PPP là chìa khóa của nông nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, năm nay, dự kiến ngành nông nghiệp sẽ xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Nếu làm tốt theo chuỗi từ vùng nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ, xâu chuỗi lại từ người nông dân đến các doanh nghiệp và tập đoàn thì giá trị xuất khẩu còn tiếp tục tăng lên nhiều lần so với hiện nay.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

“Do đó, không có con đường nào khác là PPP. Đây là một trong những chìa khóa, một trong những giải pháp căn cơ nhất nhằm thực hiện tầm nhìn kép cũng như tầm nhìn quốc gia bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018 - sự kiện quan trọng thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bình quân trên thế giới là 15% thu nhập, do đó đây là một trong những cơ hội. Phương thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư là một trong những phương thức đầu tư hiệu quả nhằm thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện được mục tiêu bền vững quốc gia về nông nghiệp.

Qua 7 nhóm ngành hàng đang triển khai theo hình thức hợp tác công tư cho thấy, có nhiều nhóm ngành hàng làm tốt nhưng có những nhóm chưa đạt được hiệu quả. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải tổng kết lại nhân thành các điển hình, từng nhóm ngành hàng chúng ta sẽ mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Sáng kiến Tăng trưởng châu Á là sự kết nối và tạo dựng đối tác nhiều bên để hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN thực hiện mục tiêu đề ra trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2030.

Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công tư (PPP).

“Việt Nam coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn.

Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao vai trò chủ thể của nông dân cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là trung tâm, không chỉ tổ chức sản xuất, tạo dịch vụ đầu vào, chế biến, bảo quản nhưng đồng thời tổ chức thị trường, tiêu thụ sản phẩm - một yêu cầu quyết định thành công. Đặc biệt, doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh - những nhân tố quyết định sự phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/ppp-la-chia-khoa-cua-nong-nghiep-viet-nam-44563