PPP - Xu thế tất yếu phát triển hạ tầng và dịch vụ công

Khi vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thì đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, những quy định liên quan đến đấu thầu, các Bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều bất cập, khó khăn do một số quy định chưa phù hợp.

Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thì đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN Khó khăn khi triển khai

Bà Vũ Quỳnh Lê, Cục phó Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau 2 năm thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 về quy định chi tiết một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đánh giá, các dự án PPP 2 năm qua chủ yếu trong giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 khung pháp lý (trước đây là Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

Và những dự án thực hiện theo khung pháp lý mới hầu hết đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án – lập đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư. Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đang dần được triển khai.

Quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng góp phần tăng nguồn thu ngân sách khi giao cho nhà đầu tư thực hiện tại những khu đất có giá trị thương mại cao.

“Khi vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công thì PPP là xu thế tất yếu”, bà Vũ Quỳnh Lê nhấn mạnh. Giai đoạn năm 2016 - 2020 có 598 dự án PPP được đăng ký trong kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng vốn đầu tư khoảng 250.000 tỷ đồng.

Từ góc nhìn của một Bộ đã và đang triển khai nhiều dự án PPP, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban PPP của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, văn bản quy phạm pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều luật khác như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu trong suốt vòng đời một dự án PPP, từ bước chuẩn bị đầu tư đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác dự án, trong khi những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư dự án công.

Bên cạnh những khó khăn trên, vấn đề nguồn lực cho dự án PPP cũng gần như đang bế tắc.

Ngoài Bộ Giao thông Vận tải, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của các bộ, ngành, địa phương gần như không có phân bổ cho phần vốn của nhà nước tham gia vào dự án PPP. Cùng với đó, việc huy động vốn tín dụng thương mại cho dự án PPP lại đang gặp trở ngại vô cùng lớn.

Cần có những giải pháp kịp thời

Mặc dù, Nghị định PPP ra đời nhưng phía nhà nước và tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; việc giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là quản lý phần vốn góp của nhà nước; giám sát và quản lý chất lượng trong quá trình đầu tư, vận hành; các cơ chế ưu đãi, bảo đảm đầu tư.

Đặc biệt, do dừng ở mức Nghị định nên tính ổn định của chính sách không cao và đây là quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật. Ảnh: TTXVN

Đối với các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như: hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao cần phải có vốn góp từ ngân sách nhà nước (từ 30-50%) để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính, tuy nhiên cũng không thể cân đối.

Qua tham vấn các ngân hàng tài trợ, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều yêu cầu nhà nước phải có xác định rõ nguồn cam kết tham gia dự án; đồng thời, có cơ chế cụ thể đối với phần tham gia của nhà nước.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được khoảng 223.670 tỷ đồng để đầu tư 80 dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BOT và BT).

Đến nay, đã hoàn thành 40 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 106.373 tỷ đồng và đang triển khai 40 dự án với tổng mức đầu tư 117.270 tỷ đồng. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ; trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường tín dụng dài hạn trong nước khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn đang ở mức cao. Qua theo dõi, các dự án thu xếp tín dụng mất gần 1 năm; thậm chí có dự án đã ký kết hợp đồng tín dụng nhưng vẫn bị dừng giải ngân, phải thu xếp và đàm phán tín dụng với một ngân hàng khác.

Do vậy, việc vay vốn huy động trong nước của các nhà thầu còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

Ông Vũ Tuấn Anh đề xuất, nhà nước cần mở ra hướng tạo hành lang pháp lý cho các nhà thầu được vay tín dụng dài hạn nước ngoài; đồng thời, kiến nghị trong quá trình duyệt báo cáo tiền khả thi, các cơ quan xét duyệt chỉ cần xem xét đánh giá sơ bộ về tác động đánh giá môi trường của dự án.

"Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tiêu chí thời gian thu phí hoàn vốn làm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, hợp đồng BOT trong trường hợp không có sự tham gia của vốn Nhà nước.” Thứ trưởng Bộ Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đề xuất.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Cường thì cho rằng, hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư của ngân sách tỉnh Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn.

Do đó, sau khi tỉnh lập danh mục dự án theo hình thức công tư sẽ có báo cáo chính thức về chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét.

Ông Cường cũng cho rằng, qua thực tiễn triển khai, nhiều dự án do nhà đầu tư đề xuất vẫn cần vốn đầu tư của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cũng khuyến khích nhà đầu tư chủ động thực hiện đề xuất dự án đối với những dự án có khả năng phát triển theo hình thức PPP, trình nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo quy định; đồng thời, xây dựng cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố Hồ Chí Minh có các chính sách ưu đãi đối với những nhà đầu tư có đề xuất dự án được phê duyệt, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức PPP.

Sở cũng sẽ nghiên cứu, thiết lập một phương án hiệu quả trong việc đánh giá đề xuất dự án do nhà đầu tư trình nộp, tạo sự công bằng, minh bạch trong thu hút PPP…/.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ppp-xu-the-tat-yeu-phat-trien-ha-tang-va-dich-vu-cong/45251.html