Phút kinh hoàng của nạn nhân sóng thần Indonesia

Những người may mắn sống sót sau thảm họa kép động đất - sóng thần ở Indonesia cuối tuần trước không thể nào quên được giây phút kinh hoàng họ đã trải qua.

Cô gái 18 tuổi ngã xuống đất và ngồi chết sững khi nhìn thấy đợt sóng khổng lồ chồm lên bờ vịnh, hướng về phía thành phố.

Puteri Pratiwi nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng cô đã trải qua tối 28/9. Ảnh: CNN

Puteri Pratiwi nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng cô đã trải qua tối 28/9. Ảnh: CNN

"Tôi thét gọi em mình. 'Chạy thật nhanh! Chạy đi!'. Chúng tôi chạy thục mạng nhưng con bé sau đó đã quay lại để cố cứu chiếc xe máy", Puteri đau xót nhớ lại từ trên giường bệnh kê bên ngoài bệnh viện Undata ở Palu. Cô may mắn sống sót sau trận sóng thần hủy diệt nhờ bám vào một cây cột.

Ba ngày sau, Puteri phát hiện em họ của mình đã bị nước cuốn phăng và thiệt mạng trong sự cố.

Theo CNN, Puteri chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân đang được chăm sóc tại các bệnh viện hiện đã quá tải ở Palu. Nhà chức trách địa phương đang phải vật lộn khắc phục hậu quả sau khi đợt sóng thần cao tới 3 mét càn quét đảo Sulawesi, tiếp sau trận động mạnh 7,5 độ Richter tấn công nơi này hôm 28/9.

Chính phủ Indonesia xác nhận, 844 nạn nhân đã mất mạng trong thảm họa kép nói trên, nhưng con số thương vong chắc chắn sẽ còn tăng lên.

Hàng chục thi thể người thiệt mạng vẫn xếp hàng dài trên các đường phố của Palu, một thành phố có hơn 350.000 dân trên đảo Sulawesi, hồi cuối tuần qua. Nhà chức trách địa phương đã bắt đầu tiến hành chôn cất rất nhiều thi thể này trong các ngôi mộ tập thể để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh dịch.

Nhà chức trách Indonesia đã bắt đầu cho chôn xác các nạn nhân thiên tai trong các ngôi mộ tập thể. Ảnh: CNN

Hiện tại, ngay ở bệnh viện Undata vẫn còn hơn 100 xác nạn nhân đang nằm chờ chôn cất ở sân sau, vài ngày sau cơn địa chấn khủng khiếp ban đầu. Mùi tử thi đang thối rữa bốc lên nồng nặc nếu một cơn gió bất thần quét qua.

Tiến sĩ Komang Hadi Sujendra, Giám đốc bệnh viện Undata nói, chỉ tính riêng cơ sở này đã tiếp nhận hơn 200 thi thể nạn nhân kể từ sau khi sóng thần ập đến. "Việc để các thi thể lưu lại đây nguy hiểm cho cả các bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ, công nhân viên bệnh viện", ông Komang nhấn mạnh.

Một góc thành phố Palu hoang tàn, đổ nát sau động đất. Ảnh: Reuters

Palu sau thảm họa động đất - sóng thần thực sự vô cùng hỗn loạn. Các đội cứu hộ khẩn cấp của Indonesia đang gấp rút tìm mọi cách khôi phục việc tiếp cận nguồn cung nước uống và thực phẩm cho những cộng đồng dân cư ở vùng xa xôi, hẻo lánh tại đây.

Theo phát ngôn viên của Ủy ban Cứu hộ, cứu nạn quốc gia Indonesia, ước tính có tới 2,4 triệu người bị ảnh hưởng và tổn thất vì thảm họa kép vừa qua. Trong đó, khoảng 600 người bị thương nặng và ít nhất 48.000 người bị mất nhà cửa.

Một số nạn nhân sống sót, trong lúc chờ cứu trợ, đã tự tìm cách cứu mình bằng cách đột nhập vào các cửa hàng, lấy đi nhiều xe đẩy chất đầy thực phẩm và nước uống. Tại một trạm bán xăng dầu, người dân cũng tìm cách mở một xe bồn và dùng muôi múc nhiên liệu.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh H. Wiranto cho biết, nhà chức trách đã kêu gọi một số siêu thị mở cửa miễn phí cho người dân và nhận bồi thường sau đó của chính phủ.

Ông Wiranto thông tin thêm, lực lượng cứu hộ không thể nhanh chóng tiếp tế đồ cứu trợ và đưa máy móc hạng nặng đến đào bới, giải thoát các nạn nhân bị chôn vùi trong các đống đổ nát ở vùng thiên tai, do đường sá và sân bay Mutiara Sis Al Jufri Airport ở Palu đã bị động đất, sóng thần hủy hoại nghiêm trọng.

Do khu vực vẫn đang phải hứng chịu các cơn dư chấn, nên một số người vẫn e sợ phải trú ngụ bên trong các tòa nhà. Tính đến 11 giờ trưa ngày 1/10, có tới 254 cơn dư trấn sau trận động đất hủy diệt ban đầu tấn công Palu. Ngay tại bệnh viện Undata, nhiều bệnh nhân vẫn đang được điều trị trên các tấm chiếu trải phía dưới một lều bạt lớn ở bên ngoài các tòa nhà.

Nurjati Katili đang chăm sóc cháu trai trong bệnh viện sau khi chị gái và đứa con trai nhỏ hơn mất tích trong thảm họa kép cuối tuần qua. Ảnh: CNN

Mặc dù các nỗ lực khắc phục thảm họa vẫn đang tiếp tục, đối với nhiều cư dân địa phương, đó vẫn là cuộc chờ đợi dài đằng đẵng và đầy đau đớn. Nurjati Katili kể, cháu trai 7 tuổi của cô vẫn không ngừng gào khóc gọi tên mẹ và em trai đang mất tích.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/trai-nghiem-kinh-hoang-cua-nguoi-song-sot-sau-dong-dat-song-than-indonesia-480920.html