PrSM được tăng tầm bắn gấp 3 Iskander-M

Không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF, Mỹ quyết định tăng tầm bắn cho tên lửa chiến thuật PrSM lên 1.600km.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện cơ quan này đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng tầm bắn cho vũ khí thuộc chương trình Precision Strike Missile (PrSM) lên hơn gấp ba lần (từ mức 500km hiện tại lên 1600km).

Đạn của PrSM.

Đạn của PrSM.

Để bắn được xa 1.600km, tên lửa PrSM sẽ được trang bị hệ thống động cơ thế hệ mới, nâng cấp hệ thống dẫn đường mà không cần tăng kích thước của tên lửa. Hệ thống động cơ mới co phép tên lửa này có thể phóng được từ nền tảng của những hệ thống pháo phản lực HIMARS hiện có của Mỹ.

"Khi Hiệp ước INF không còn hiệu lực và tên lửa tầm trung không còn bị ràng buộc bởi tầm bắn, chúng tôi có thể tăng tầm cho vũ khí của mình để hoàn thành những nhiệm vụ và thách thức mới", nguồn tin cho biết.

Một khi kế hoạch được hiện thực hóa, Mỹ sẽ sở hữu dòng tên lửa chiến thuật có tầm bắn xa gấp hơn 3 lần hệ thống Iskander-M của Nga.

Hiện Mỹ đã tiến hành một số thử nghiệm thành công với PrSM. Tất cả đều được thực hiện trong năm 2019. Theo kế hoạch, sẽ có thêm 4 cuộc thử nghiệm nữa với PrSM được Mỹ thực hiện trước khi kết thúc năm 2021 nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình.

Nguyên mẫu tên lửa PrSM trong các vụ phóng thử nghiệm đã đạt tầm xa 240km và được xác nhận đạt tầm trên 500km trong các vụ phóng thử sắp tiếp theo. Ở giai đoạn cuối, vũ khí này sẽ được thử sức với tầm bắn tối đa 1.600km.

Hướng phát triển của PrSM sẽ giúp Mỹ có được vũ khí tiến công chiến thuật mới có tính năng tương đương với dòng Iskander-M của Nga nhưng có tầm bắn xa hơn nhiều. Đặc biệt, theo tướng Mỹ John Rafferty, khi chính thức đi vào trang bị, tên lửa PrSM đủ khả năng xuyên thủng hàng phòng thủ tối tân của Nga dù có S-400.

Tên lửa PrSM Mỹ sẽ được sử dụng chủ yếu để chọc thủng hệ thống phòng không của Nga. Trong khi đó ở Thái Bình Dương loại vũ khí này có chức năng chống các tàu chiến của Trung Quốc. Việc phát triển hệ thống PrSM là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của công nghiệp quốc phòng Mỹ.

"Chúng ta phải phát triển các hệ thống vũ khí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Thất bại trong việc phát triển hệ thống tên lửa này sẽ bị các đồng minh đặt câu hỏi về năng lực của Mỹ trong việc đảm bảo cân bằng với sự đe dọa từ phía Nga", vị tướng Mỹ cho biết thêm.

Tuy nhiên, giới quân sự Mỹ cho rằng, tồn tại của PrSM là thiếu phiên bản tên lửa có khả năng tấn công tầm xa tới 2.500km, tương tự như Iskander với biến thể tên lửa hành trình.

Nhưng do học thuyết quân sự của Mỹ khác với Nga, sự thiếu sót của PrSM có thể được bù đắp bởi các loại tên lửa tiến công đường không hay từ chiến hạm.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/prsm-duoc-tang-tam-ban-gap-3-iskander-m-3431423/