PKĐY Nguyễn Thị Hường: 'Cáo mượn danh hùm' và trách nhiệm của chủ cơ sở?

Vừa qua, các cơ quan truyền thông, báo chí đã 'phanh phui' những chiêu trò 'truyền thông bẩn' liên quan đến PKĐY Nguyễn Thị Hường (Hà Nội). Vậy, ai là người thực sự 'đứng mũi chịu sào' trong cơ sở Y tế này.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền một clip giả mạo Đài truyền hình Việt Nam để “tung hô” Nguyễn Thị Hường - một vị “thần y” chữa khỏi hoàn toàn bệnh gout, đang làm việc tại Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường (thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội).

Không những vậy, trong buổi làm việc ngày 24/12/2018 với phòng khám trên về việc mạo danh Đài truyền hình quốc gia, Nguyễn Thị Hường người được nhắc đến trong phóng sự giả, đồng thời cũng là người giúp việc của phòng khám cùng ekip thực hiện những phóng sự giả mạo Đài truyền hình Việt Nam đã “dàn cảnh” và có hành vi lăng mạ, vu khống PV nhằm cản trở cơ quan báo chí tác nghiệp đúng pháp luật.

Bác sỹ Nguyễn Thị Dung, chủ PKĐY Nguyễn Thị Hường

“Treo đầu dê bán thịt chó” hay lừa đảo?

Sau khi loạt bài viết vạch trần những chiêu trò “truyền thông bẩn” về Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường được đăng tải, một điều lạ được rất nhiều bạn đọc quan tâm là tại sao Phòng khám này được đặt theo tên bà Nguyễn Thị Hường (một người giúp việc của phòng khám), trong khi người chịu trách nhiệm chuyên môn, pháp lý đồng thời cũng là chủ cơ sở này lại là bác sỹ Nguyễn Thị Dung?

Theo thông tin tìm hiểu của PV, bác sỹ Nguyễn Thị Dung hiện đang công tác tại Khoa Y học Cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ. Và để trả lời cho câu hỏi trên, PV đã liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ nơi bác sĩ Nguyễn Thị Dung làm việc.

Trong buổi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, có sự góp mặt của bác sỹ Đặng Trần Chiến (Giám đốc Bệnh viện) và bác sỹ Nguyễn Đình Kiệp (Trưởng phòng tổ chức). Tại buổi làm việc này, bà Nguyễn Thị Dung tỏ rõ sự lo lắng, sợ sệt khi thừa nhận những sai phạm liên quan đến Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường – nơi bà phải chịu mọi trách nhiệm về mặt pháp lý đã được báo chí gần đây phanh phui chỉ rõ.

Bà Nguyễn Thị Hường (áo vàng) thản nhiên thăm khám cho bệnh nhân như bác sỹ chuyên môn

Trao đổi với PV, bà Dung đã thừa nhận: Bà đã “kết hợp” với bà Nguyễn Thị Hường để mở phòng khám này từ năm 2015. Bà Dung giải thích, sở dĩ phòng khám này được đặt theo tên bà Hường là do bà Hường có kinh nghiệm về bài thuốc gia truyền chữa bệnh gout. Thế nhưng, chính bà Dung cũng khẳng định ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa ghi nhận được trường hợp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh gout.

Bên cạnh đó, bà Dung cũng thừa nhận từ trước đến nay “thần y” Nguyễn Thị Hường chỉ là giúp việc tại phòng khám và không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn thăm khám, chữa bệnh, bốc thuốc khi không có mặt bà Dung. Bao biện cho việc này, bà Dung đã nhận trách nhiệm “sơ suất” khi để sự việc đáng tiếc nêu trên.

Một “sơ suất” như lời bà Dung nói liên quan trực tiếp đến quyền lợi, sinh mệnh của bệnh nhân và kéo dài đến 3 năm. Việc này đối với những bệnh nhân với hy vọng khỏi bệnh đã phải “qua tay” vị “thần y dởm” Nguyễn Thị Hường là không thể chấp nhận được.

Khi PV nhắc đến những phóng sự giả mạo Đài truyền hình Quốc gia được thực hiện tại Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường, bà Dung đã đẩy trách nhiệm sang phía Công ty Cổ phần Time Today Việt Nam với những lý do hết sức vô lý để “chống chế” cho sai phạm của mình: “Cơ sở thuê công ty để làm phóng sự nhưng việc gắn logo VTV là do bên quảng cáo, chứ bên cơ cở không liên quan...Việc liên hệ quảng cáo cũng là do em Hường thực hiện”.

Về vấn đề này, chúng tôi xin nhắc lại, ông Nguyễn Phúc Sơn - Giám đốc Công ty Time Today Việt Nam, với lý do tương tự cũng đã “thoái thác” trách nhiệm khi đổ lỗi cho cấp dưới. Ông Sơn cho biết là do bản thân đã lơ là quản lý, để cho phụ trách bộ phận marketing tự ý sử dụng phần mềm dựng phim gắn logo VTV vào trong các phóng sự tung hô “thần y” Nguyễn Thị Hường.

Câu trả lời của hai bên liên quan khiến bạn đọc không khỏi nghi ngờ, liệu rằng quả bóng trách nhiệm có đang bị ‘đá qua đá lại’. Ai là người chịu trách nhiệm cho hành vi có dấu hiệu lừa đảo khi hàng ngàn bệnh nhân tin tưởng theo phóng sự ‘dởm’ và tốn số tiền không nhỏ vào bài thuốc được cho là “bài thuốc gia truyền”, chữa khỏi bệnh gout.

Khi được hỏi những vấn đề liên quan đến việc ngày 24/12/2018, Phòng Y tế huyện Mỹ Đức liên hệ làm việc với Phòng khám, và việc PV bị đe dọa, uy hiếp và vu khống tại cơ sở, bà Dung đều tỏ ra “ngơ ngác” và khẳng định từ 24/12/2018 trở về trước Phòng Y tế huyện Mỹ Đức chưa lần nào liên hệ với bà. Bà Dung nghi ngờ: “chắc là các cơ quan chức năng liên hệ với em Hường”.

“Nước mắt cá sấu” hay những lời ăn năn?

Chốt lại vấn đề, trước sự chứng kiến của cấp trên (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ - Ông Đặng Trần Chiến), bà Dung khóc lóc rồi quay sang xin lỗi PV và mong các cơ quan chức năng bỏ qua những sai phạm của phòng khám vì Nguyễn Thị Hường là người “trẻ người non dạ”.

“Với phương diện em là người chịu trách nhiệm, em Hường là người trẻ tuổi nhiều khi em ấy có những hành xử không đúng thì em thực sự xin lỗi, mong các anh chị bỏ qua. Để cho em về nói lại em ấy cho em ấy sửa sai...Về việc chữa bệnh thì em sẽ làm việc với em ấy, sai chỗ nào em sẽ yêu cầu em ấy sửa chữa luôn. Rất mong anh chị bỏ qua cho em, cái này sơ xuất lỗi là ở em không quản lý được sát sao...Em nó đã sai với anh chị rất là nhiều như thế. Các anh chị nói là em biết, chứ thực ra từ trước đến nay em chưa nghe được thông tin gì để xử lý kịp thời..”, bà Dung khóc lóc kể khổ.

Theo những gì bà Dung trao đổi thì liệu rằng bà Nguyễn Thị Hường đang “cáo mượn oai hùm” mà “vượt quyền” bác sĩ Dung? Hay bà Dung dù là chủ cơ sở, bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn nhưng đã lơ là, vô trách nhiệm trong việc quản lý lẫn khám chữa bệnh?

Và phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy bác sĩ Nguyễn Thị Dung đã cho vị ‘‘lương y’’ tự phong Nguyễn Thị Hường ‘‘thuê bằng’’ – một phương thức lách luật, lừa đảo bệnh nhân nhằm mục đích trục lợi?

Câu trả lời xin nhường lại cho Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (nơi bác sĩ Nguyễn Thị Dung công tác) và các cơ quan chức năng có liên quan. Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ những nghi vấn sai phạm trên tại Phòng khám Đông y Nguyễn Thị Hường, tránh để bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới ban đọc.

PV

Việc người có tiềm lực tài chính đứng ra mở phòng khám tư và thuê bằng của người khác, người có bằng mang cho thuê chỉ nhằm lợi ích kinh tế, không chú ý công tác chuyên môn không còn là điều xa lạ. Điều này tác hại khôn lường bởi không loại trừ trường hợp chủ phòng khám cho một người không có bằng bác sĩ, không có chuyên môn đứng ra khám và điều trị cho bệnh nhân.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/pkdy-nguyen-thi-huong-cao-muon-danh-hum-va-trach-nhiem-cua-chu-co-so-56420.htm