Phương trình chính trị của ông Putin

Sau khi ông Putin được bầu làm Tổng thống lần thứ 4 vào tháng 3-2018, 'thời kỳ hậu Putin' đã trở thành một thuật ngữ thường xuyên được dư luận quốc tế bàn luận. Trên thực tế, thuật ngữ này đặt ra vấn đề quan trọng hơn - 'thách thức 2024', tức là sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông Putin kết thúc, quyền lực tối cao của nước Nga sẽ được chuyển giao như thế nào?

Chuyển giao quyền lực

Trong cuộc họp báo thường niên vào tháng 12-2019 và khi đọc Thông điệp Liên bang vào tháng 1-2020, Tổng thống Putin đều đề cập đến việc sửa đổi Khoản 3, Điều 81 của Hiến pháp Liên bang hiện hành, đó là loại bỏ từ “liên tiếp” trong câu “một người không được đảm nhiệm liên tiếp quá 2 nhiệm kỳ tổng thống liên bang”.

Nếu được đổi như đề xuất trên thì đây sẽ là điều có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là sự sắp đặt cấp cao nhất của ông Putin sau khi đã suy tính kỹ càng: Đề phòng sau này có chính trị gia khác mô phỏng thao tác chính trị theo công thức “bộ đôi Putin - Medvedev”, cũng có nghĩa là sau này dù chính trị gia nào tái đắc cử thì tối đa cũng chỉ có thể đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ tổng thống.

Đồng thời, cũng để lại không gian hoạt động chính trị cho việc chuyển giao quyền lực thuận lợi, vì về lý thuyết, sự sửa đổi này đòi hỏi Tòa án Hiến pháp Nga phải giải thích hiến pháp, tức là thời điểm sử dụng thích hợp luật sửa đổi được tính từ khi phương án sửa đổi hiến pháp được thông qua hay có thể tính từ nhiệm kỳ tổng thống trước đó. Và, nếu không tính từ nhiệm kỳ trước đó, liệu có thể cho rằng nhiệm kỳ của Putin từ năm 2018 đến nay chỉ là nhiệm kỳ đầu tiên sau khi phương án sửa đổi hiến pháp được thông qua?

Nga từng có tiền lệ giải thích hiến pháp. Dưới thời ông Boris Yeltsin từng có 2 lần giải thích hiến pháp khác nhau về nhiệm kỳ của ông và những thay đổi của tình hình chính trị Nga đã quyết định 2 kết quả khác nhau. Hiến pháp hiện hành của Nga được thông qua sau một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 12-12-1993. Do ông Yeltsin được bầu làm tổng thống vào ngày 12-6-1991 nên đã nảy sinh vấn đề: Hiến pháp năm 1993 quy định nhiệm kỳ tổng thống là 4 năm, về mặt lý thuyết cần có một cuộc bầu cử nữa vào năm 1995.

Tổng thống Putin và ông Medvedev.

Tổng thống Putin và ông Medvedev.

Vì vậy Hiến pháp Nga năm 1993 đã cố tình đặt ra điều khoản mang tính quá độ thứ hai, quy định tổng thống được bầu ra theo Hiến pháp Liên bang Nga (theo phương án sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga được Đại hội Đại biểu nhân dân liên bang lần thứ 4 đưa ra tháng 5-1991), sẽ thực hiện các quyền hạn được quy định kể từ ngày hiến pháp có hiệu lực cho đến khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc (tức là không phải đến năm 1995 mà là đến năm 1996).

Sau khi tái đắc cử năm 1996, ông Yeltsin một lần nữa phải đối diện với vấn đề giải thích hiến pháp, tức là trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1991-1996, do có quy định mới về nhiệm kỳ tổng thống trong Hiến pháp 1993 (một người chỉ có thể đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ tổng thống), nhiệm kỳ của Yeltsin có được coi là một nhiệm kỳ? Như thế ông có thể tiếp tục tranh cử hay không?

Ngày 5-11-1998, Tòa án Hiến pháp Nga đưa ra phán quyết, trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, ông Yeltsin đã hoàn thành nhiệm kỳ thứ nhất và ông đang thực hiện nhiệm kỳ thứ hai. Vì vậy ông không được tham gia tranh cử tổng thống năm 2000 nữa.

Ổn định và nối tiếp là những xem xét được cho là ưu tiên theo tình hình hiện nay của nước Nga.

Và nếu gần đến năm 2024, Tổng thống Putin cũng phải giải thích hiến pháp đối với nhiệm kỳ của mình sẽ được tính như thế nào thì kết quả có lẽ sẽ được quyết định bởi xu hướng chính trị và kinh tế Nga trong vài năm tới.

Đảm bảo thuận lợi

Đảm bảo việc chuyển giao quyền lực tối cao thuận lợi trong năm 2024 là mục tiêu chiến lược để ông Putin giải “phương trình chính trị” 2024. Có 3 vấn đề mang tính chiến thuật ảnh hưởng đến cục diện chính trị ổn định: một là xác lập quan niệm cầm quyền của ông Putin và các cơ chế liên quan trước cuộc bầu cử năm 2024 để có thể đảm bảo tính nối tiếp của con đường quản lý đất nước sau cuộc bầu cử; hai là lựa chọn người kế nhiệm được tất cả các thành viên trong ê-kíp cầm quyền chấp nhận, làm cho người kế nhiệm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024 và ba là xem xét liệu có nên thiết lập một cơ chế chính trị có thể đảm bảo cho ông Putin tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả sau khi mãn nhiệm.

Ổn định và nối tiếp là những xem xét được cho là ưu tiên theo tình hình hiện nay của nước Nga. Thực ra, giải một phương trình chính trị cũng không phải là điều mới đối với ông Putin. Năm 2008, ê-kíp của ông đối mặt với vấn đề mang tính chiến lược là chuyển giao quyền lực. Và phương án “bộ đôi Putin - Medvedev” đã được lựa chọn. Và điều quan trọng là người dân Nga đã tán thành phương án này thông qua bỏ phiếu, trên thực tế cũng là ủng hộ hiệu quả quản lý của ông Putin trong 8 năm trước đó.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Nước Nga ngày nay có nhiều nỗi lo, nền kinh tế đình trệ và suy nghĩ của người dân cũng đổi khác. Vì thế 3 vấn đề mang tính chiến thuật đã sớm nổi lên. Chỉ số niềm tin của người dân đối với tổng thống sau cuộc bầu cử địa phương tháng 9-2018 giảm còn 35% so với tỷ lệ 76% phiếu bầu ủng hộ ông đầu nhiềm kỳ 4. Sự thay đổi đột ngột này dã khiến “thách thức năm 2021” (cuộc bầu cử Duma quốc gia) và “thách thức năm 2024” (cuộc bầu cử tổng thống) trở thành tiêu điểm chú ý.

Đẩy mạnh cải cách liên bang

Mấu chốt để giải phương trình chính trị của nước Nga hiện nay nằm ở cải cách. Tháng 10-2018, không lâu sau khi cuộc bầu cử địa phương kết thúc, Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga Valery Zorkin lần đầu đưa ra khái niệm “Hiến pháp sống”, tuyên bố hiến pháp cần phải được sửa đổi, phải tăng thêm sự cân bằng trong phân chia quyền lực giữa cơ quan lập pháp và hành pháp. Phát ngôn này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trên chính trường Nga.

Tháng 7/2019, các thành viên chủ chốt trong ê-kíp cầm quyền của ông Putin và Chủ tịch Duma quốc gia Vyacheslav Volodin đã đăng bài trên tờ Parliament News chấp thuận đề nghị của ông Valery Zorkin. Thuật ngữ “Hiến pháp sống” được giải thích rằng hiến pháp cần được điều chỉnh liên tục theo tình hình thực tế để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra ở trong nước và trọng tâm hiện nay là thay đổi hiện tượng mất cân bằng giữa quyền lực lập pháp và hành pháp.

Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin.

Sự thực đã chứng minh đây là sự thăm dò của ông Putin để giải quyết “thách thức 2024”. Trong Thông điệp Liên bang năm 2020, ông Putin chính thức đưa ra ý định sửa đổi hiến pháp. Sau khi ông Putin đọc thông điệp liên bang, nhiều nhân vật có tiếng tăm trên chính trường Nga ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết Tổng thống Putin muốn chia sẻ một phần quyền lực của tổng thống với Quốc hội, phát đi tín hiệu tích cực đến xã hội rằng vai trò của Quốc hội Nga sẽ tăng lên.

Việc ông Medvedev có tiếp tục ở lại hay không đã trở thành tiêu chí quan trọng của xu hướng cải cách. Đây là lần đầu tiên một chính phủ chủ động từ chức trong lịch sử chính trị đương đại Nga, chủ yếu là để phối hợp với kiến nghị cải cách của ông Putin, đồng thời cũng là để chịu trách nhiệm cho kết quả bầu cử địa phương trong 2 năm liên tiếp với tư cách là Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất và tình trạng ảm đạm của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là từ nay ông Medvedev sẽ rời xa trung tâm quyền lực. Trong khi tiếp nhận đơn từ chức của ông Medvedev, Tổng thống Putin đã tuyên bố ý định tăng thêm chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang và đề cử ông Medvedev giữ chức này. Hội đồng An ninh Liên bang Nga là cơ quan nòng cốt chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi chiến lược an ninh quốc gia, có địa vị pháp lý để dẫn dắt việc hoạch định và thực thi chiến lược an ninh quốc gia, tổng thống và lãnh đạo của các cơ quan quan trọng đều nằm trong số đó.

Ông Medvedev cũng vẫn giữ chức Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất. Sau cuộc cải cách lần này, ảnh hưởng của đảng này với tư cách là đảng cầm quyền trong Duma Quốc gia được tăng lên, có ý nghĩa chính trị và vai trò thực chất hơn đối với ê-kíp cầm quyền. Xét theo nghĩa này, ông Medvedev vẫn thuộc ê-kíp cầm quyền của ông Putin và vẫn đóng vai trò chính trị quan trọng.

Tân Thủ tướng Mikhail Mishustin là người mới tham gia chính trường nhưng là người am hiểu về quản lý thuế và giỏi về nền kinh tế số. Cách mà ông Putin lựa chọn ông Mishustin khiến người ta nghĩ ngay tới trường hợp Mikhail Fradkov. Tháng 3-2004, trước cuộc bầu cử tổng thống, ông Putin đã đề cử đặc phái viên của Nga tại Liên minh châu Âu, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát thuế Mikhail Fradkov làm ứng cử viên thủ tướng khiến các nhà phân tích chính trị lúc đó rất ngạc nhiên.

Việc chọn một người mới có nghĩa là chọn một chính sách kinh tế mới, mang lại luồng gió mới cho xã hội. Lần này cũng lại là một người mới, một nhà kỹ trị làm thủ tướng, rõ ràng là Tổng thống Putin muốn đảng cầm quyền đối phó tốt hơn với các vấn đề kinh tế, thu hút dư luận, tạo tiền đề tốt cho cuộc bầu cử Duma Quốc gia vào năm 2021.

Góc quan sát

Trên thực tế đây không phải là lần cải cách chính trị đầu tiên dưới thời ông Putin. Khi mới lên nắm quyền năm 2000, Putin đã đề xuất cải cách “Chiến lược cường quốc”; sau vụ bắt giữ con tin trường học Beslan năm 2004 là đề xuất cải cách “tăng cường cơ quan quyền lực nhà nước”; sau khi “chiến lược chính trị mới” được đưa ra năm 2009 là đề xuất cải cách hiện đại hóa chính trị; sau khi phong trào phản đối xuất hiện vào cuối năm 2011 là đề xuất cải cách hệ thống chính trị toàn diện.

Mặc dù Tổng thống Putin có ý định đưa ra 7 biện pháp cải cách nhưng hầu hết mọi người vẫn tập trung chú ý vào việc mở rộng quyền lực của Quốc hội. Về mối quan hệ giữa Duma Quốc gia và thủ tướng, cách dùng từ của ông Putin không phải là bổ nhiệm, cũng không phải là để cử, mà là phê chuẩn. Do vậy nói rằng nước Nga sửa đổi hiến pháp để trao quyền việc bổ nhiệm thủ tướng cho Quốc hội là không chuẩn xác. Quyền đề cử vẫn nằm trong tay tổng thống.

Ông Mikhail Mishustin là người mới tham gia chính trường nhưng được đánh giá là rất am hiểu quản lý thuế và giỏi về nền kinh tế số.

Điểm khác biệt nằm ở chỗ cựu thủ tướng trực tiếp đề cử phó thủ tướng và các bộ trưởng với tổng thống, trong tương lai cũng cần được Duma Quốc gia phê chuẩn. điều này khác xa với nguyên tắc thành lập nội các đa số trong Quốc hội. Nga cũng không thể vì thế mà chuyển sang thể chế nghị viện được. Nếu những đề xuất sửa đổi được áp dụng, quyền lực của Tổng thống Nga sau này sẽ được cân bằng nhất định nhưng không phải vì thế mà suy yếu.

Tại buổi gặp nhóm công tác phụ trách sửa đổi hiến pháp, Tổng thống Putin đã nói rõ rằng cải cách cần phải giữ lại các quyền hạn quan trọng hiện tại của tổng thống, chẳng hạn như tổng thống có thể bãi nhiệm các quan chức làm việc kém hiệu quả hoặc mất tín nhiệm.

Kết quả cho phương trình chính trị 2024 của ông Putin là gì, đang dần hé lộ.

Huy Thông (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/phuong-trinh-chinh-tri-cua-ong-putin-581132/