PSI: Năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề nguồn điện sau năm 2020

Ngành điện Việt Nam hiện đang đối diện với sự thiếu hụt khi tăng trưởng tiêu thụ điện nhanh hơn tăng trưởng sản lượng điện. Theo đánh giá của PSI, năng lượng tái tạo được hưởng lợi từ hỗ trợ của Chính phủ và được dự kiến sẽ phát triển mạnh trong 5 năm tới.

Chứng khoán Dầu khí (PSI) công bố báo cáo cập nhật ngành điện với những đánh giá tích cực về triển vọng của mảng năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng trên toàn cầu

Theo kịch bản Phát triển Bền vững của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện là một trong số ít nguồn năng lượng có mức tiêu thụ ngày càng tăng vào năm 2040, chủ yếu do xe điện, cùng với việc sử dụng trực tiếp năng lượng tái tạo và hydro.

Theo IEA, tỷ lệ điện tiêu thụ hiện nay chưa bằng một nửa so với dầu nhưng sẽ vượt qua dầu vào năm 2040. Cơ quan này dự báo với các chính sách hiện tại, năng lượng tái tạo như gió, điện mặt trời và thủy điện sẽ vượt qua nhiên liệu than đá trở thành nguồn sản xuất điện chiếm ưu thế trên thế giới vào năm 2030, đóng góp tới 42% sản lượng điện toàn cầu. Trong khi than sẽ giảm xuống còn 34%. Điện gió và điện mặt trời là sẽ có hiệu suất cao nhất, cùng với thủy điện chỉ chiếm 15% tổng sản lượng điện vào năm 2040 và hạt nhân (8%).

Cung cầu thị trường ngành điện 6 tháng đầu năm 2020

Tại Việt Nam, hiện nay nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện khí có chi phí đắt, năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn bắt đầu vì thế nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao.

Theo số liệu từ EVN, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 119,42 tỷ kWh, tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ sản lượng điện sản xuất hàng năm tăng đều mỗi năm, CAGR giai đoạn 2013-2019 là 10,8%. Động lực tăng trưởng chính của ngành điện đến từ tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đặc biệt đến từ lĩnh vực xây dựng khi nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình từ năm 2013 đến hết năm 2019 đạt 10,8%. Tỷ lệ hao hụt điện trên lưới cũng giảm từ mức 8,87% năm 2013 về còn 6,5% năm 2019. Tính đến cuối tháng 6, nhu cầu điện năm 2020 đạt 103,17 tỷ kWh, tăng 2,29% so cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn 6 tháng đầu năm, sản lượng điện than tăng 16,3% so với cùng kỳ trong khi điện khí và thủy điện giảm do (1) trong nửa đầu năm 2020 xảy ra tình trạng thiếu khí sản xuất điện cùng với lượng nước về các hồ thủy điện không đạt ngưỡng cho phép, sản lượng điện từ 2 nguồn này có phần sụt giảm (2) Thủ tướng đã phê duyệt cho phép các nhà máy điện được nhập khẩu than nếu TKV không đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất.

Việc trễ tiến độ các dự án khí Lô B Ô Môn và Cá Voi Xanh có khả năng gia tăng tình trạng thiếu hụt điện tại khu vực miền Nam, đặc biệt từ 2022. Một số giải pháp đề xuất của BCT tập trung vào (i) việc cân nhắc cơ chế phù hợp để phát triển dự án khí Lô B Ô Môn và các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế một số dự án điện than; (ii) gia tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Cụ thể, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với Công ty Lưới điện Phong Nam của Trung Quốc (CSG) tăng nhập khẩu điện qua các đường dây 220 KV từ năm 2022 và qua cấp điện áp 500 KV từ năm 2025. Với các đề xuất trên, nhóm nhiệt điện khí nhiều khả năng sẽ được ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Năng lượng tái tạo được hưởng lợi từ hỗ trợ của Chính phủ và được dự kiến sẽ phát triển mạnh trong 5 năm tới. Trong khi nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng trung bình 10%/năm, năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề nguồn điện sau năm 2020 khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới. Chính phủ đang có nhiều chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo (1) ưu đãi về giá điện gió (với mức giá điện trong đất liền là 8,5 Uscents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh) đến cuối năm 2021, (2) giá điện mặt trời ưu đãi cho các dự án vận hành thương mại trước 31/12/2020 ( từ 1.644 đồng-1.943/ kwh).

Sản lượng điện tái tạo đã tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2020 nhờ chính sách thúc đẩy của Chính phủ. Tổng sản lượng điện tái tạo năm 2019 chỉ đạt 5.89 tỷ kwh (chiếm 2,7% tổng sản lượng điện) đã tăng mạnh trong nửa đầu năm, chủ yếu là đóng góp của điện mặt trời. Sản lượng điện mặt trời tăng mạnh từ giữa năm 2019 đến nay do các Nhà đầu tư và người dân đầu tư sản xuất điện mặt trời áp mái. Tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có 36.161 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 764,1MWp.

Lũy kế năng lượng tái tạo 7 tháng đầu năm đạt 6.33 tỷ kwh, gấp 1,07 lần so với cả năm 2019 và tỷ trọng trung bình của năng lượng tái tạo chiếm 4,5% tổng sản lượng. Hạ tầng lưới điện đến cuối tháng 8/2020 đã giải tỏa gần hết công suất của các dự án điện NLTT và tiếp tục được phê duyệt tăng công suất trong thời gian tới.

Long Nhật

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/psi-nang-luong-tai-tao-la-giai-phap-quan-trong-giai-quyet-van-de-nguon-dien-sau-nam-2020-4202013922614861.htm