Phút sinh tử của người sống sót sau vụ sập công trình ở Đồng Nai

Những đôi vợ chồng công nhân tại vụ sập tường ở Đồng Nai cùng nhau trải qua giây phút sinh tử. Có người may mắn gặp lại người thân, có những đôi vợ chồng phải chia ly mãi mãi.

'Còn sống là quá may mắn với tôi rồi' "Té ở độ cao 7-8 m, bị đất đá vùi trên người tôi không nghĩ mình có thể sống. Tôi đã may mắn hơn người khác nhiều", ông Phú, nạn nhân thoát chết vụ sập công trình ở Đồng Nai nói.

Vết trầy xước trên bàn tay chị Mướn vẫn còn rướm máu. Chị bị ngã lúc chạy vội về phía chồng khi thấy bức tường 100 m đổ sập. 50 năm cuộc đời, chị chưa từng chạy nhanh như thế, nhưng cũng chưa bao giờ thấy mình chạy chậm đến vậy. Chị còn không nhận ra mình bị thương cho tới khi vào bệnh viện.

"Cứu. Cứu chồng em với. Ai kêu xe cấp cứu lên đi", tiếng van nài của chị Mướn hòa chung vào tiếng tri hô của hàng chục người khác - họ cũng đang tìm kiếm bạn bè, người thân mình giữa ngổn ngang sắt thép, gạch đá. Chồng chị Mướn cùng gần 50 công nhân bị vùi lấp trong bức tường 100 m đổ sập tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hôm 14/5.

Vụ sập tường khiến 8 người chết tại chỗ, 2 người tử vong ngoại viện, 14 người bị thương. Trong đó, 7 người có vết thương nhẹ được điều trị tại Bệnh viện huyện Trảng Bom, 7 người bị thương nặng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống nhất Đồng Nai để chạy chữa.

Thoát chết

"Anh đau chân, đau đầu chút thôi", anh Khôn nửa tỉnh nửa mê nói với vợ khi vừa được bê ra khỏi đống đổ nát. Ống quần bên trái của anh ướt sũng. "Đấy không phải mồ hôi", ngồi cạnh chồng tại Bệnh viện huyện Trảng Bom, chị Mướn kể lại như hụt hơi và nhìn xuống những dấu máu khô nhạt màu trên quần chồng: "Lúc nghe chồng trả lời là mình biết chồng tỉnh rồi, sống rồi. Mừng quá nên khóc. Vì anh vẫn còn sống".

May mắn hơn 10 nạn nhân xấu số, vợ chồng chị Sớn Thị Sa Mướn (50 tuổi) và anh Kim Sô Khôm (42 tuổi, cùng quê Trà Vinh) là một trong nhiều đôi vợ chồng thoát chết trong gang tấc.

Hai vợ chồng bắt đầu làm việc tại công trường này được gần 2 tuần nay. Chiều 14/3, anh Khôm cùng các thợ hồ bắt đầu ca làm việc lúc 13h như thường lệ. Khoảng 2 tiếng sau, anh đang gạt vữa trên tường thì nghe một loạt tiếng la thất thanh "anh em mình ơi sao vậy" dội về từ phía bên phải. Quay sang, anh chỉ kịp nhìn thấy bức tường đổ sụp về phía mình. Anh thấy mình bay từ trên giàn giáo xuống và bất tỉnh.

 Chị Sớn Thị Sa Mướn (50 tuổi) đang chăm sóc cho chồng tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chị Sớn Thị Sa Mướn (50 tuổi) đang chăm sóc cho chồng tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Để trát vữa cho bức tường cao 10 m, các công nhân phải dựng 4-5 giàn giáo chồng lên nhau, mỗi giàn cao khoảng 1,7 m. Nếu rơi từ tầng cao nhất của giàn giáo xuống cũng không khác gì ngã xuống từ tòa nhà 2 tầng, chưa kể bên dưới là ngổn ngang gạch đá, cốt thép. Chị Phạm Thị Thảo Nhi (19 tuổi, quê Vĩnh Long) gọi cha mình là người "mình đồng da sắt" mới sống sót được trong cảnh tượng ấy.

16h chiều, đang làm việc tại Bình Dương thì nghe tin ba mẹ gặp tai nạn. Nhi bỏ hết công việc, cùng chú chạy hơn 50 km từ Bình Dương về Đồng Nai. Suốt quãng đường gần 2 tiếng, điện thoại Nhi gần như không nghỉ. Bao nhiêu cuộc gọi thông báo, hỏi thăm đổ về khiến Nhi càng nóng ruột. Đến viện, Nhi đi như chạy vào phòng cấp cứu, hối hả tìm bóng dáng mẹ cha.

Nhìn thấy ba ngồi trên giường cuối phòng, trán dán băng, tay bó bột, miệng vẫn khí thế kể về giờ phút sinh tử với những người xung quanh, Nhi mới thở phào. "Đọc báo thấy 10 người chết em sợ lắm vì nghe mẹ nói ba em bị nặng. Thấy ba khỏe mạnh em mừng lắm", Nhi chia sẻ và khẳng định sau khi ba mẹ khỏi bệnh, xuất viện, cô sẽ đưa ông bà về quê chứ quyết không để bố mẹ làm thợ hồ để rồi phải chịu những tai ương bất thình lình nữa.

Nạn nhân Phan Thanh Phú (trái) và các nạn nhân khác tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ba mẹ Nhi, ông Phan Thanh Phú (44 tuổi) và bà Lê Thị Tuyết Linh (42 tuổi, cùng quê Vĩnh Long) là thợ hồ và thợ phụ tại công trình. Cả hai đều thống nhất rằng "đôi mình vừa chết hụt". Từ ngày xây bức tường này, ngày nào ông Phú cũng được giao tô mé trong. Riêng chiều nay, ông và vợ được giao tô mé ngoài, đổi cho một đồng nghiệp khác.

"Thấy bức tường đổ là trong đầu mình nghĩ là chết rồi. Ngã từ độ cao như thế là không nghĩ mình sống đâu. Tôi thấy mình quá may mắn", ông Phú chia sẻ. Bức tường đổ vào bên trong nên những người đang thi công ở mé trong sẽ bị thương nặng hơn vì bị cả khối gạch đá đè lên, rất khó tìm kiếm.

Theo ông Phú, bức tường là một phần của nhà xưởng đang được các công nhân thi công. Công trình khởi công từ sau Tết (khoảng tháng 2) và dự kiến hoàn thành trong 9 tháng. Đến nay, công trình đã thi công được 3 tháng.

Công trình "3 không"

Bên ngoài đống đổ nát sau vụ sập ở Khu công nghiệp Giang Điền, tấm biển "An toàn là trên hết" được đặt ngay cổng vào. Ngược lại với nội dung trên tấm biển này, hầu hết công nhân bị thương đều cho biết họ không nhận được đồ bảo hộ lao động nào trong suốt 3 tháng thi công.

"Đồ bảo hộ không. Mũ bảo hộ không. Dây đai an toàn không dù công nhân phải leo cao làm việc. Công nhân vô công trình làm bình thường như làm nhà ở dưới quê vậy", anh Kim Sa Khôm kể.

Ngoài những lời dặn dò suông "phải chú ý an toàn" từ nhà thầu và tấm biển "an toàn là trên hết" ngoài công trình, vợ chồng anh Khôm và hàng chục công nhân ở đây không nhận được sự bảo hộ nào.

"Tôi cảm thấy nguyên nhân sập là do xây có 1 vách mà lên cao. Cao 10 m, dài 100 m mà không có đà ngang, đà dọc, không có gì cân bằng", anh Khôm nhận định và cho biết trước lúc tường sập, trời mát mẻ hơn những hôm trước, anh không thấy cơn lốc nào.

Tấm biển "An toàn là trên hết" được đặt ngay trước công trình xây dựng và một nạn nhân của vụ sập tường tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giống như hàng chục công nhân ở khu công nghiệp này, anh Khôm, chị Mướn, anh Phú, chị Linh đều là những lao động tự do, tha hương tứ xứ, có việc thì làm. Vì không có đất nông nghiệp để canh tác nên họ đành rời bỏ quê hương miền Tây để tìm sinh kế, mong một cuộc sống ổn định.

Trước đây, hai vợ chồng chị Mướn, anh Khôm làm trại heo mấy năm, lương cả hai người cộng lại cũng chỉ được 7 triệu đồng/tháng. Nhưng làm phụ hồ ở đây, chồng làm thợ chính được 410.000 đồng/ngày, vợ làm thợ phụ được 280.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng làm 6 ngày/tuần thì kiếm được 16,5 triệu/tháng, gấp hơn 2 lần số lương trước đây.

Chị Mướn thừa nhận lúc mới làm, vợ chồng chị cũng thấy nguy hiểm vì không có đồ bảo hộ nhưng vì "được nhận làm là mừng lắm rồi" nên không dám ý kiến gì thêm.

"Thú thực, mình làm vì tham. Tham cho con mình được sống đầy đủ hơn, tử tế hơn mình, chứ cứ nghèo mãi. Nhưng giờ, chắc vợ chồng mình bỏ nghề", người phụ nữ Khmer tâm sự. Với vợ chồng chị Mướn, 16 triệu đồng/tháng là số tiền lớn, nhưng không đủ để mua tính mạng của hai vợ chồng. Họ có thể đã là 1 trong số 10 nạn nhân xấu số của tai ương này, nếu cứ ngoan cố tiếp tục, không biết có thể thoát chết bao nhiêu lần.

Chia ly

Cách chị Mướn 18 km, tại Bệnh viện Đa khoa Thống nhất Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Sương (52 tuổi) nhận thi thể chồng để đưa về Cà Mau mai táng. Ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) là một trong 10 nạn nhân của bức tường ở Khu công nghiệp Giang Điền. Không may mắn như chị Mướn, chị Linh, bà Sương không còn cơ hội gặp lại chồng mình.

Hai vợ chồng bà Sương làm việc tại công trình này đã 2 tháng nay. Khi sự việc xảy ra, ông Cường vẫn đang làm việc trên giàn giáo, còn bà Sương phụ trách đứng dưới đất kéo dây, chuyển vôi vữa lên cho thợ hồ. Bức tường sập xuống, bà Sương kịp chạy, nhưng ông Cường thì không.

Anh Nguyễn Văn Giảm (30 tuổi, con rể nạn nhân) vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng than khóc tìm chồng của mẹ mình. Bà Sương phải chứng kiến cái chết của chồng mình mà còn không kịp nói lời từ biệt. Phải 3 tiếng sau khi bức tường đổ sập, xác ông Cường mới được tìm thấy. Biết chồng không còn, bà Sương ngất lịm đi và cứ khóc không ngơi tới tận khi nhận lại thi thể ông từ nhà xác.

Khi được hỏi mong muốn được bồi thường gì sau vụ việc, vợ chồng chị Mướn, chị Linh đều chỉ cần tiền thuốc men bởi "còn sống đã là điều quý giá nhất", còn anh Giảm không nói gì và ngước nhìn lên trời. Điều mà gia đình anh khao khát nhất bây giờ, không một ai có thể bồi thường được.

Cỗ quan tài của bệnh nhân thứ 9 được đưa khỏi nhà xác, trả về cho người thân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Công trình sập tường thuộc Công ty AV Healthcare (Hàn Quốc). Công ty này đã thuê khoảng 21.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Giang Điền để xây nhà máy sản xuất tã lót, bình sữa, băng vệ sinh… Trong quá trình xây dựng, AV Healthcare thuê một đơn vị thi công.

Chiều 14/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sập công trình ở Khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng giao Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, báo cáo Thủ tướng. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động, kiên quyết đình chỉ thi công nếu không bảo đảm an toàn cho người lao động.

Vụ việc xảy ra tại khu công nghiệp Giang Điền thuộc huyện Trảng Bom (chấm đỏ), cách TP Biên Hòa khoảng 24 km. Ảnh: Google Maps.

Thu Hằng - Quang Anh
Ảnh: Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phut-sinh-tu-cua-nguoi-song-sot-sau-vu-sap-cong-trinh-o-dong-nai-post1084714.html