'Cánh tay phải' của Hiddink nói về thế mạnh của HLV Park Hang-seo

17 năm sau kỳ tích World Cup 2002, ký ức về Guus Hiddink, Park Hang-seo và đội tuyển Hàn Quốc vẫn sống mãi cùng HLV Pim Verbeek.

World Cup 2002 chứng kiến chiến công phi thường của bóng đá Hàn Quốc khi họ trở thành đội châu Á đầu tiên trong lịch sử vào tới vòng bán kết. Bên cạnh Guus Hiddink lúc ấy, Pim Verbeek và Park Hang-seo là những người cộng sự thân thiết.

17 năm sau ngày đó, họ gặp lại nhau trên đất UAE. Một người là HLV trưởng tuyển Việt Nam, người kia dẫn dắt tuyển Oman. Xứng danh trợ lý của Hiddink, họ đều giúp đội bóng của mình vượt qua vòng bảng và khiến châu Á phải tôn trọng.

Gặp ông Pim Verbeek tại UAE là việc vô cùng khó khăn, bởi các đội tuyển đều từ chối báo giới nhằm tập trung cho giải đấu quan trọng. Khi Zing.vn nói về Park Hang-seo, truyền thông của đội Oman báo lại: ông Verbeek lập tức đồng ý.

Từ đó, câu chuyện của họ, ký ức về Park Hang-seo tại World Cup 2002 dần được mở ra.

- Cơ duyên nào đã đưa ông đến với Guus Hiddink và đội tuyển Hàn Quốc tại World Cup 2002?

- Khi ông ấy nhận được lời mời của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc để dẫn dắt đội tuyển tham dự World Cup hồi năm 2001, tôi đã có thời gian làm việc ở Nhật Bản. Tôi đã quen thuộc với tính cách của người Á Đông, từng xem 5 tuyển thủ Hàn Quốc chơi bóng tại Nhật Bản.

Trước khi Hiddink ký hợp đồng, chúng tôi có gặp nhau. Ông ấy hỏi tôi về tính tình, phong cách bóng đá của người Hàn Quốc. Tôi nói rằng làm việc tại World Cup sẽ là cơ hội tuyệt vời, nhất là khi ông ấy có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ và các CLB Hàn Quốc. Tôi nghĩ đó là thách thức lớn, nhưng Hiddink sẽ làm tốt thôi.

Rồi Hiddink hỏi tôi có sẵn lòng đi cùng ông ấy không. Tôi nói được thôi. Tất nhiên rồi, thứ nhất vì Hiddink là một trong những tên tuổi vĩ đại, thứ hai vì cơ hội tham dự World Cup, và thứ ba là tôi thích Đông Á. Đó chính là nền tảng bắt đầu mối quan hệ giữa tôi và ông ấy.

- Vậy còn Park Hang-seo thì sao? Vì sao các ông chọn Park làm cộng sự cho chiến dịch World Cup 2002?

- Khi HLV nước ngoài tới một quốc gia mới, họ luôn phải tìm kiếm cộng sự bản địa có nhiều kiến thức, nhiều hiểu biết về phong cách bóng đá cũng như các cầu thủ. Đó là những người có thể nói với bạn rằng điều gì là tốt và điều gì không nên. Ông Park là điển hình cho kiểu người ấy.

Chúng tôi và HLV Park Hang-seo là một sự kết hợp hoàn hảo. Hiddink và tôi là kiến thức, là tư duy chơi bóng kiểu Hà Lan còn ông Park có những nét tiêu biểu của tinh thần, phong cách Hàn Quốc.

Ông ấy giúp chúng tôi hiểu được cách các đội bóng xây dựng nhân sự, cách họ thi đấu, tập luyện. Ngay thời điểm ấy, người Hàn Quốc đã làm việc vô cùng chăm chỉ. Chúng tôi cố gắng kết hợp các yếu tố đó lại với nhau. Đó là quãng thời gian tuyệt vời.

Như các bạn cũng biết, ông Park không thạo tiếng Anh, còn tôi không nói được tiếng Hàn. Tuy nhiên, chúng tôi đã kết hợp với nhau một cách hoàn hảo bởi mọi người đều quan tâm tới việc tìm ra phương cách tốt nhất để cầu thủ có thể tập luyện và thi đấu đạt hiệu quả cao. Tôi nghĩ HLV Park là một người vĩ đại.

- Một trong những thay đổi lớn nhất của ông Park ở tuyển Việt Nam là sự sáng tạo sơ đồ 3 trung vệ. Tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002 có phải nguồn gốc của sơ đồ ấy?

- Ngày ấy, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm một sự kết hợp, giải pháp cân bằng. Tuyển Hàn Quốc muốn tìm kiếm những cầu thủ có khả năng chơi bóng theo đúng yêu cầu mà chúng tôi đặt ra vào thời điểm 2001.

Tôi còn nhớ lúc đó, chúng tôi có vài trận giao hữu. Hàn Quốc chơi với sơ đồ chiến thuật 4-3-3 và thua 0-5 (trước Pháp vào tháng 5/2001 - PV). Rồi một trận đấu nữa, chúng tôi lại thua 0-5 (trước CH Czech vào tháng 8/2001 - PV).

Sau đấy, ông Hiddink nghĩ có thể ở Hàn Quốc thời điểm đó, các CLB thường chỉ chơi với 3 trung vệ chứ không quen đội hình phòng ngự 4 hậu vệ. Hiddink nghĩ trở về với giải pháp 3 trung vệ có thể là cách làm đúng. Vậy là tuyển Hàn Quốc thay đổi. Kể từ đó, đội bóng đã vận hành một cách trơn tru. Như tôi đã nói, đó là chất lượng của HLV, nhìn ra được cái mà đội bóng cần.

- Khi tới Việt Nam, ông Park đã mang theo hệ thống 3 trung vệ. Ban đầu, các cầu thủ cũng phải mất rất nhiều thời gian để làm quen với nó. Nhưng giờ đây, nó đang giúp bóng đá Việt Nam thành công rực rỡ. Có vẻ như đó là một dấu ấn Hàn Quốc - Hà Lan khác ở bóng đá Việt Nam?

- Vấn đề nằm ở chất lượng của những cầu thủ mà đội tuyển Việt Nam tìm được. Ban đầu, người ta luôn có một triết lý chung với những kế hoạch được vạch sẵn.

Họ nghĩ rằng đấy là điều tốt nhất cho đội bóng của mình. Nhưng rồi nhìn vào những cầu thủ đó, họ lại nhận ra đó không phải những con người phù hợp với triết lý. Nên để thành công, có lẽ sẽ tốt hơn nếu sử dụng 3 tiền đạo ở phía trước hoặc 3 trung vệ ở phía sau.

Một HLV xuất chúng là người nhìn vào những con người họ đang có và phát huy tốt nhất tất cả những gì họ có. Nếu ông Park cho rằng việc chơi với ba trung vệ ở hàng phòng ngự là cách tốt nhất để có thể thành công, đó là triết lý của ông ấy.

Một cách rõ ràng ông Park là người tập luyện và gắn bó cùng các cầu thủ mỗi ngày. Ông ấy đã phân tích và nhận ra đây là phương án tốt nhất cho mình và cả các cầu thủ.

- Ngày ông tới Hàn Quốc, bóng đá nước này có gì khác hiện tại?

- So sánh với bóng đá Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại, chúng ta thấy là 10 năm về trước, các cầu thủ Hàn Quốc chơi khá thiên về thể lực. Phong cách chơi bóng của họ vào thời điểm đó là chuyền và chạy (kick and rush - PV). Họ chiến đấu ở tốc độ cao trong suốt 90 phút hết trận này qua trận khác.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chất lượng của các đội bóng Hàn Quốc bắt đầu giảm đi trong khoảng thời gian từ phút thứ 60 tới 70. Khi đó, họ đã mệt mỏi và kiệt sức. Nhịp điệu chơi bóng như vậy quá cao để có thể duy trì suốt 90 phút.

Bởi vậy, chúng tôi đã yêu cầu các cầu thủ đôi khi phải cầm bóng để có thời gian hồi phục. Đó mới là cách chơi trong 90 phút. Khi đó, chúng tôi có thể vượt qua được cái mốc 70 phút mà vẫn có thể chơi bóng chất lượng. Và rồi, tuyển Hàn Quốc đã tìm thấy sự cân bằng.

Các cầu thủ không chỉ làm công việc họ thích là cầm bóng lao lên phía trước. Họ đã có thể làm hơn thế. Chỉ 70 phút là không đủ, chúng tôi đã cố gắng khiến họ cầm bóng nhiều hơn, tăng thời lượng kiểm soát bóng chứ không chỉ chăm chăm tìm kiếm các tiền đạo.

Nếu không thể chuyền bóng cho tiền đạo, hãy kiểm soát bóng, hãy kiên nhẫn hơn. Nhưng anh không thể thay đổi những điều đó trong chỉ một, hai hay ba tháng đâu.

- Sau World Cup 2002, ông và HLV Park Hang-seo đã đi những con đường khác nhau. Nhưng ở Asian Cup 2019 vừa qua, hai con đường ấy đã giao nhau tại một điểm. Cảm xúc thế nào khi gặp lại người đồng nghiệp từng cùng mình làm rung chuyển thế giới?

- (bật cười) Không, chúng tôi đã không nói gì cả. Khi bạn đã có quãng thời gian một năm rưỡi làm việc cùng nhau, khi đã có 6 tuần tập huấn tại Mỹ, 4 tuần tập huấn tại Tây Ban Nha, 4 tháng chuẩn bị tại Hàn Quốc cho World Cup 2002, bạn không cần phải nói gì nhiều. Chúng tôi từng ngồi làm việc cạnh nhau, cùng có những ý tưởng, cùng có một giấc mơ, cùng một thành công chung.

Tôi rất hạnh phúc khi gặp lại ông ấy. Các bạn biết đấy, Hà Lan và Hàn Quốc cách xa nhau lắm. Không có thời gian để chia sẻ nhiều điều với nhau như tôi mời ông Park một ly rượu sake còn ông Park mời tôi một ly rượu soju đâu (ông Verbeek từng có thời gian dài làm việc ở Nhật nên lấy ví dụ là rượu sake Nhật Bản đồng thời dùng rượu soju Hàn Quốc nói về HLV Park Hang-seo - PV).

- Tôi nhớ không nhầm thì cuộc gặp ấy diễn ra ở lễ bốc thăm Asian Cup 2019?

- Tôi không hề nghĩ sẽ gặp ông ấy tại buổi lễ bốc thăm dù tôi có nghe tin ông ấy đã dẫn dắt đội bóng thi đấu rất thành công tại giải U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc. Tôi đã rất vui khi gặp ông ấy tại buổi lễ.

Chúng tôi đã nói chuyện với nhau thông qua một phiên dịch viên rất giỏi tiếng Anh và tiếng Hàn. Chúng tôi và người phiên dịch đã nói chuyện với nhau thành một hình tam giác. Tôi nhớ là ông Park đã tặng tôi một hộp nhân sâm rất đẹp. Đáng tiếc là tôi không có sự chuẩn bị gì nên không có món quà nào dành tặng ông ấy.

- Ông có theo dõi giải U23 châu Á 2018 - nơi được xem là điểm khởi đầu cho thành công của HLV Park không?

- Tôi có theo dõi giải U23 tổ chức tại Trung Quốc. Bởi đội U23 Oman cũng có mặt ở giải đấu đó. Thời điểm ấy, tuyển quốc gia Oman đang tham dự Gulf Cup. Ban đầu tôi đã lên kế hoạch tới Trung Quốc, nhưng rồi đội bóng lọt vào chung kết (sau đấy lên ngôi vô địch - PV). Tôi không còn thời gian và cơ hội tới Trung Quốc nữa. Nhưng tất nhiên tôi đã xem các trận đấu.

Tôi đã rất tự hào về HLV Park Hang-seo, về cách U23 Việt Nam chơi bóng. Tôi thấy rất mừng cho ông ấy. Đội Việt Nam đã chơi rất hay, tôi rất tự hào. HLV Park đã rất thành công đấy.

- Nhìn những chiến thắng của ông Park với bóng đá Việt Nam, nhìn lại những gì ông ấy đã có với tuyển Hàn Quốc, thật kỳ lạ khi biết rằng HLV Park Hang-seo đã có quãng thời gian thật khó khăn tại quê nhà sau World Cup 2002. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Không, không, tôi không nghĩ thế đâu. Ông ấy đã tiếp tục ở lại Hàn Quốc và dẫn dắt một số CLB. Với nghề của chúng tôi, mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng. Như chúng tôi (những người Hà Lan - PV), chúng tôi có thể đến một quốc gia khác rồi lại quay trở lại, thậm chí là trở lại Hàn Quốc.

Theo đó, chúng tôi có thể trở nên cởi mở hơn, tâm trí được mở rộng hơn. Anh hiểu chứ? Nếu anh thấy những công việc tôi từng trải qua... Tôi đã từng đến Hàn Quốc, Morocco, Australia...

Còn các HLV Hàn Quốc, rất ít người ra nước ngoài làm việc. Chỉ có vài người dẫn dắt các đội bóng ở Trung Quốc thôi. Đương nhiên, cuối cùng Hàn Quốc đã có ông Park sang làm việc tại Việt Nam. Tôi nghĩ những HLV Hàn Quốc dám ra nước ngoài làm việc là những người có tư duy quốc tế thực sự.

Nhìn lại việc ông Park ở Hàn Quốc và dẫn dắt một số CLB trong nước rõ ràng là một thách thức rất khó khăn. Thực sự, tôi cũng không biết kết quả của ông ấy như thế là tốt hay xấu.

Bởi các bạn biết đấy, sau khi chia tay, chúng tôi đều mỗi người một hướng, đều ấp ủ những kế hoạch riêng. Tôi đi theo hướng của mình và rất khó để có thể biết được những thông tin về các cộng sự cũ qua truyền thông Hàn Quốc. (cười lớn) Tôi không biết tiếng Hàn mà.

Bởi vậy, khi nghe tin ông Park sang Việt Nam làm việc và thành công, tôi đã nghĩ thật tuyệt vời, thật tốt quá, ông ấy đã làm rất tốt và tôi mừng cho ông ấy.

- Mỗi HLV đều có một trợ lý đắc lực. Với Guus Hiddink, ai là trợ lý số một, là cánh tay phải ở World Cup 2002?

- Chúng tôi không làm việc theo cách đó. Chúng tôi luôn là một tập thể thống nhất. Ông Park làm phần việc của mình và tôi hoàn thành trách nhiệm của tôi. Tất nhiên, mối quan hệ giữa tôi với Hiddink gần gũi hơn cả bởi chúng tôi nói cùng một thứ tiếng, có chung những ý tưởng. Còn với ông Park, mọi chuyện khó khăn hơn bởi ông ấy không nói được tiếng Anh.

Nhưng khi nhìn vào những buổi tập của chúng tôi, chính nhờ việc ông ấy là người Hàn Quốc, có khả năng giao tiếp tốt hơn với các cầu thủ nên việc giám sát và triển khai các buổi tập dễ dàng hơn.

Sau vài tháng, ông ấy đã bắt đầu hiểu những gì chúng tôi muốn thực hiện. Và trong giai đoạn cuối của chiến dịch chuẩn bị cho World Cup thì HLV Park và HLV Chung Hae-seong (hiện là HLV trưởng CLB TP.HCM - PV) là những người thường xuyên chỉ đạo các buổi tập và làm nó trở nên hiệu quả hơn.

Chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng ai là số 1, số 2, số 3 hay số 4. Bởi khi làm việc cùng trong một nhóm, tất cả đều phải duy trì sự tôn trọng lẫn nhau. Để làm được như vậy cũng đơn giản thôi, vì tất cả chúng tôi đều chỉ muốn đạt được kết quả tốt.

Một mặt, nếu ông ấy có nhiều phẩm chất tốt hơn, thì đó cũng là một cách quản lý đội, phải không? Chính nhờ lợi thế ngôn ngữ và sự tôn trọng mà các cầu thủ dành cho ông Park, ông ấy đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về vai trò của HLV Park Hang-seo ở World Cup năm ấy?

- Với khả năng phối hợp và giao tiếp cùng các cầu thủ Hàn Quốc, ông Park chính là người đảm nhiệm việc giám sát và triển khai các buổi tập cho cầu thủ. Ở vị trí HLV trưởng, ông Hiddink sẽ duy trì khoảng cách xa hơn một chút với những người còn lại và với cầu thủ để có được góc nhìn khách quan.

Tôi đóng vai trò trung gian hơn, còn HLV Park có mối quan hệ gần gũi với các cầu thủ. Ông ấy có thể trò chuyện, giải thích với họ những điều mà chúng tôi mong muốn về mặt tư duy chơi bóng cũng như các yêu cầu về chiến thuật.

Nó cũng giống như vai trò của tôi ở đội tuyển Oman hiện tại. Tôi có hai trợ lý người Oman và tôi đóng vai của Hiddink, tôi phải có cái nhìn toàn cảnh, phải biết cần làm gì, chuẩn bị cho các buổi tập. Còn các trợ lý, họ giao tiếp với các cầu thủ dễ dàng hơn, không cần phiên dịch viên nữa.

Thời điểm đó thì HLV Park và HLV Chung đóng vai trò như vậy, đặc biệt là ông Park với tính cách và và tinh thần đặc trưng của người Hàn Quốc. HLV Park Hang-seo là một người đặc biệt và rất quan trọng đối với chúng tôi.

- Tôi biết ở Oman, ông chỉ dẫn dắt tuyển quốc gia còn đội U23 do một người khác đảm nhiệm. Nhưng tại Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã giữ cả hai vai trò. Theo ông, như thế có thực sự hợp lý?

- Tôi nghĩ đó là sự kết hợp tuyệt vời. Khi tôi trở lại Hàn Quốc lần thứ hai hồi năm 2005, tôi đã đảm nhiệm cả vị trí HLV trưởng tuyển quốc gia và đội Olympic. Thời điểm ấy, tuyển Olympic không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên công việc của tôi dễ dàng hơn.

Huấn luyện cả hai đội tuyển là sự kết hợp tốt vì HLV có thể biết rõ cầu thủ nào đủ chất lượng và tiềm năng để tiến lên cấp độ cao hơn. Mặt khác, cầu thủ đó cũng thấm nhuần tư duy và cách chơi của HLV ấy ngay từ cấp độ trẻ.

Nhưng ngày nay, chuyện đó khó khăn hơn bởi các trận đấu vòng loại Olympic giờ đã thuộc hệ thống FIFA. Rất khó cho một HLV có thể bao quát cả 2 công việc. Khó đạt tới sự hoàn hảo vì anh không có đủ thời gian và thể lực cho cả hai thứ.

Nhưng tôi vẫn ủng hộ quan điểm kết hợp hai nhiệm vụ này. Nếu một HLV theo dõi được sự phát triển của cầu thủ, các đội bóng của ông có thể duy trì cùng một hệ thống, đội tuyển của họ có thể vận hành trơn tru ở mọi cấp độ.

- Ông có vẻ rất quý mến HLV Park Hang-seo?

- Có một điều thú vị là dù ông ấy không nói tiếng Anh, tôi cũng chẳng nói gì, nhưng mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn quý mến nhau, và nghĩ về việc chúng tôi đã có khoảng thời gian cộng tác tuyệt vời. Hẳn nhiên rồi. Bóng đá là thế mà.

- Chúng ta thật hạnh phúc vì được ngồi uống cà phê ở đây một cách nhàn nhã. Nếu ở Việt Nam và chiến thắng như ông Park, ông sẽ không ngồi được ở nơi công cộng thế nào đâu. CĐV của chúng tôi hâm mộ ông Park nhiều lắm.

- Tôi biết chứ. Tôi đã từng sống ở Hàn Quốc mà, HLV Park cũng có nói với tôi rồi. Ông Park dễ xấu hổ lắm. Tôi rất quý ông ấy. Cứ nhìn ông ấy ở lễ bốc thăm mà xem, hay như ở khách sạn tại Abu Dhabi này, mọi người lại gần chào ông ấy, nhưng ông cứ đứng phía sau tôi như thế này này (lấy hai tay chỉ ra sau lưng - PV).

Tôi nói: “Thôi nào, HLV Park, ông nổi tiếng thật đấy”. Nhưng ông ấy không thích thế đâu. Ông ấy chỉ muốn làm việc và thành công thôi. Tôi thích điểm đó ở ông ấy. Ông ấy là một người tốt. Tôi đã chúc ông thành công trong trận đấu kế tiếp (trận gặp Iran - PV). Cả đội tuyển Việt Nam và các anh nữa. Hẹn gặp lại nhé.

Minh Chiến
Đồ họa: Duy Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/canh-tay-phai-cua-hiddink-noi-ve-the-manh-cua-hlv-park-hang-seo-post925434.html