Port Royal: Thiên đường đời thật của cướp biển Caribe

Phần lớn người hâm mộ của 'Cướp biển vùng Caribe' đều biết, Port Royal (Jamaica) là bối cảnh phim.

Nửa cuối thế kỷ XVII, Port Royal đầy rẫy hải tặc được cấp quyền công dân.

Nửa cuối thế kỷ XVII, Port Royal đầy rẫy hải tặc được cấp quyền công dân.

Cứ trong 4 ngôi nhà ở Port Royal thì có 1 căn là quầy bar hoặc nhà thổ.

Động đất và sóng thần hủy diệt Port Royal, kết thúc kỷ nguyên “thiên đường hải tặc”.

Tuy nhiên, khác với thiết lập đã được điện ảnh lãng mạn hóa, “thế giới tự do triệt để” này “huy hoàng” theo chiều hướng khác. Nó đáng ghét đến nỗi, khi bị động đất và sóng thần nhấn chìm vào năm 1692, ai nấy đều cảm tạ thánh thần.

Hợp pháp hóa hải tặc

Port Royal nằm cuối Palisadoes, cửa cảng Kingston, Đông Nam Jamaica (quốc gia Caribe). Theo khám phá khảo cổ, dân tộc đầu tiên định cư trên mảnh đất này là Taino (bản địa châu Mỹ). Họ sống bằng hái lượm và đánh bắt cá, gọi Port Royal là Caguay hoặc Caguaya.

Năm 1494, thực dân Tây Ban Nha đổ bộ lên Caguay, tàn sát người Taino. Năm 1509, họ đưa dân Tây Ban Nha đến thế chỗ, khai thác nông nghiệp (chủ yếu trồng mía).

Vì nằm trên vị trí chiến lược, liên kết các tuyến thương mại đường biển Caribe, Caguay bị Tây Ban Nha độc chiếm suốt 146 năm. Năm 1655, thực dân Anh xâm lược Caguay, đánh bật Tây Ban Nha và đổi tên nơi này thành Port Royal.

Nhờ sở hữu bến cảng và vịnh nước sâu, Port Royal nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại. Tây Ban Nha tiếc rẻ, âm mưu chiếm đoạt lại. Anh thì sợ mất Port Royal, bằng mọi cách duy trì quyền đô hộ.

Cuối cùng, họ nghĩ ra giải pháp “vẹn cả đôi đường” là cho phép hải tặc lộng hành, bằng cách cấp quyền công dân và hủy bỏ tội trạng cướp bóc nếu bị đưa ra tòa.

Dưới sự bảo trợ của Anh, hải tặc ở Port Royal tha hồ tấn công, cướp bóc tàu thuyền của Tây Ban Nha. Đánh hơi được lợi ích, những tên cướp biển khắp nơi thi nhau nhào tới đây. Rất nhanh, chúng lấp đầy Port Royal.

Hải tặc thành công nhất Port Royal là Henry Morgan (1635 – 1688). Tận dụng sự hậu thuẫn của Anh, y lột xác thành “công dân gương mẫu” và cuối cùng trèo lên đến chức Phó Thống đốc Jamaica.

Thiên đường ăn chơi

Cứ trong 4 ngôi nhà ở Port Royal thì có 1 căn là quầy bar hoặc nhà thổ.

Với cư dân đa phần là cướp biển, Port Royal giàu nhanh khủng khiếp. Nhờ nguồn chiến lợi phẩm “bền vững”, nơi đây xuất hiện quán bar (quầy rượu) và nhà thổ.

Thập niên 1660, cứ trong 4 ngôi nhà ở Port Royal thì có 1 căn là nhà thổ hoặc quán bar. Ngày nào cũng như ngày nào, các hải tặc điên cuồng chi tiêu đến cháy túi cho rượu bia và phụ nữ. Nhiều kẻ thừa thãi tiền đến nỗi mua rượu xếp đầy vỉa hè, lôi kéo và bắt ép người đi ngang uống.

“Rượu và đàn bà rút ruột toàn bộ tiền bạc của đám cướp biển, đến mức biến họ thành ăn mày”, tư liệu về Port Royal ghi chép lại.

Trên mặt kinh tế, “thương mại cưỡng bức” phát triển mạnh. Các thương gia trắng trợn ép mua ép bán với người Tây Ban Nha, thuê hoặc tài trợ cướp biển bóc lột các thị trấn ven biển.

Nhờ thương mại cưỡng bức, Port Royal càng giàu nhanh, trở thành lãnh thổ hải ngoại thịnh vượng nhất của Anh quốc.

Thập niên 1670, nó khét tiếng “Sodom của Tân Thế Giới”, đâu đâu cũng chỉ toàn cướp biển, gái làng chơi, kẻ trác táng... Không người lương thiện nào lại muốn đặt chân vào Port Royal. Khắp nơi, người ta ngán ngẩm và kinh sợ, đặt cho nó biệt danh “thành phố đồi bại nhất quả đất”.

Thảm họa và tàn lụi

Động đất và sóng thần hủy diệt Port Royal, kết thúc kỷ nguyên “thiên đường hải tặc”.

Ngày 7/6/1692, trận động đất ước tính 7,5 độ richter đã xảy ra tại Port Royal. Phần lớn khu tập trung ăn chơi của hải tặc được xây trên cát, lập tức bị xé nát. Từ trong lòng đất, các rãnh sâu xuất hiện, phun trào nước và nuốt chửng đường sá, nhà cửa, con người. Cuối cùng, sóng thần ập xuống, nhấn chìm tất cả.

Sau thảm họa, khoảng 33 mẫu Anh của Port Royal biến mất, 4/5 pháo đài bị phá hủy hoặc chìm, 2 nghìn người thiệt mạng. Nghĩa trang Port Royal cũng bị nước biển thôn tính, hài cốt cũ lẫn lộn với xác chết mới, trôi nổi đầy mặt nước.

Trước khi rung chấn ngừng lại, những tên cướp biển sống sót đã điên cuồng cướp bóc. Chúng vơ vét mọi thứ có thể, mặc kệ tiếng kêu khóc và bóng thần chết lởn vởn ngay trên đầu. Tin tức “Sodom của Tân Thế Giới” sụp đổ lan truyền rộng rãi. Nhiều người đồn đại, “đó là sự trừng phạt từ Chúa trời”.

Dù bị tàn phá nặng nề, “thiên đường đồi bại” không biến mất ngay. Suốt 50 năm kế tiếp, nó vẫn là điểm đến của những tên cướp biển. Thực dân Anh tiếp tục bảo trợ, khuyến khích chúng tấn công, cướp bóc tàu thuyền và thuộc địa Tây Ban Nha.

Có điều, thời “hoàng kim” của Port Royal đã không quay trở lại. Thực dân Anh dần từ bỏ, chuyển sang xây dựng “Port Royal thứ 2” ở Kingston, cảng biển to rộng hơn và cũng trên bờ biển Đông Nam Jamaica.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Kingston đặt dấu chấm hết cho Port Royal. Ngày nay, nó chỉ còn là làng chài nhỏ bé, nghèo nàn. Tài sản giá trị nhất của Port Royal có lẽ là tàn tích “thiên đường đồi bại” đang ngủ yên dưới đáy biển.

Nhờ thời gian chưa quá dài và nước biển, nó được bảo quản gần như nguyên vẹn, cho phép giới nghiên cứu, khảo cổ tìm hiểu, phác họa bức tranh đầy đủ về cuộc sống hải tặc hợp pháp thế kỷ XVII vùng Caribe.

Theo Ancient-origins

Thy An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/port-royal-thien-duong-doi-that-cua-cuop-bien-caribe-post598576.html