PSAV góp phần đưa ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế

Được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ 'Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp' của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) đã có những đóng góp tích cực để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ dưới vai trò là một thành viên của PSAV trong lễ kỷ niệm 10 Năm Thành Lập PSAV. Ảnh: VGP/Minh Thi.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ dưới vai trò là một thành viên của PSAV trong lễ kỷ niệm 10 Năm Thành Lập PSAV. Ảnh: VGP/Minh Thi.

Với mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% phát thải), trong suốt thời gian qua PSAV đã thành lập được 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, gạo, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi với sự tham gia của hơn 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.

Trong đó Nhóm Công tác ngành hàng cà phê (PPP Coffee Task Force) – Tiểu ban sản xuất thuộc Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (production subcommittee – VCCB) được đánh giá là nhóm hoạt động tích cực nhất.

Tại lễ kỷ niệm 10 Năm thành lập PSAV với chủ Đề “Nâng tầm nông sản Việt hội nhập quốc tế” mới diễn ra vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT xác định doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản và sự phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng cường đầu tư vào chế biến sâu, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm của sản phẩm nông nghiệp.

Các Nhóm công tác PPP của PSAV hiện đã mang lại lợi ích cho nền nông nghiệp Việt Nam đặc biệt là việc phát triển nông nghiệp vền vững. Các sáng kiến, dự án của các thành viên trong PSAV đang hỗ trợ các nhóm nông dân trong sản xuất, ứng dụng trên các ngành cà phê, gạo… không chỉ giúp nhà nông duy trì canh tác trong điều kiện bất lợi như hiện nay, mà còn nâng tầm chất lượng nông sản Việt khi đưa ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các dự án này còn giúp nâng cao năng lực trình độ, tạo lập thói quen sản xuất nông nghiệp bền vững cho người nông dân Việt Nam

Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các công ty, tập đoàn đa quốc gia bắt tay cùng người nông dân thiết lập các tiêu chuẩn từ sản xuất cho đến chế biến theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này giúp nông sản Việt Nam được nâng cao cả về chất lượng và vị thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, dù trong năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có mức tăng 2% so với năm 2019 và dự kiến năm nay sẽ cán đích xuất khẩu 41 tỉ USD.

Dự án Nescafé Plan góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hạt cà phê Việt và cải thiện đời sống của nông dân. Ảnh: VGP/Minh Thi.

PPP giúp nông dân canh tác bền vững

Dưới vai trò là một thành viên của PSAV, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng, các sáng kiến, dự án của các thành viên trong PSAV đang hỗ trợ các nhóm nông dân trong sản xuất, ứng dụng trên các ngành cà phê, gạo… không chỉ giúp nhà nông duy trì canh tác trong điều kiện bất lợi như hiện nay, mà còn nâng tầm chất lượng nông sản Việt khi đưa ra thị trường thế giới.

Theo đó, mục tiêu của chương trình nhằm áp dụng các ứng dụng các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng của từng ngành hàng, sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, từ đó hướng đến sản xuất, tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Đơn cử một trong các dự án của quan hệ hợp tác công tư giữa Bayer Việt Nam, Tổ chức Tăng trưởng châu Á - Grow Asia và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) là chương trình hỗ trợ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ tại 7 tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ, thông qua việc tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các loại hạt giống và vật tư bảo vệ thực vật giúp phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 một cách bền vững.

Chia sẻ về vai trò của những chương trình PPP có sự tham gia của Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết, từ năm 2011 chương trình toàn cầu NESCAFÉ Plan về phát triển cà phê bền vững do Công ty Nestlé khởi xướng tại Việt Nam đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng hạt cà phê Việt, cải thiện đời sống của nông dân.

Sau 10 năm triển khai, chương trình đã cải tạo 46.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh. Tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững cho hơn 260.000 lượt nông dân với sự tham gia của các kỹ sư nông nghiệp… giúp nâng cao nhận thức của người nông dân. Kết quả, chương trình giúp tăng thu nhập cho người nông dân từ 30-100% trong vòng 10 năm qua, việc sử dụng nước giảm 40%, sử dụng hóa chất nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật giảm 30%.

Từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, Công ty Nestlé đã luôn thể hiện sự hỗ trợ cho ngành cà phê Việt Nam ở mức tốt nhất có thể. Cách đây hơn 20 năm, khi cà phê Việt Nam còn chưa được thế giới biết đến cho đến ngày hôm nay khi Việt Nam là nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới và là nhà sản xuất cà phê Robusta (cà phê vối) hàng đầu trên thế giới, Nestlé vẫn duy trì vị trí nhà thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam. Ngoài hạt cà phê xanh, công ty còn xuất khẩu sản phẩm cà phê đã qua chế biến nhằm giúp gia tăng giá trị của cà phê Việt Nam.

Bên cạnh cà phê viên nén mang thương hiệu Nescafé Dolce Gusto, công ty còn có các sản phẩm cà phê hòa tan khác đã được thay đổi cho phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng được sản xuất tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai với quy trình sản xuất chặt chẽ, khép kín.

Các sản phẩm NESCAFÉ được sản xuất từ 100% hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao với kỹ thuật NESCAFÉ Plan đang được xuất khẩu đến 25 thị trường nước ngoài và đón nhận sự yêu thích từ nhiều người tiêu dùng trên thế giới.

Đối với Nestlé Việt Nam, duy trì hợp tác tốt với các đối tác là điều cốt lõi nhằm tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững. Điều này không chỉ thể hiện qua vai trò đối tác sáng lập của PSAV và đồng chủ trì Nhóm Công tác ngành hàng Cà phê (PPP Coffee Taskforce), trong suốt 10 năm qua, đội ngũ chuyên gia nông nghiệp của Nestlé đã phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) trong hành trình gắn kết với nông dân.

“Nestlé Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các đối tác công và tư nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân canh tác cà phê bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới,” ông Binu Jacob chia sẻ thêm.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/psav-gop-phan-dua-nganh-nong-nghiep-hoi-nhap-quoc-te/416506.vgp