Dòng xe đặc sản của Philippines

Có mặt từ sau Thế chiến II, jeepney là phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất và là nét đặc trưng của Philippines.

Tại Đông Nam Á, Philippines là nước có văn hóa giao thông giống với Việt Nam nhiều nhất. Xe máy đông đúc, giao thông tương đối hỗn loạn và ùn tắc là những điểm chung của 2 quốc gia. Ở Việt Nam, xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến nhất thì ở Philippines, phương tiện đó là jeepney.

Tại Đông Nam Á, Philippines là nước có văn hóa giao thông giống với Việt Nam nhiều nhất. Xe máy đông đúc, giao thông tương đối hỗn loạn và ùn tắc là những điểm chung của 2 quốc gia. Ở Việt Nam, xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến nhất thì ở Philippines, phương tiện đó là jeepney.

Không chỉ phổ biến, jeepney còn được coi là một biểu tượng văn hóa của Philippines. Xuất hiện từ sau Thế chiến II, jeepney đã tồn tại cùng người dân Philippines trong hơn 70 năm qua.

Thời hậu chiến, những chiếc xe jeep bị quân đội Mỹ bỏ lại vô số tại đảo quốc này. Người dân tại đây đã tháo dỡ xe jeep, thay mui xe bằng kim loại và biến chúng thành xe chở người hiệu quả cao. Nhiều chiếc xe được trang trí bằng các màu sắc sống động từ đầu tới đuôi xe.

Phần ghế phía sau được cấu hình lại với hai băng ghế dài song song để hai hàng hành khách ngồi đối mặt với nhau cũng như tăng sức chứa. Kích thước, chiều dài và số lượng hành khách trên xe được tăng dần theo năm tháng.

Tên ''jeepney'' được ghép từ ''jeep'' - xe của quân đội Mỹ và ''jitney'' - nghĩa là xe buýt rẻ tiền. Cũng có ý kiến cho rằng tên jeepney được ghép từ ''jeep'' và ''knee'' - đầu gối vì các hành khách ngồi chạm đầu gối vào nhau.

Thay vì chỉ hoán cải từ xe jeep của Mỹ, từ năm 1953, một công ty chuyên sản xuất jeepney được thành lập tên là Sarao Motor. Khởi đầu, Sarao Motor chỉ sản xuất jeepney bằng việc cải tiến những chiếc xe quân sự. Sau đó, hãng này chuyển sang sản xuất hoàn toàn với phụ tùng nhập khẩu Nhật Bản.

Với lý do này, người Philippines vẫn hay nói vui rằng jeepney là sự hòa trộn giữa 2 đất nước từng là thù địch trong Thế chiến II: hồn của Mỹ và xác của Nhật Bản.

Giá rẻ: Một trong những lí do khiến jeepney phổ biến là mức giá cực rẻ, phù hợp với đa số dân lao động. Một chuyến jeepney dài 4 km chỉ tốn khoảng 10 peso (gần 5.000 đồng). Nếu đi taxi, quãng đường tương tự có thể tiêu tốn của bạn khoảng tiền lên đến 120 peso (gần 60.000 đồng) - đắt gấp 12 lần jeepney.

Nhanh chóng: Tại Manila, nạn tắc đường diễn ra hàng ngày nên jeepney là một phương tiện phù hợp với nhiều người. Trong thời gian ở Philippines, tôi nhận thấy tài xế jeepney điều khiển "rất lụa", luồn lách qua những nơi tắc đường một cách nhanh chóng.

Khác với vẻ bên ngoài rực rỡ, bên trong những chiếc jeepney thường khá xập xệ và cũ kỹ. Khoang lái đơn sơ, không tính năng an toàn, hàng ghế sau thì tất nhiên không có dây an toàn. Tương tự những chuyến xe buýt liên tỉnh giá rẻ tại Việt Nam, hành khách đi jeepney có thể mang bất cứ thứ gì lên xe, kể cả đồ nặng mùi, thú vật...

Theo quan sát của tôi, mỗi hàng ghế trên jeepney có thể đủ không gian cho 5 người. Với sức chứa chỉ khoảng 10 người nhưng trên mỗi chuyến jeepney thường có nhiều hơn con số đó. Chủ xe tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng ghế để nhét thêm khách. Mỗi chuyến jeepney giờ cao điểm có thể chứa đến 15 người, cá biệt lên đến 19-20 người. Jeepney tiện để chở khách nhưng không phải là chiếc xe an toàn.

Ngày nay, thay vì trang trí họa tiết rực rỡ, chủ xe jeepney thường dán thông tin liên lạc lên xe, bao gồm số điện thoại cũng như các mạng xã hội để khách có thể liên hệ. Tuy nhiên trên chiếc jeepney này, sức chứa tối đa của xe lại bị bỏ trống.

Jeepney hoạt động trong giờ hành chính, từ 6h đến 18h theo các tuyến cố định giống như xe buýt. Ngoài giờ này, hành khách có thể liên lạc với chủ xe cho những chuyến đi có thỏa thuận.

Vì tiêu chuẩn khí thải và an toàn cho hành khách, chính phủ Philippines sẽ cấm những chiếc jeepney quá 15 năm tuổi từ năm 2020. Thay vào đó là những chiếc jeepney được sản xuất công nghiệp, trang bị máy điều hòa không khí và chỗ ngồi riêng rộng rãi.

Thượng Tâm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dong-xe-dac-san-cua-philippines-post1016179.html