POW đang tạo được 'trend' tăng ngắn hạn tích cực

4/5 phiên giảm gần nhất của cổ phiếu POW - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam liệu có phải dấu hiệu tiêu cực nhà đầu tư cần lưu ý?

Ảnh minh họa.

Thiết lập kênh tăng giá từ tháng 9/2019

Tuần vừa qua, POW có 4/5 phiên giảm giá dù VN-Index vẫn tăng điểm sau khi vượt ngưỡng 1.000 điểm trước đó. Đây có thể là những biểu hiện bất thường khi tâm lý thị trường chung rõ ràng đang khởi sắc hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu xét vào kênh giá tăng mà POW đã thiết lập được kể từ tháng 9/2019 thì dường như kịch bản tiêu cực vẫn chưa thực sự là điều nhà đầu tư phải lo lắng.

Sau khi thiết lập mô hình 2 đáy, giá cổ phiếu POW đã luôn đi lên với đáy sau thường cao hơn đáy trước. Cuối tháng 10 vừa qua, POW cũng đã có lúc để gãy mất xu hướng khi rơi xuống mức 12.900 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó vẫn có tiền vào và kéo POW trở lại ấn tượng.

Vì vậy, 4 phiên giảm giá tuần qua của POW là những phản ứng được "cho phép". Chừng nào POW chưa xuyên thủng hẳn khỏi ngưỡng 13.500 đồng/cổ phiếu, khả năng đi xa vẫn còn ở phía trước. Triển vọng ngắn hạn cho giá cổ phiếu POW trong thời gian tới có thể chính là đường MA200 ở vùng giá 14.500 đồng/cổ phiếu.

POW vẫn là một cổ phiếu có triển vọng kinh doanh dài hạn tích cực

Bỏ qua những diễn biến mang tính đầu cơ của dòng tiền ngắn hạn, POW vẫn là một cổ phiếu có thực lực trong ngành cũng như trên sàn chứng khoán.

Hiện POW được biết đến là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau EVN với công suất lắp đặt khoảng 4,2GW, chiếm gần 9% trong tổng công suất nguồn của hệ thống. Sản lượng điện thực tế của POW trong năm 2018 đạt tới 21 tỷ kWh, tương ứng với gần 11% tổng sản lượng điện thương phẩm của cả nước.

Mảng nhiệt điện khí chiếm tỷ trọng lớn nhất với 64% tổng công suất, phần còn lại bao gồm mảng nhiệt điện than (30%) và thủy điện (6%). Trong danh mục nhà máy điện của POW, cả 4 nhà máy điện khí hiện tại với tổng công suất 2.700 MW đều được đặt ở miền Nam, trong đó các nhà máy Nhơn Trạch 1&2 đặt ở tỉnh Đồng Nai, còn cụm nhà máy Cà Mau 1&2 nằm ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Ở mảng thủy điện, hai nhà máy chính là Hủa Na (Nghệ An) và Đăkđrinh (Quảng Ngãi) nằm ở miền Trung. Trong khi đó, nhà máy điện than duy nhất là Vũng Áng 1 (1.200 MW) được đặt ở Hà Tĩnh và đấu nối vào đường dây 500 kV truyền tải điện Bắc – Nam.

CTCK HSC đánh giá lợi thế của POW là có các nhà máy mới với công nghệ hiện đại đảm bảo cho hoạt động vận hành ổn định. Cả 4 nhà máy điện khí của POW hiện nay mới hoạt động được từ 8 – 11 năm và sử dụng tuabin khí chu trình hỗn hợp thế hệ mới của những nhà sản xuất thiết bị hàng đầu như Siemen và Alstom. Suất tiêu hao khí của các nhà máy Nhơn Trạch 2 vào khoảng 6.900 – 7.000 BTU/kWh, còn của nhà máy Nhơn Trạch 1 và Cà Mau 1&2 là khoảng 7.200 – 7.400 BTU/kWh. Mức tiêu hao nhiên liệu này tương đối cạnh tranh so với mức bình quân 7.400 – 7.600 BTU/kWh của nhiệt điện Bà Rịa và các nhà máy ở cụm Phú Mỹ. Bên cạnh đó, nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 đi vào vận hành từ năm năm 2014 – 2015 cũng sử dụng tuabin và máy phát của Toshiba, Nhật Bản, và nồi hơi của Babcock & Wilcox Beijing, Trung Quốc.

100% sản lượng các nhà máy của POW đều bán cho EVN, trong đó ngoại trừ nhà máy Cà Mau 1&2 và thủy điện Nậm Cắt bán 100% sản lượng theo hợp đồng thì các nhà máy còn lại đều tham gia bán trên thị trường điện cạnh tranh.

Trong dài hạn, triển vọng kinh doanh của POW vẫn tích cực khi ngành điện thiếu điện và nguồn phát điện chính sẽ là nhóm nhiệt điện, trong đó điện khí có lợi thế để phát triển do điện than ảnh hưởng tới môi trường.

Dự án mới mở rộng công suất – POW đã được Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Hai nhà máy mới này có tổng công suất là 1.500 MW; sử dụng LNG làm nhiên liệu. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho 2 nhà máy này là 1,4 tỷ USD. Dự kiến 2 nhà máy sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023, nâng thêm 9.000 triệu kWh sản lượng điện cho POW, tăng khoảng 40% so với hiện tại.

Trước mắt, sản lượng và giá bán của POW sẽ tăng lên do EVN sẽ tăng mua điện từ các nhà máy nhiệt điện để bù vào phần thiếu hụt sản lượng từ các nhà máy thủy điện (Do hiện tượng El Nino khiến lượng mưa giảm và thời tiết khô hạn hơn ở khu vực viễn tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, EVN ước tính sản lượng thủy điện sẽ giảm khoảng 20%)

Cùng với đó, động lực tăng trưởng đến từ việc một số nhà máy điện hết khấu hao. Cụ thể, khi nhà máy Cà Mau 2 hết khấu hao máy móc từ Quý I/2018 và Cà Mau 1 hết khấu hao từ Quý III/2018, chi phí khấu hao của POW trong năm 2018 đã giảm 396 tỷ đồng so với cùng kỳ. Năm 2019 dự kiến chi phí khấu hao của cụm nhà máy này sẽ giảm tiếp khoảng 580 tỷ đồng. Trong khi đó, máy móc của nhà máy Nhơn Trạch 1 cũng sẽ hết khấu hao trong quý III/2019, giúp chi phí khấu hao của nhà máy này giảm khoảng 130 tỷ đồng trong năm 2019 và giảm thêm khoảng 260 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong những năm tiếp theo, HSC ước tính nhà máy Nhơn Trạch 2 và Vũng Áng 1 sẽ hết khấu hao từ 2025 trở đi. Với LNTT năm 2018 khoảng 2.200 tỷ, việc chi phí khấu hao giảm mạnh dự kiến sẽ có đóng góp lớn vào KQKD của POW.

HSC dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ 2019 và 2020 là 2.430 - 2.722 tỷ, tương đương EPS là 1.037 - 1.162đ/cp.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/co-phieu-noi-bat-tuan-pow-dang-tao-duoc-trend-tang-ngan-han-tich-cuc-3526898.html