Phút nóng giận của người đàn bà đơn độc

Đưa hai tay vướng còng hất mái tóc kiểu 'cua rạm' sang một bên, Trần Thị Trầm Chi ngoái đầu nhìn xuống phòng xét xử. Ánh mắt tìm kiếm của Chi, ánh mắt mừng tủi của một người phụ nữ ngồi khép nép ở góc khán phòng chạm nhau... vỡ tan thành giọt nước mắt.

Phút sai lầm

Trong không gian tĩnh lặng của phiên tòa một chiều nắng gắt, Trần Thị Trầm Chi (SN 1968, trú P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) với gương mặt “nam tính” đứng đơn độc giữa phòng xử án rộng thênh. Đôi mắt của Thị lúc buồn dìu vợi, lúc lại tỏ ra thờ ơ, vô cảm nhưng đều khắc sâu màu cô đơn.

Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk nhưng rồi Trần Thị Trầm Chi chọn Đà Nẵng làm chốn dừng chân lập nghiệp. Với khiếu nấu ăn từ nhỏ, thêm sự chăm chỉ cần cù và hoàn cảnh thúc đẩy chẳng mấy chốc người phụ nữ này trở thành đầu bếp chính của các nhà hàng, quán nhậu. Quán nhậu Thiên Hương (địa chỉ tại 969- Ngô Quyền, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là nơi Chi có một thời gian dài làm đầu bếp chính. Và chính đây cũng là nơi khiến Chi có phút sai lầm phải đánh đổi.

Suốt thời gian dài làm đầu bếp tại quán Thiên Hương, Chi được đánh giá tay nghề cao, nấu ăn rất ngon nhưng không hiểu lý do gì sau đó lại mất tập trung, thường xuyên bị khách phàn nàn. Sợ mất khách nên ông Nguyễn Hữu Công (SN 1995, chủ quán) thay đầu bếp mới là anh Hồ Hữu Trung (SN 1998, trú tổ 2, TT Chư Ty, Đức Cơ, Gia Lai) còn Chi phụ bếp. Vốn là người chăm chỉ, không ngại khó ngại khổ do đó việc từ đứng bếp chính nay lại trở thành chân chạy vặt khiến Chi không phục nên luôn hậm hực trong người. Khoảng 23 giờ ngày 24/10/2018, Chi quyết định đi nhậu để “giải sầu” nên tìm đến quán “Chíp Chíp” trên đường Hồ Nghinh. Chi điện thoại cho ông Nguyễn Hữu Công đến quán để giải quyết về việc nợ tiền. Ông Công đồng ý, khi đi ông rủ thêm Hồ Hữu Trung đi cùng. Khi đến quán, giữa ông Công và Chi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã và đánh nhau.

Thấy vậy, Trung xông vào dùng tay bóp cổ Chi, lúc này nhiều người trong quán vào can ngăn nên cả 3 dừng lại. Nguyễn Hữu Công và Trung về lại quán Thiên Hương để ngủ còn Chi ngồi lại quán cho đến khoảng 5 giờ ngày 25/10/2018 rồi đi bộ một mình đến quán Thiên Hương để phụ nấu bếp. Cái cảm giác như cả thế giới đang phụ mình càng khiến Chi bấn loạn trong suy nghĩ. Đã nhiều lần Chi muốn vứt hết tất cả để sống mà không cần phải lụy ai, kiểu như ai vui thì mình làm cùng không thì “vứt toẹt” quay đi mà không vướng bận. Nhưng khổ thay, mỗi lần suy nghĩ này chưa dứt thì Chi đã phải đẩy qua một bên bởi trên đôi vai Chi đang gánh trách nhiệm của người trụ cột gia đình. Mang theo mớ suy nghĩ hỗn độn bước vào quán, Chi thấy Trung đang nằm ngủ dưới đất, phía sau quầy thu ngân của quán. Nhìn thấy Trung, dòng suy nghĩ của Chi khựng lại, rồi cái chuyện bực bội xảy ra trước đó, cộng thêm nỗi ấm ức vì bị “giáng chức” bấy lâu nay cứ như dòng nước ồ ạt đẩy tới. Chi đi vào khu bếp của quán lén lấy con dao đi đến chỗ Trung nằm, lạnh lùng cắt một nhát vào cổ Trung.

Bị cáo Trần Thị Trầm Chi xót xa khi nghĩ đến những người chị của mình

Bị cáo Trần Thị Trầm Chi xót xa khi nghĩ đến những người chị của mình

Trong phút giây “không cảm xúc” ấy, Chi đã không còn là Chi. Và hôm nay, khi Chi đối diện với thực tại khô khốc chốn pháp đình, Chi đã hiểu cái giá phải trả cho phút sai lầm ấy, nó xót xa vô cùng.

Vệt đắng cuộc đời!

Là con út trong gia đình có 7 anh chị em nhưng Trần Thị Trầm Chi lại không có nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống riêng của mình. Cha mẹ nghèo mất sớm, Chi tự bươn chải nuôi thân, lo cho gia đình đến khi ngoảnh lại sự vất vả đã kéo tuổi xuân đi tự bao giờ không hay.

Không phải ngẫu nhiên mà Chi lại chọn cho mình phong cách nam tính với mái đầu “cua rạm” ấn tượng như thế. Với cái nghèo cái khổ đeo bám không dứt, Chi dù muốn cũng không có đủ thời gian, điều kiện để chăm chút sắc vóc, lại càng không thể cho bản thân cái quyền “bánh bèo” để làm duyên trước người khác giới. “Mạnh mẽ kiểu đàn ông”- đó là điều Chi không muốn nhưng lại là điều không chỉ Chi mà các chị của mình cần. Bởi, Chi là trụ cột của gia đình, Chi phải sống và kiếm tiền nuôi hai người chị gái, một già và một mù lòa. Sự hy sinh của Chi là vậy, song xét cho cùng cuộc sống đôi khi có phần tàn nhẫn với Chi. Đó là cho dù có chăm chỉ chịu khó đến đâu, rồi thì đến khi cập tuổi 50 Chi cũng chẳng có gì ngoài: không chồng, không con, không nhà cửa, không tài sản.

Đứng trước bục khai, đối diện với HĐXX, người đàn bà với vỏ bọc cứng cỏi ấy mang một nỗi buồn lớn. Nếu để so sánh những lời bị cáo trả lời trước câu hỏi của HĐXX với dáng vẻ bên ngoài và hành vi mà bị cáo đã gây ra thì quả thực là một sự đối lập vô cùng lớn. Sự hiền lành, điềm đạm toát ra ở mỗi câu mỗi chữ, điều này càng khiến cho người nghe, người chứng kiến khó giải thích vì sao bị cáo lại có thể hành động ghê sợ đến thế. Bị cáo lý giải về hành động cắt cổ anh Trung “là vì bị cáo và Trung không có mâu thuẫn gì với nhau nhưng Trung bóp cổ bị cáo; là vì tức giận nên bị cáo mới nảy sinh ý định cắt cổ Trung để trả thù; là vì Trung là người đã thay thế vị trí làm việc của bị cáo; là do bị cáo giận quá mất khôn...”. Lời giải thích của bị cáo như thế nào đi chăng nữa thì cũng khó để chấp nhận nhưng ai cũng cảm thông bởi ít ra, bị cáo đã hiểu được chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt không đáng nhưng bị cáo đã không thể làm chủ khiến cuộc đời phải trả một cái giá quá đắt.

Án 7 năm tù về tội “Giết người” được HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên, vỏ bọc lạnh lùng cố gắng trong suốt quá trình xét xử vỡ tan, bị cáo ngồi thụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Phiên tòa hôm ấy thực sự phủ một màu ảm đạm, hắt lên từ nỗi buồn đặc quánh trong niềm lo lắng của người thân bị cáo, nỗi buồn đắng chát của bị cáo và nỗi buồn xen lẫn sự tiếc nuối của những người dự khán.

Tòa vãn trong chiều muộn. Nhìn bị cáo thất thểu bước ra xe, lại chua xót nghĩ về hai người phụ nữ già nua, bệnh tật ngóng đợi bị cáo nơi thềm cửa. Xót xa hơn, khi nghĩ đến 3 người đàn bà vốn chụm đầu vào nhau tạo thành “tổ ấm” đối diện với cái nghèo đã khổ, nay lại vắng đi trụ cột lao động, tổ ấm ấy liệu có thể trụ vững trong 7 năm tới... Tất thảy đớn đau, xót xa đều vo tròn trong đáy mắt người lầm lỡ.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/phut-nong-gian-cua-nguoi-dan-ba-don-doc-22960.html