Phút lật thuyền giữa lũ dữ đi cứu người, vợ con ở nhà gặp nguy, trăm con gà trôi mất sạch

Dầm mình trong mưa lũ, sơ tán được hàng trăm người dân đến chỗ an toàn, còn ở nhà mình thì lúa ngập hết, gà trôi, con trai bị rơi xuống nước suýt ảnh hưởng tính mạng.

Gửi tạm cha tại trụ sở ủy ban để đi cứu hộ

Đã một tuần trôi qua nhưng ký ức của cuộc vật lộn với thiên tai để đưa người dân đi sơ tán vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt của anh Lê Văn Thành (SN 1982, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Nét mặt phờ phạc, giọng vẫn thảng thốt, anh Thành kể lại những ngày tham gia cứu hộ đầy hiểm nguy.

Vợ chồng anh Thành kể lại những ngày tham gia cứu hộ đầy hiểm nguy đối với bản thân và gia đình, giọng còn khản đặc do phải gào thét khi cứu hộ

Vợ chồng anh Thành kể lại những ngày tham gia cứu hộ đầy hiểm nguy đối với bản thân và gia đình, giọng còn khản đặc do phải gào thét khi cứu hộ

Thôn Trần Phú nằm ngay sát bên dòng sông Ngàn Mọ, cách hồ Kẻ Gỗ không xa. Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi hồ tăng lưu lượng xả lũ, nước đổ về dữ dội, dâng nhanh khủng khiếp, chia cắt mọi ngả đường, ngập hết mọi ngôi nhà, người dân trong thôn không kịp trở tay.

Anh Thành kể, sáng 19/10, thấy nước đổ về mạnh và dâng lên rất nhanh, anh chở bố đẻ là ông Lê Văn Tiến (70 tuổi) cùng con trai đầu là Lê Văn Lợi (SN 2005) ra bờ kênh sơ tán. Trên đường đi, do nước chảy xiết, thuyền bị đẩy trôi vào trụ sở UBND xã.

Lúc này nhiều nhà dân trong thôn đã bị ngập sâu nên gọi điện nhờ đưa đi sơ tán. Trước sự an nguy của người dân, anh quyết định gửi bố và con trai ở lại ủy ban rồi lao thuyền đi cứu hộ.

Với chiếc thuyền nhôm này, anh Thành đã đưa được hàng trăm người dân đi sơ tán đến nơi an toàn trong lũ dữ.

Để có thêm người giải cứu người dân trước dòng chảy xiết, anh Thành đã gọi thêm em trai là Lê Văn Công (SN 1984, trú cùng thôn) và 2 người bạn là Phạm Văn Đồng, Đậu Văn Hoàng (trú xóm 5, cùng xã) tham gia.

Xác định địa bàn xóm 7 là khu vực bị ngập sâu và nước chảy xiết, cần phải cứu hộ trước nên anh Thành tới đây trước. “Khi tôi đến, nhiều ngôi nhà đã ngập đến mái mà hầu hết người dân vẫn đang bị mắc kẹt, chưa có ai sơ tán được vì chưa có thuyền cứu hộ của lực lượng chức năng”, anh Thành cho biết.

Trong quá trình cứu hộ, giữa đêm tối, dòng nước chảy xiết, nhiều lúc thuyền bị xô đẩy, đâm đụng méo mó. Đến khoảng 22h đêm thì anh và mọi người bắt buộc phải nghỉ vì không thấy đường và nước xiết rất nguy hiểm.

Nói về số người được cứu hộ, anh Thành chia sẻ: “Tôi không nhớ là chở được bao nhiêu chuyến và đưa được bao nhiêu người đến chỗ an toàn. Chỉ nghĩ rằng càng đưa được nhiều người ra ngoài thì càng tốt nên thuyền chạy liên tục, không kịp nghỉ ăn”.

“Hễ có người gọi là tôi lao thuyền đi. Khi đến chỗ an toàn nhiều người có đưa tiền cảm ơn nhưng tôi không lấy, mục đích của tôi là cứu người. Sau đó, chính quyền địa phương đề nghị cố gắng giúp dân, xã sẽ cấp xăng đầy đủ. Do chạy cả ngày, xăng ở nhà cũng hết sạch nên mỗi ngày tôi có lấy ở xã một đến hai can loại 5 lít”, anh Thành nói thêm.

Anh Thành có hơn 200 cái lừ để đánh bắt cá, nhưng lũ cuốn trôi chỉ còn vài chục cái.

Kinh hoàng phút lật thuyền giữa dòng nước lũ

Suốt đêm 19/10, anh Thành cứ trằn trọc không thể chợp mắt được. Phần vì nước lũ dâng cao bất thường, phần lo người dân gặp nạn trong đêm mà không thể ứng cứu. Vì thế, mới 4h sáng 20/10, anh đã rời khỏi nhà chạy thuyền đi cứu hộ.

Đến khoảng 15h, sau gần 2 ngày cứu giúp dân làng nhưng vợ con của Lê Văn Công (em trai anh Thành) vẫn chưa được sơ tán. Lúc này nước ngập băng hết thảy, chảy tràn qua mọi ngóc ngách với tốc độ rất cao.

“Với kinh nghiệm nhiều năm sông nước, nhìn dòng nước chảy xiết là tôi biết không thể vào đón em dâu và các cháu được vì nguy cơ lật thuyền rất cao. Khi tôi nói ra điều này thì em trai tôi lo lắng: Anh không cứu vợ con em thì ai cứu?”.

“Nghĩ đến việc chú Công cùng tôi lăn lộn cứu giúp dân làng đã 2 ngày nay nhưng chưa đưa được vợ và 3 con nhỏ đi sơ tán, trong đó có cháu vừa được 3 tháng tuổi nên tôi đánh liều. Khi thuyền vừa tiếp cận dòng chảy thì bị lật úp luôn, máy xăng rơi xuống nước, chìm nghỉm”, anh Thành kể lại khoảnh khắc bàng hoàng thót tim.

Nước sông Ngàn Mọ vẫn chảy xiết, xói lở gần hết con đường trước nhà anh Thành.

Giọng run run, ngừng một lúc, anh nói tiếp: “May mắn là chúng tôi đã kịp dùng dây néo thuyền vào một gốc cây rồi dắt vào một nhà dân gần đó, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Xử lý thuyền xong, mấy anh em quay lại tìm máy, rất may không bị lũ cuốn trôi nhưng bị ngập nước nên không nổ được nữa.

Sau khi nhờ người sửa máy xong, chúng tôi không dám quay lại đường cũ mà đi vòng đường khác để sơ tán em dâu và các cháu. Tuy nhiên, khu vực này nước chảy rất mạnh nên anh em phải buộc thuyền phía ngoài rồi lội bộ vào, lần theo dây đưa người ra”.

Quá trình cứu hộ người dân của anh Thành còn không ít khó khăn. Anh Thành kể tiếp: “Khoảng 20h tối 20/10, có tin báo 1 người dân ở thôn 12 bị đau ruột thừa, cần phải đi cấp cứu gấp. Len lỏi mãi chúng tôi mới tìm ra nhà, tuy nhiên do không chờ được nên họ đã tìm phương tiện khác đi rồi.

Trên đường quay ra, tôi lại nhận được tin có cụ ông đang nguy kịch, cần phải đưa đến bệnh viện tỉnh để lọc máu gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi lại lần mò trong đêm tìm nhà, chở 2 ông bà ra bờ kênh để nhờ xe đến bệnh viện an toàn”.

Cũng theo lời kể của anh Thành, có hộ dân ở thôn 10, anh em vào đến 4 lượt nhưng không chịu đi sơ tán, đến khi chính quyền bắt buộc thì họ mới rời khỏi nhà. Có người thì nói, tài sản chỉ có con bê, nếu không cho đem theo thì người cũng không đi. Cuối cùng phải trói bê lại bế lên thuyền cùng chủ nhà đưa đi sơ tán.

Con rơi xuống nước lụt ngang cổ suýt bị trôi

Vẫn còn rất mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Tĩnh (SN 1984, vợ anh Thành) chia sẻ: “Sáng 19/10, sau khi hai bố con cùng ông nội đi được một lúc thì nước đổ về ồ ạt và lên nhanh chưa từng thấy, trong chốc lát đã mấp né khung cửa sổ. Nồi niêu xoong chảo và một số vật dụng trôi ngổn ngang nên tôi cho cháu Lê Văn Mạnh (2 tuổi rưỡi) ngồi trên bộ bàn ghế dài ở phòng khách để thu gom”.

“Đang dọn dẹp thì nghe tiếng con khóc, lội nước chạy lên thì thấy con đang bì bõm giữa nhà, nước đến ngang cổ. Thay quần áo xong thì cho 3 anh em lên thuyền và dặn thằng anh trông em để mẹ dọn nốt đồ đạc. Không biết tại sao mà lại rơi xuống nước lần thứ 2. Rất may là nước đẩy vào nhà, nếu không thì con tôi trôi mất rồi”, vừa nói, nước mắt chị Tĩnh vừa dàn dụa như đang đối diện với phút giây kinh hoàng đó.

“Điện cho chồng thì thuê bao không liên lạc được. Vừa lo con cái ở nhà, lại vừa lo chồng đi có an toàn không. Nước thì chảy xiết, nhà thì gần bờ sông nên lòng như lửa đốt. Ngồi ôm con vừa khóc vừa giận anh vô cùng. Đến 16h hôm đó, hình như anh mới nhớ là mình còn có vợ và 3 đứa con nhỏ ở nhà nên mới về đưa chúng tôi đi lánh nạn. May mà...”, chị bỏ lửng câu nói và nhìn anh, ánh mắt dường như còn chút tủi hờn, trách móc nhưng cũng đầy cảm thông.

Cũng theo chị Tĩnh, mấy ngày anh theo cứu dân, nước lại dâng quá nhanh, mình chị ở nhà bận con nhỏ nên không thể kê gác và bảo vệ tài sản được. Khoảng 5 tạ lúa bị ngâm nước, gần trăm con gà cả to lẫn nhỏ bị lũ cuốn trôi. Các loại máy móc gia dụng bị ngâm nước hết, hư hỏng nặng. Hiện tại, lúa đã phơi khô nhưng bị nảy mầm nên không thể ăn được, chỉ giữ lại để dùng cho chăn nuôi.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đã tặng giấy khen cùng 2 triệu đồng cho anh Lê Văn Thành.

Ghi nhận công lao trong việc giúp dân sơ tán, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên đã tặng giấy khen cùng 2 triệu đồng cho anh Lê Văn Thành. Công ty CP Đầu tư Tân Hà Đô (TP Hà Tĩnh) cũng hỗ trợ gia đình anh 5 triệu đồng để mua máy mới vì cái máy xăng kia đã cũ.

Trần Hoàn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/doi-thuong/chong-mai-cuu-nguoi-trong-lu-du-vo-loay-hoay-lo-nha-cua-con-2-lan-roi-xuong-nuoc-ngap-ngang-co-tram-con-ga-troi-mat-sach-268100.html