Phường Trung Liệt, quận Đống Đa: Hòa giải viên 'vun lửa' hạnh phúc cho các gia đình

LTS: Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực. Qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô và cả nước. Báo PL&XH xin trân trọng giới thiệu những đảng viên, hòa giải viên cơ sở hoạt động với phương châm 'Lạt mềm buộc chặt', là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần gìn giữ sự yên bình xóm phố, tạo sự đoàn kết trong nhân dân.

Bằng tâm huyết cũng như kiến thức về pháp luật, những hòa giải viên tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn ngày đêm gắn bó với công việc của mình để củng cố tình đoàn kết khối phố, giúp “giữ lửa xóm giềng”.

Xui con trai bỏ vợ vì... chỉ “đẻ con gái”

Là một trong những thành viên luôn nhiệt tình, năng nổ của Tổ hòa giải số 11 phường Trung Liệt những năm qua, hòa giải viên, đảng viên Bùi Thị Nhàn, SN 1962, không thể nhớ hết mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại địa bàn. Bà kể, tham gia công tác tại tổ dân phố từ năm 2002, đến nay đã 18 năm cũng là chừng ấy thời gian bà gắn bó, gần gũi cùng bà con trong khối phố. Hễ nhà ai có công việc lớn nhỏ, hay mâu thuẫn tranh chấp gì thì đều gọi tới bà Nhàn đến để cùng giải quyết.

Trong tâm thức của hòa giải viên Bùi Thị Nhàn, được gần gũi và thấu hiểu bà con trong tổ dân phố mình vừa là trách nhiệm nhưng cũng là niềm vui. Bởi, nhà ai cũng phải có lúc “bát xô đũa lệch”, chỉ cần thiếu nhẫn nhịn là hạnh phúc gia đình tan nát, an ninh khu phố bị ảnh hưởng.

Lật giở cuốn sổ ghi chép của mình ra, bà Nhàn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện hòa giải khiến bà thực sự nhớ và pha lẫn chút xúc động. Đó là khoảng 4 năm về trước, ông S sống tại tổ dân phố số 11 có một gia đình thật đầm ấm khi hai vợ chồng có bốn người con, hai trai hai gái. Đến tuổi trưởng thành, ông bà đều lo cho tất cả các con lập gia đình riêng và công việc ổn định. Trong khi vợ chồng người con trai thứ hai sinh được hai con trai, vợ chồng cậu con trai cả của ông S là anh H chỉ sinh được hai con gái. Trong lòng ông S cũng có chút suy nghĩ về việc này. Ban đầu, ông còn lo sau này khi hai vợ chồng ông già yếu thì không có người chăm nom, hương khói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người thì chính cô con dâu cả lại là người chăm nom cho gia đình chồng, quan tâm bố mẹ chồng tốt hơn cô con dâu thứ. Chị đối xử với bố mẹ chồng vô cùng khéo, đúng mực mà lại tình cảm, trong khi cô con dâu thứ hai thì lại không được như vậy, thậm chí còn tỏ vẻ kênh kiệu vì sinh được con trai. Có thể do có người khích bác mà chính ông S đã chủ động khuyên con trai cả của mình nên bỏ vợ để lấy vợ hai.

Hòa giải viên Bùi Thị Nhàn luôn chủ động, tích cực tìm hiểu các thông tin, quy định pháp luật liên quan đến hòa giải để nâng cao kiến thức.

Hòa giải viên Bùi Thị Nhàn luôn chủ động, tích cực tìm hiểu các thông tin, quy định pháp luật liên quan đến hòa giải để nâng cao kiến thức.

Anh H sau khi nghe bố nói thế cũng lấn cấn, rồi đã sang nói chuyện với thành viên của Tổ hòa giải. Bà Nhàn cùng với tổ hòa giải đã tính phương án để khuyên giải gia đình ông S. Hòa giải viên đã gặp riêng từng thành viên trong gia đình, kể cả hai con gái của ông S để lắng nghe ý kiến, lý do tại sao muốn con trai bỏ vợ để lấy vợ hai. Sau đó, tổ hòa giải tiến hành gặp mặt toàn bộ cả gia đình để cùng nhau chia sẻ “3 mặt 1 lời”.

Bà Lê Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Tích cực trau dồi kiến thức pháp luật

Là người hiểu biết pháp luật, hòa giải viên Bùi Thị Nhàn phân tích cho ông S nghe về Luật Hôn nhân gia đình, những điều mà công dân được làm và không được làm. Hơn nữa về mặt tình cảm cho thấy, việc bắt con trai bỏ vợ để lấy vợ nữa nhằm đẻ thêm con trai nối dõi là việc làm đi ngược lại nếp sống văn minh, trái với đạo nghĩa vợ chồng. Vợ chồng anh H vẫn sống hạnh phúc và yêu thương nhau, không xảy ra mâu thuẫn gì mà bắt họ ly hôn là điều hết sức vô lý, nếu không muốn nói là có phần nhẫn tâm. Hơn nữa, khi bố mẹ chia tay thì hai cháu nhỏ chính là những người thiệt thòi nhất.

“Tôi cũng như cả tổ hòa giải thực sự rất buồn và sốc khi biết tin này. Gặp phải vụ việc như thế này, mình phải nhẫn nại phân tích cho họ hiểu được ra vấn đề. Hạnh phúc gia đình đâu phải thứ dễ dàng có được mà lại có thể đạp đổ chỉ bằng một tờ giấy ly hôn. Thời đại này mà còn có tư tưởng trọng nam khinh nữ, con gái không phải là con hay sao. Xã hội tiên tiến ngày nay có con trai hay con gái đều đáng quý cả. Chúng tôi còn nói vui là có con gái sau này càng có giá, vì tỷ lệ sinh con trai bây giờ đang cao hơn con gái" - lời bà Nhàn.

Cũng theo hòa giải viên, cô dâu cả rất hiếu thuận và chăm sóc cho bố mẹ chồng chứ không phải là hỗn hào, mất nết gì để khiến gia đình chồng ruồng bỏ. Tất cả cũng phải vì tương lai của hai đứa con nữa chứ. Sau khi nghe khuyên nhủ nhiều lần, cuối cùng ông S cũng nghe ra và vợ chồng anh H lại sống hạnh phúc bên nhau. Sự việc được hòa giải êm xuôi được hơn một năm thì ông S lâm bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi ra đi khoảng 2 ngày, bà Nhàn có đến nhà chơi và ông S nắm lấy tay tôi nói lời cảm ơn. Ông nói, nhờ có các hòa giải viên mà ông càng hiểu được ai mới thực sự là người con hiếu nghĩa. Tôi cũng chỉ biết cười và động viên ông sớm khỏi bệnh dù trong lòng cảm thấy vô cùng xúc động và muốn chảy nước mắt”, bà Nhàn tâm sự.

Qua những vụ việc mâu thuẫn tại khu dân cư, hòa giải viên Bùi Thị Nhàn rút ra kinh nghiệm rằng, để tăng xác suất thành công trong mỗi vụ hòa giải thì người hòa giải viên nhất định phải là người có lòng kiên trì, có uy tín với bà con nhân dân. Có những vụ việc chỉ là mâu thuẫn nhỏ, không quá lớn thì nên giải quyết ngay tại địa bàn dân cư, tránh xảy ra tình trạng đơn thư vượt cấp. Việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên giữ vai trò vô cùng quan trọng. Mỗi một vụ việc có những cách hòa giải khác nhau, tùy vào tình hình thực tế. Do đó, việc giao ban rút kinh nghiệm qua từng tháng, từng quý là rất cần thiết để các hòa giải viên tự nâng cao năng lực hòa giải cho mình, góp phần gìn giữ sự đoàn kết cho khu dân cư.

Trao đổi với PV Báo Pháp luật & Xã hội, bà Lê Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt cho hay, phường Trung Liệt đã kiện toàn 15 tổ hòa giải với 101 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tích cực tham gia hòa giải các tranh chấp tại khu dân cư đạt kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 90%. Năm 2019 phường đã tiếp nhận hòa giải 29 vụ tranh chấp, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, môi trường.

Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên không những áp dụng những quy định của pháp luật mà còn vận dụng phong tục tập quán, tình đoàn kết khối phố, chuẩn mực đạo đức để thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn. Thấu tình đạt lý là tiêu chí để hòa giải thành công. Ngoài ra, phường cũng thường xuyên tổ chức cho các hòa giải viên đi tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải do quận tổ chức cho các hòa giải viên. Đa số các hòa giải viên đều tham gia đầy đủ, tự nâng cao kiến thức pháp luật cho mình để từ đó làm tăng hiệu quả các vụ hòa giải tại địa bàn.

Đình Tuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-vien-vun-lua-hanh-phuc-cho-cac-gia-dinh-197740.html