Pơ-lang ơi pơ-lang...

"Tây Nguyên ơi hoa rừng bao nhiêu thứ. Cánh hoa nào đẹp nhất rừng. Tây Nguyên ơi anh có nhớ buôn làng, nhớ người con gái. Nhớ cánh hoa pơ-lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên"... Có phải ca từ trong bài hát "Em là hoa pơ-lang" của nhạc sĩ Đức Minh tạo cảm xúc hay là bạn tôi, Trần Tuấn, có sự đồng điệu trong cảm nhận hình ảnh những cô gái Tây Nguyên rực rỡ, tươi thắm... mà trong đợt thực tập về Dliê Giang (H. EaH'Leo, Đắk Lắk) năm 1989 đã cảm tác nên những câu thơ rất "đẹp":

Đoàn nghệ thuật tỉnh Gia Lai tái hiện câu chuyện tình mang tên hoa pơ- lang.

Đoàn nghệ thuật tỉnh Gia Lai tái hiện câu chuyện tình mang tên hoa pơ- lang.

* Cây pơ-lang thuộc họ gạo, hoa màu đỏ rực kết thành chùm và có đặc điểm là nở trước khi ra lá. Pơ-lang còn có nhiều tên gọi khác là hoa gạo (cách gọi của người Việt) hay hoa mộc miên (cách gọi của người Hoa).

Pơ-lang ơi Pơ- lang.../cần rượu em trao anh/ nhận rồi không được bỏ/ cần cong như cánh nỏ/ cần cong như vầng trăng/ cần cong vòng tay em/ điệu múa say như rượu/ tiếng ca ngọt như suối/ anh say đến hai lần...?.

Dliê Giang khi ấy được coi là cái nôi của thi ca Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, con người ngoan cường trước thiên nhiên hoang dã... Dliê Giang có 2 cô gái đẹp như hoa khôi Tây Nguyên tên H'Chrai, H'Vút là cốt cán của đoàn ca múa nhạc tỉnh. Dliê Giang cũng là nơi chàng nhạc sĩ tài hoa Y Phôn và nghệ sĩ nhân dân Y Moan tìm về sáng tác, tìm nguồn cảm hứng... Dliê Giang cũng lắm hoa, nào dã quỳ, cà-phê, muồng và bao loài hoa dại khác. Nhưng, nếu cây Kơ- nia vươn cao lên bầu trời khoáng đạt được tôn làm hình tượng của người Tây Nguyên thì pơ- lang đầy tươi thắm, hoang sơ được chọn làm biểu trưng cho những cô gái vùng đất bazan. Có lẽ, có thể vì thế mà Đức Minh, mà chàng sinh viên Trần Tuấn đều thốt lên: Pơ-lang ơi...

Qua bao chuyến về Tây Nguyên, tôi đoan chắc rằng, ý nhạc lời thơ về "nàng" Pơ- lang không thể thiếu truyền thuyết về loài hoa này. Chuyện rằng: Thuở xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết và trong ngày vui khi nhà chàng trai mang lễ vật sang cầu hôn nhà cô gái thì bất ngờ có cơn mưa lớn cuốn trôi đi tất cả khiến việc nên duyên của đôi trẻ không thành. Quá uất ức, họ cùng dựng cây nêu để chàng trai lên trời tìm Yàng hỏi rõ nguyên cớ. Trước khi đi, chàng buộc vào tay cô gái một dải lụa đỏ thay lời thề nguyện sẽ nhất định trở về bên cô. Đáng tiếc thay, sau khi lên gặp được Yàng, vì thấy sự tài năng và đức độ của chàng trai, Yàng đã giữ chàng ở lại làm thần. Và kể từ đó chàng trai không bao giờ được trở lại hạ giới để gặp cô gái nữa. Ở nhà, cô gái hàng ngày mong ngóng nhưng bóng dáng người thương vẫn biền biệt. Quá đau buồn, cô tìm đến cây nêu năm xưa, quyết tâm đi lên trời tìm gặp người yêu, nhưng cây nêu cao quá, đường lên trời lại xa thăm thẳm, cô thì mỏng manh lực kiệt. Cuối cùng, cô chết đi, hóa thân thành loài cây bên cạnh cây nêu và dải lụa đỏ trên tay cô đã hóa thành những bông hoa pơ- lang rực rỡ tươi thắm...

Có phải bắt nguồn từ câu chuyện tình mang màu sắc huyền thoại kia mà từ đó pơ-lang đã gắn liền với lễ hội, đời sống của người Tây Nguyên một cách khăng khít. Hàng năm, trong các dịp tổ chức lễ hội, đồng bào thường dựng cây nêu giữa sân nhà rông và luôn trồng bên cạnh một cây pơ-lang non. Kết thúc lễ hội, cây pơ-lang non đó sẽ được di dời trồng sang một vị trí khác. Theo quan niệm, cây pơ-lang non đó nếu phát triển tốt tươi thì chắc chắn những lời nguyện cầu của dân làng năm đó sẽ thành hiện thực.

Năm 2018 tỉnh Kon Tum tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ 4, với Lễ hội "Sắc thắm pơ-lang", có sự tham gia của các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang và một số tỉnh của Lào, Campuchia, Thái Lan... Lễ hội có 9 hoạt động, thì có hoạt động giới thiệu 2 tuyến du lịch mới là chinh phục đỉnh Ngọc Linh gắn với vườn sâm Ngọc Linh và tuyến du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray (H. Sa Thầy), nơi vẫn còn một vùng rừng rực đỏ hoa pơ-lang. Với lễ hội "Sắc thắm pơ-lang", Kon Tum cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang cố gắng giữ gìn, nâng niu một loài hoa đỏ rực rỡ, thân thiện và chất chứa sự hoang dã, kiêu sa khoe sắc dưới nắng vàng mỗi dịp xuân sang...

T.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_218916_po-lang-oi-po-lang.aspx