Phút trải lòng hiếm hoi của những người gác đèn biển Trường Sa

Giữa trùng khơi Trường Sa, bên cạnh những người lính hải quân canh giữ chủ quần Tổ quốc, những người lính nhà đèn ngày đêm âm thầm 'trực chiến'.

Hải đăng Đá Tây trên quần đảo Trường Sa

Hải đăng Đá Tây trên quần đảo Trường Sa

Từ năm 1993, các trạm hải đăng chính thức được xây dựng ở quần đảo Trường Sa, khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta. Với những người gác đèn ở biển Đông mà tôi được gặp đều mang niềm tự hào: “Những ngọn hải đăng còn là cột mốc sống đánh dấu chủ quyền Việt Nam giữa biển khơi”. 9 ngọn hải đăng do Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam xây dựng đã có mặt tại các đảo Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết. Để đèn luôn sáng, những người gác đèn phải cắm chốt ngày đêm dù mưa giông, bão tố và mặc cho cái nắng, cái gió lẫn cái khó cứ bện lấy họ…

Thắp đèn giữ biển

Sau 50 giờ lênh đênh trên biển cùng tàu tiếp tế Hải Đăng 05, đảo chìm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân tới là Đá Tây. Từ xa, đã có thể nhận ra dáng vẻ sừng sững của ngọn hải đăng Đá Tây. Ngọn hải đăng này thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế. Khi chúng tôi tìm đến hải đăng, những công nhân làm việc tại trạm đang bận rộn chuẩn bị cho bữa cơm trưa.

Tiếp chuyện chúng tôi là anh Trịnh Xuân Nguyên, 51 tuổi, Trạm trưởng, người có thâm niên 21 năm thắp sáng đèn biển ở Trường Sa; anh Trần Văn Nghĩa 10 năm ở đảo và Nguyễn Sĩ Quý, 29 tuổi, 4 năm thâm niên trong nghề. Họ mỗi người một quê, người thì quê Hải Phòng, người Thái Bình, người Nghệ An. Sống xa gia đình, vợ con, họ đùm bọc chăm sóc nhau bằng sự vụng về của cánh đàn ông. Họ thay phiên nhau trực nhật, làm cấp dưỡng, cơm nước, bảo dưỡng hải đăng…

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, với chất giọng Hải Phòng, anh Nguyên pha trò tếu táo: “Đối với các “đèn sĩ” thì trạm là nhà, đèn là bạn, đi tới đâu cũng chăm chút lo cho ngôi nhà của mình, còn đối với đèn thì phải quan tâm, chăm sóc cẩn thận như người thân”.

Trạm hải đăng Đá Tây được biên chế 4 công nhân túc trực làm nhiệm 24/24h hàng ngày

"Lão tướng" Trịnh Xuân Nguyên cần mẫn với công việc

Với khuôn mặt sạm nắng gió, trông anh Nguyên già hơn tuổi 51 nhiều. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em có truyền thống làm nghề tàu biển, 2 anh trai theo nghiệp gia đình, chỉ riêng cậu con thứ là anh lại chọn hướng đi mới. Anh tâm sự: “Ban đầu tôi cũng không biết những người gác đèn sẽ làm công việc gì, cuộc sống của họ ra sao, chỉ hiểu nôm na là chỉ đường cho những người đi biển như cha, như anh tôi”.

Vậy mà đến tết này, “lão tướng” Trịnh Xuân Nguyên có hơn 20 năm gắn bó với những ngọn đèn biển. Vừa làm nhiệm vụ gác đèn, vừa tiếp tế cho đồng đội, dấu chân anh đã đặt lên khắp các đảo của Trường Sa.

Hơn nửa đời người gắn bó với Trường Sa, anh Nguyên coi trạm Hải đăng như nhà của mình, ngày đêm túc trực, bất kể thời tiết, luôn bảo đảm ngọn hải đăng được thắp sáng giữa biển khơi.

Trạm Hải Đăng Đá Tây được xây dựng từ năm 1994, cao 26m, ánh sáng chớp trắng theo chu kỳ 10 giây/lần. Hải đăng có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào đảo tránh trú bão và cũng là tín hiệu để “dẫn đường” ngư dân, khi đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, giữa biển khơi với đặc thù sóng gió và thời tiết khắc nghiệt, đời sống sinh hoạt của anh em canh gác trạm hải đăng vô cùng khó khăn, mùa mưa thường hay gặp bão gió, mùa nắng luôn thiếu nước ngọt để dùng.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn

Các công nhân nhà đèn tận dụng mọi khoảng không gian để trồng rau, nuôi gà, cải thiện cuộc sống

Chia sẻ thêm về cuộc sống ở đảo, “lão tướng” Nguyên cười: “Lính nhà đèn cũng như lính hải quân ở đảo trong muôn vàn khó khăn chung về nước ngọt, lương thực, thực phẩm (chỉ 7 lần tiếp tế/năm), phải sáng tạo mọi thứ để tự cung tự cấp. Đặc biệt là sáu tháng cuối năm gió mùa đông bắc về, biển động triền miên”.

Với tinh thần đồng cam cộng khổ, vì những ngọn đèn sáng đêm đêm, mọi người đều xác định Trường Sa là quê nhà thứ hai nên càng ở lại càng yêu” - trạm trưởng Trịnh Xuân Nguyên nói.

Nhớ lại những ngày đầu làm việc trên nhà đèn thuộc quần đảo Trường Sa, anh không giấu được xúc động: “Ngày đó mọi thứ còn thiếu thốn chứ không như bây giờ, điện thoại không có, thư từ viết về đất liền đóng thành tập như viết nhật ký, vài tháng hoặc có khi gần 1 năm mới có tàu ra, lại khấp khởi gửi về đất liền”.

Tôi tròn mắt ngưỡng mộ: Khó khăn là vậy, thiếu thốn là vậy, thế có khi nào anh có ý định đổi nghề về đất liền? Anh cười xòa: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai!. Vì thế, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ phụ bạc với nghề, dứt áo ra đi”.

“Nói vậy thôi, chứ mấy tháng đầu tiên làm việc ở hải đăng Trường Sa lớn, nỗi nhớ nhà, thiếu thốn đủ thứ, đồ ăn mua từ đất liền, rau xanh tự tăng gia, tôi cũng đã có ý định liều mình nhảy xuống biển, bơi một mạch 2 ngày 2 đêm vào đất liền, bỏ nghề nhưng rồi không bỏ được, dù bao nhiêu lần tàu đón vào đất liền”, anh Nguyên trải lòng.

Trong quá trình công tác, anh đã gắn bó với 6 ngọn hải đăng trên các điểm đảo như: Đá Tây B, Đá Lát, Trường Sa, An Bang, Tiên Nữ và Song Tử Tây.

Hệ thống ắc quy phục vụ cho hải đăng Đá Tây luôn được công nhân bảo dưỡng, chăm chút cẩn thận

Cũng không ít lần, anh kết hợp với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các đảo tham gia cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển. Anh Nguyên nhớ lại: Trong một lần biển động vào cuối năm 1999, một chiếc thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế bị hỏng máy đã trôi dạt nhiều ngày trên biển. Giữa giông tố của biển khơi, 15 thuyền viên trên tàu chỉ còn biết cầu mong vào một phép màu nào đó xuất hiện. Chiếc thuyền gặp nạn bị hỏng máy trôi dạt từ Trường Sa qua vùng biển của Philippines mới neo lại được. Nhận được tín hiệu cầu cứu, anh Nguyên cùng các chiến sĩ trên đảo đã vượt giông bão chạy xuồng máy đi tìm kiếm và may mắn đã tìm gặp và kéo chiếc thuyền này về đến đảo Song Tử Tây an toàn. Anh Nguyên kể lại: Khi chúng tôi tiếp cận, dùng dây kéo thuyền của ngư dân, nhiều người trên thuyền gặp nạn đã bật khóc. Có người điện thoại về cho người thân nói như reo: “Con ơi! Bố sống rồi”. Nghĩ vậy thấy thương, càng cố gắng tìm cách kéo bằng được chiếc tàu về nơi cứu nạn an toàn, mặc cho sóng gió vẫn còn vần vũ.

Hy sinh thầm lặng

Sự vất vả, hy sinh thầm lặng là vậy, nhưng thang bậc lương của cán bộ nhà đèn ở đảo cũng chỉ như trên bờ, chưa được hưởng theo chế độ đặc biệt (chỉ có thêm 30% mức lương chính). 9 tháng họ được về thăm nhà một lần (được nghỉ 3 tháng bù phép; nếu nghỉ thêm 3 tháng nữa thì không có lương). Nhiều người khi bố mẹ mất cũng không kịp về quê chịu tang. Bộ đội sau 1 năm hết nghĩa vụ là được trở về đất liền, còn những người gác đèn làm công việc này không thời hạn, cho đến lúc nghỉ hưu. Như anh Nguyễn Sỹ Quý (sinh năm 1989, quê Thái Bình), công tác tại hải đăng Đá Tây lấy vợ được 3 năm, tính ra vợ chồng chỉ ở với nhau được hơn 9 tháng trong 3 năm.

Công nhân Nguyễn Sỹ Quý kiểm tra hệ thống dây diện trước khi ngọn đèn hải đăng được phát sáng

Với đôi mắt trầm tư, hướng về đất liền, anh Quý tâm sự thêm: “Hơn 6 tháng nay đảo không có mưa. Để sinh tồn được trên đảo, ngoài sự tiếp tế của đất liền, mỗi công nhân gác đèn tại đảo Đá Tây phải chủ động tích trữ nước ngọt, tận dụng mọi ngóc ngách để trồng rau, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn, trong khi đó ở đất liền cái gì cũng sẵn...”

Tiếp mạch câu chuyện, anh Quý hôi hài kể, gần nửa năm nay, đảo Đá Tây không chỉ nước và khát cả tiếng cười! Khi biết tin có đoàn công tác của Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam ra thăm đảo, tôi háo hức, mong ngóng cả đêm không ngủ được. Nói tới đây, hai hàng nước mắt của anh cứ thể chực trào. Như để giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ người vợ hiền và hai cậu con trai thơ dại, anh Quý chỉ dứt từng tiếng nắc nghẹn ngào và an ủi mình rằng sẽ cố gắng công tác tốt, đếm từng ngày, từng tháng để được về sum họp bên gia đình.

Sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, những người gác đèn biển tại đảo Đá Tây tranh thủ đọc sách, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho công việc

Trao hơi ấm đất liền với biển khơi qua những cái bắt tay vội vã, anh Quý chia tay chúng tôi và lại trở về với ngọn đèn biển, nơi mà nhìn quanh bốn phía chỉ là sóng gió và đại dương xanh thẳm…

Chia tay những ngọn hải đăng Đá Lát trên quần đảo Trường Sa, ngoái nhìn vẻ kiên gan và cô đơn của nó giữa biển trời xanh thẳm, tôi chợt thấy nao lòng. Phải chăng đó là sự cô đơn hữu dụng... Những ngọn đèn biển chỉ thực sự sống đời sống của nó khi đêm về. Ánh sáng hải đăng dẫn dắt những con tàu đi trong đêm tối trùng khơi. Và ánh sáng đó sáng lên nhờ sự bền bỉ, âm thầm của những người gác đèn biển..

(Còn tiếp)

Lê Minh

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/phut-trai-long-hiem-hoi-cua-nhung-nguoi-gac-den-bien-truong-sa-d60105.html