Proton: Đằng sau thành công của hãng xe quốc gia Malaysia

Thành lập năm 1983, ra mắt chiếc xe đầu tiên năm 1985, hãng xe Proton đi từ vị trí 'át chủ bài' cho Đề án ô tô quốc gia Malaysia năm 1981, đến vai trò tiên phong trong buổi đầu xây dựng nền công nghiệp ô tô phát triển nhất nhì Đông Nam Á, thậm chí là niềm tự hào, biểu tượng quốc gia nước này.

Video: Câu chuyện thành-bại của hãng xe quốc gia Malaysia Proton

“Trăm điều dễ” từ chính phủ

10 năm đầu rực rỡ và vàng son của Proton bắt đầu vào năm 1983, khi Tập đoàn công nghiệp nặng Malaysia (HICOM) ký hợp tác với hãng Mitsubishi (Nhật Bản). Tháng 6.1985, HICOM rót 405,4 triệu ringgit cho dự án ô tô quốc gia. Đến ngày 1.9.1985, Thủ tướng đương thời ông Mahathir Mohamad, người được gọi là ‘cha đẻ’ của Proton (Perusahaan Otomobil Nasional, tạm dịch là công ty ô tô quốc gia), ‘mở hàng’ với chiếc Proton Saga xanh 1.5S như món quà tặng vợ.

Sự kiện chiếm hẳn một trang của tờ báo lớn nhất Malaysia - New Straits Times, với dòng tít: Proton - Biểu tượng của lòng tự tôn và trích lời của Thủ tướng “Điều này còn hơn cả một chiếc xe”.

Tờ báo lớn nhất Malaysia - New Straits Times đăng tải về hãng xe Proton như một biểu tượng của lòng tự tôn Ảnh: carlist.my/news

Chiếc xe nội địa Malaysia đầu tiên được ra mắt với 47% phụ tùng sản xuất trong nước, so với các hãng xe khác là 35%. Chỉ trong năm đầu, tổng doanh số bán ra của Proton là 70.000 chiếc, chiếm 45% tức ⅔ thị trường Malaysia, thậm chí người muốn mua phải nằm trong danh sách chờ đến 4 tháng.

Dự án ô tô quốc gia là một trong những dự án lớn dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad, bên cạnh việc đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Malaysia thành nước công nghiệp phát triển. Trong đó, họ ưu tiên phát triển hệ thống ngành ô tô, ngành sản xuất mang đến nhiều lợi nhuận, tạo được nhiều công ăn việc làm và sản phẩm cũng đáp ứng yêu cầu người dân.

Họ bắt đầu xây dựng đường sá, đặc biệt là hệ thống cao tốc trong và ngoài các thành phố lớn. Hệ thống cao tốc này nối liền các thành phố, tiểu bang, và thậm chí là hai nước kề bên Thái Lan và Singapore. Bên cạnh đó, là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất châu Á, chính phủ Malaysia trợ giá 10-15% giá bán lẻ xăng dầu cho người dân. Như người bạn đồng nghiệp của tôi hằng ngày đến công ty cả đi và về mất 2 giờ đồng hồ, mỗi tuần tốn 60-70 ringgit (khoảng 350.000 - 400.000 đồng) cho tiền xăng.

Chiếc xe nội địa Malaysia - Proton đầu tiên ra mắt với 47% phụ tùng sản xuất trong nước Ảnh: carlist.my/news

Một trong những chính sách bảo hộ rõ ràng nhất của chính phủ Malaysia chính là thuế. Các nghiên cứu, bài báo về thành công của Proton đều nhắc đến việc miễn trừ gần 40% thuế nhập khẩu các linh kiện và một số thuế nội địa như thuế hàng hóa, thuế gián thu... (dựa vào công suất xe) giúp giá bán ra ban đầu của hãng đã rẻ hơn 10% so thị trường xe có dung tích 1,3 và 1,5 lít. Trong khi đó, các xe nhập khẩu bị đánh thuế 60-300% giá trị xe tùy theo động cơ. Cộng với lãi suất cho vay mua xe nội địa dưới 2-3% từ Ngân hàng Trung ương (Bank Negara), thời hạn dài nhất là 9 năm, tiền cọc khoảng 10% giá, khiến mức chênh lệch giá của Proton so với các hãng xe khác lên đến 20%.

Và nhiều chính sách khác.

Nếu để ý, khi đến Malaysia, chúng ta dễ dàng bắt gặp xe taxi truyền thống màu đỏ hoặc loại cao cấp màu xám nâu đều là những chiếc xe Proton lăn bánh trên các tuyến đường. Theo quy định trước năm 2017, các taxi loại phổ biến nhất (budget taxi) có màu đỏ đều phải sử dụng 3 loại xe của Proton mới được cấp phép hoạt động. Năm 2015, chính phủ tiếp tục ra mắt dịch vụ TEKS1M (taxi 1Malaysia) với mục tiêu cải thiện giao thông quốc gia sử dụng Proton Exora, thậm chí trợ cấp tài xế 5.000 ringgit (tương đương hơn 28 triệu đồng) mua xe và hưởng mức lãi suất mua xe trả góp 2% mỗi năm. Sau đó, công ty mới bổ sung loại Toyota Innova. Cho đến năm 2017, sau sự xuất hiện của những ứng dụng đặt xe, chính phủ đã cho phép tài xế taxi sử dụng mọi loại xe phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng.

Taxi loại phổ biến nhất (budget taxi) có màu đỏ đều phải sử dụng 3 loại xe của Proton mới được cấp phép hoạt động

Lòng tự hào dân tộc

Lòng tự tôn dân tộc cũng là một yếu tố giúp Proton thành công trong những năm đầu. Tác giả Hans Cheong, người từng hoạt động trong ngành xe Malaysia 10 năm và hiện đang chịu trách nhiệm nội dung kênh thông tin ô tô hàng đầu Đông Nam Á iCar Asia, nhớ lại những năm 80 tại Malaysia. Anh kể, không khí những năm đó thật khác khi đâu đâu cũng tự hào về hãng xe quốc gia Proton. Thậm chí bố anh đã hủy đơn hàng chiếc Nissan Sunny 130Y để đặt mua Proton Saga dung tích 1,3 lít vừa ra mắt bởi ông tin Proton xứng đáng nhận được ủng hộ từ người dân Malaysia.

Người dân Malaysia cho đến nay vẫn nhắc đến những đoạn phim của Anh có sự xuất hiện của chiếc xe quốc gia Proton, như trích đoạn Mr.Bean “chơi” gôn được chia sẻ, trên các diễn đàn xe.

Giới tài xế lái taxi Malaysia rất ưa chuộng các mẫu xe của hãng xe nội địa Proton

Ông Lim Yew Chin, tài xế lái taxi bằng chiếc Proton Saga chia sẻ: “Nếu được đổi thì tôi sẽ đổi sang Myvi. Nhưng tôi vẫn thích chiếc Proton này, tôi mua 28.000 ringgit (tương đương hơn 158 triệu đồng), đến nay vẫn tốt không cần sửa xe quá nhiều. Lúc mua tôi có nhiều lựa chọn lắm, nhưng tôi vẫn tin và mua Proton, chưa bao giờ mua Perodua. 3 chiếc xe của tôi đều là Proton. Xe đầu tiên là Wira, tiếp đến Saga đời đầu và bây giờ là Saga đời sau. Tôi vay ngân hàng Trung ương để mua thời hạn 7 năm và mỗi tháng trả tầm 500 ringgit (tương đương khoảng 2,8 triệu đồng) thôi, rẻ lắm.”

Trong năm đầu xuất khẩu sang Anh (1989), Proton đã bán được 10.300 chiếc. Năm 1989, tờ Daily Mail bầu chọn Proton Saga trong tốp 10 xe hơi thông thường tại Anh. Năm 1994, Proton được bộ Nội vụ Anh chọn trở thành nhà sản xuất xe duy nhất không phải từ châu Âu cung cấp xe cho cảnh sát nước này.

Diệp Uyên
(từ Malaysia)

Nguồn Thế Giới Xe: https://xe.thanhnien.vn/kham-pha/proton-dang-sau-thanh-cong-cua-hang-xe-quoc-gia-malaysia-16185.html