PMI giảm xuống 51,5 điểm, Việt Nam lùi về vị trí thứ hai trong ASEAN

Đà tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam trong tháng cuối của quý 3 đã tiếp tục chậm lại với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng yếu hơn, trong khi các công ty chấp nhận giảm giá để cố gắng thu hút khách hàng.

Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều có mức tăng chậm trong tháng 9. Ảnh: N.Hiền

Ngày 1/10, Nikkei công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất. Theo đó, PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 53,7 điểm trong tháng 8 xuống còn 51,5 điểm trong tháng 9. Tốc độ cải thiện sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã chậm lại trong suốt 3 tháng qua.

Nhân tố chính làm giảm chỉ số PMI trong tháng 9 là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn. Sản lượng ngành sản xuất có tốc độ tăng yếu nhất kể từ tháng 3/2018. Tình trạng này cũng xảy ra với số lượng đơn đặt hàng mới.

Một khía cạnh tích cực hơn là mức độ tự tin trong kinh doanh đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục của tháng 8. Các kế hoạch phát triển của công ty và kỳ vọng tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho tinh thần lạc quan về sản lượng tăng trong năm tới.

Mặc dù giá cả đầu vào tiếp tục tăng vào cuối quý ba, song tốc độ tăng đã chậm lại và là yếu hơn so với trung bình của lịch sử chỉ số. Mức tăng chi phí chậm hơn đã giúp các công ty giảm giá cả đầu ra, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài một năm vừa qua. Theo những người trả lời khảo sát, những nỗ lực bảo đảm doanh thu trong bối cảnh các điều kiện thị trường cạnh tranh là nguyên nhân dẫn đến giảm giá đầu ra.

Các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng phù hợp với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, nhưng mức độ gia tăng chỉ ở mức thấp. Tốc độ tăng tồn kho hàng mua cũng chậm lại. Trong khi đó, tồn kho hàng hóa thành phẩm đã giảm lần đầu tiên trong ba tháng qua.

Với việc giảm xuống 51,5 điểm trong tháng 9, Việt Nam đã lùi về vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 9, bằng với Malaysia. Thay thế Việt Nam ở vị trí đứng đầu là Philippines với các điều kiện hoạt động cải thiện nhanh hơn một chút.

Chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN cũng giảm từ 51 điểm trong tháng 8 xuống 50,5 điểm trong tháng 9.

Khảo sát của tháng 9 cho thấy nhu cầu khách hàng giảm. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn so với tháng 8. Nhu cầu yếu đi làm cho sản lượng trong tháng 9 tăng chậm nhất trong 6 tháng qua. Cả khu vực ASEAN vẫn phải chịu áp lực lớn về chi phí. Giá cả đầu vào tăng nhanh hơn và là mức tăng nhanh nhất trong gần một năm rưỡi qua.

Sáu trong bảy quốc gia được khảo sát tiếp tục báo cáo gánh nặng chi phí tăng vào cuối quý 3. Thái Lan là quốc gia duy nhất có chi phí đầu vào giảm. Myanmar tiếp tục có tốc độ lạm phát mạnh nhất và trở thành mức cao mới của lịch sử khảo sát trong bối cảnh đồng kyat chịu áp lực giảm giá. Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore đều báo cáo chi phí đầu vào tăng nhanh hơn.

Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở dữ liệu thu thập hàng tháng từ các bảng trả lời câu hỏi khảo sát của các nhà quản trị mua hàng ở hơn 400 doanh nghiệp công nghiệp. Lĩnh vực sản xuất được chia thành 8 ngành chính: Kim loại cơ bản, hóa chất và nhựa, điện tử và quang học, thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tạo, dệt may, gỗ và giấy, vận tải.

Chỉ số PMI của ASEAN được tổng hợp dựa trên dữ liệu khảo sát từ khoảng 2.100 công ty sản xuất. Dữ liệu quốc gia được thu thập cho Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippine,s Thái lan và Việt Nam. Tổng hợp lại, những quốc gia này chiếm tới khoảng 98% hoạt động sản xuất của ASEAN.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/pmi-giam-xuong-515-diem-viet-nam-lui-ve-vi-tri-thu-hai-trong-asean.aspx