow đã phản ứng rất chừng mực, từ đó tìm một cách tiếp cận mới, nhằm giúp cho thỏa thuận lịch sử có tính khả thi.

Rõ ràng, nhà lãnh đạo Nga đã rất thực tế khi tập trung vào yếu tố sức mạnh mềm để hiệu chỉnh yếu tố sức mạnh cứng mà Trump đã xoáy sâu trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông, giúp cho người Palestine có thể hiện thực hóa khát vọng của mình.

Chưa biết diễn tiến tình hình sẽ như thế nào, chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/putin-du-kha-nang-hieu-chinh-thoa-thuan-the-ky-cua-trump-3397388/