Phương tiện mang Kinzhal nhiều, nhưng có thuốc giải độc

Chúng tôi mới giới thiệu bài viết của chuyên gia quân sự Sergey Marzhetsky 'Phương tiện mang 'Kinzhal' ngày càng nhiều, thuốc giải độc chưa có' (DVO, ngày 5/12/2019)

Để rộng đường tranh luận và có cái nhìn đa chiều, xin giới thiệu một bài viết có nhận định hoàn toàn ngược lại với Sergey Marzhetsky (nguyên văn tiêu đề: “Đòn tấn công của tên lửa siêu thanh “Kinzhal”: có đánh trả được không?” của một chuyên gia quân sự khác, ông Dmitri Verkhoturov. Bài cũng đăng trên “Bình luận quân sự”(Nga) ngày 3/12/2019.

Bây giờ thì đã có đầy rẫy các bức ảnh MiG-31K mang Kh-47M2 (tức “Kinzhal”)

Bây giờ thì đã có đầy rẫy các bức ảnh MiG-31K mang Kh-47M2 (tức “Kinzhal”)

Vũ khí siêu thanh (M>5) từ lâu đã chiếm một vị trí “vinh dự tự hào” trong bảng danh sách các “Wunderwaffe” (nguyên văn- từ tiếng Đức thường được dùng trong Thế chiến thứ Hai- có nghĩa là “vũ khí thần kỳ”) – tức những loại vũ khí có thể chỉ trong chớp mắt đã đưa kẻ thù “về nơi cát bụi”.

Phương tiện mang 'Kinzhal' ngày càng nhiều, thuốc giải độc chưa có

Vâng, và những thử nghiệm tên lửa Kh-47M2 “Kinzhal” (“Dao găm”) vào tháng 11/ 2019 gần đây- máy bay MiG-31K cất cánh từ căn cứ không quân Olenya trên Bán đảo Kola bắn tên lửa vào một đống đổ nát ngoại ô thị trấn Halmer-Yu, đã làm “dấy lên”các cuộc tranh luận, thậm chí tranh cãi rất sôi nổi. Tinh thần đại loại là—thấy chưa- giờ thì chúng ta (Nga) đã có ...

Lẽ dĩ nhiên, cũng giống như bất kỳ một loại vũ khí nào khác, “Kinzhal” nói chung không phải là loại vũ khí "không có thuốc trị”. Nó cũng cần những điều kiện nhất định mới có thể đạt được “thành tích”.

Có thể đánh chặn được “Kinzhal”

Trong những câu chuyện về các tên lửa siêu thanh, thường luôn có một điều gì đó không rõ ràng, nhưng, dường như, có thể hiểu đó là một sự phóng đại ngầm có chủ ý. Đúng, Kh-47M2 có thể tăng tốc lên tới 10-12 Mach, nhưng điều này không có nghĩa là tên lửa sẽ luôn bay với có tốc độ đó.

"Kinzhal" – đó là một tên lửa nhiên liệu rắn, vì thế phải hiểu là động cơ của nó cháy (hoạt động) trong thời gian không dài, chỉ khoảng 15-20 giây. Vào quãng thời gian đó, tên lửa đạt sẽ đạt tới tốc độ cao như vậy (10-12Mach), nhưng sau đó, khi động cơ không còn hoạt động, tên lửa bay theo quỹ đạo đạn đạo đến mục tiêu. Có nghĩa là, 10-12 Mach là tốc độ tối đa, ngay sau khi động cơ khởi động.

Sau đó, do lực cản của khí quyển và do phải thực hiện các động tác cơ động , tốc độ của tên lửa giảm và giảm rất nhanh. Tốc độ rơi của các đầu tác chiến trên tên lửa đạn đạo tầm ngắn (Kh-47M2 “Kinzhal” có thiết kế “gần gũi” nhất với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chỉ khác là nó được phóng từ máy bay) là 3-4 Mach, còn tốc độ của các đầu tác chiến dẫn đường (có điều khiển) thậm chí còn ít hơn nữa – chỉ 2-3 Mach.

Các công trình sư thiết kế (tên lửa “Kinzhal” khẳng định rằng sai số xác xuất vòng tròn (độ lệch do với điểm rơi dự kiến-ND) của “Kinzhal” chỉ có 1 m, có nghĩa là, rất có thể, tốc độ của đầu tác chiến “Kinzhal”khi tiếp cận mục tiêu cũng chỉ sẽ là 2-3 Mach, và khó có thể cao hơn.

Cự ly bắn của tên lửa được công bố là 1.000 km tính từ điểm phóng. (thế thì) Ngay cả trong trường hợp khi tên lửa bay hết cự ly này (1.000) với tốc độ 12 Mach (4 km/s – cao hơn một nửa so tốc độ vũ trụ cấp một hoặc = 245 km / phút), thời gian bay sẽ là 4 phút.

Nhưng trên thực tế, vì tên lửa mất tốc độ và cơ động, thời gian bay sẽ là 6-7 phút hoặc thậm chí còn nhiều hơn. Kiểu mục tiêu điển hình (của”Kinzhal”) là tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” hoặc tàu sân bay kiểu “Gerald F. Ford của Mỹ (xin lưu ý là các tàu sân bay Mỹ được trang bị các tổ hợp tên lừa phòng không RIM-162 ESSM- ảnh-ND) có quá nhiều thời gian để khóa tên lửa “Kinzhal”bằng radar và phóng tên lửa đánh chặn nhằm vào nó.

Tên lửa RIM-162 ESSM

Kh-47M2 có thể thực hiện một số động tác tránh tên lửa (có nhiều khả năng đây là các động tác cơ động đã được lập trình từ trước, chứ không phải là phản ứng (của “Kinzhal” khi tên lửa đánh chặn của đối phương được phóng lên; nếu vậy, chỉ sau vài lần phóng, đối phương sẽ xác định được thuật toán những lần cơ động tránh tên lửa của “Kinzhal”).

Nhưng dù sao, khi ở pha cuối của quỹ đạo, tên lửa sẽ cần phái bay theo đúng hướng tới mục tiêu và không thực hiện các động tác cơ động tránh tên lửa nữa. Nếu như điều đó xảy ra 10 giây trước khi tên lửa chạm mục tiêu, thì khoảng cách giữa tên lửa với mục tiêu tại thời điểm đó sẽ vào khoảng 10km (3 Mach- khoảng 1,02 km / s).

Theo tôi, trong những điều kiện như vậy, các khả năng của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ thừa đủ để bắn hạ một tên lửa bay thẳng, cảnh tượng này sẽ gần giống như trong một cuộc diễn tập.

Bắn một tên lửa ở một cự ly quá gần như vậy, - không còn nghi ngờ gì nữa, là một thử thách rất lớn đối với các hệ thần kinh của người Mỹ. Nhưng về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có thể. Nói một cách khác, “Kinzhal” có thể bị đánh chặn và (Nga) cần phải tính tới điều đó.

Bắn hạ “Kinzhal” bằng pháo

Cách thức đối phó (với “Kinzhal”-ND) nói chung không chỉ gói gọn trong các biện pháp phòng chống tên lửa (chỉ sử dụng các tên lửa đánh chặn-ND). Một phương án rất không tồi khác là (mục tiêu của “Kinzhal”) cần luôn giữ tốc độ cao và chủ động cơ động, thường xuyên thay đổi hướng di chuyển.

Với tốc độ 30 hải lý /giờ, trong 7 phút, một tàu sân bay Mỹ đã đi được quãng đường 6,3 km và lúc ấy có thể nó đã không còn nằm trong điểm ngắm của tên lửa nữa.

USS Gerald F. Ford đang thử nghiệm cơ động trên biển. Không được phép đánh giá thấp nó- con tàu khổng lồ này di chuyển rất nhanh và cơ động

Nếu trong quá trình thiết kế tên lửa mà các kỹ sư lại đóng đinh trong đầu cái tư tưởng cho rằng đối phương sẽ luôn thả neo và chờ tên lửa lao thẳng tới chỗ mình, thì đó là một sự ngu ngốc rõ ràng.

Tất nhiên, đối phương sẽ di chuyển và cơ động, và từ đó phải thấy rằng sẽ phải có ai đó (ví dụ, máy bay AWACS) luôn bám, theo dõi vị trí hiện tại của mục tiêu và cung cấp các dữ liệu đã điều chỉnh để chỉ mục tiêu.

Nhưng điều quan trọng bậc nhất là ở chỗ- phương tiện mang “Kinzhal,- tức MiG-31K, lại không mang vũ khí tên lửa, và thành thử, nó không thể “đánh nhau” với các máy bay tiêm kích mới xuất hiện của đối phương.

Do không có lực lượng yểm hộ, phương tiện mang (MiG-31K) về lý thuyết là cực kỳ dễ bị tổn thương, còn trên thực tế, đó là mục tiêu tập bắn của các phi công Mỹ- họ có thể bắn hạ MiG-31 mang “Kinzhal” không chỉ bằng một quả tên lửa, mà ngay cả từ một khẩu pháo trên máy bay của họ.

Do biết rằng Không quân Nga đã có các tên lửa mới có khả năng gây tổn thất lớn cho Hải quân (Mỹ), và trong trường hợp nếu tên lửa đó bắn trúng thang nâng (máy bay trên tàu sân bay) hoặc trúng khu chứa máy bay- khi đó, tàu sân bay sẽ bị loại khỏi vòng chiến trong một thời gian dài, thì tất nhiên, không nghi ngờ gì nữa, trong chiến thuật đối phó của mình, người Mỹ chắc chắn sẽ dành một cặp hoặc một nhóm máy bay tiêm kích (Mỹ) để chuyên đánh chặn các phương tiện mang (“Kinzhal”).

Chúng ta sẽ không nói nhiều về việc sử dụng các phương tiện tác chiến điện tử, bởi vì (tác chiến điện tử) luôn là thành tố bộ phận trong tất cả các phương án nói trên.

Từ tất cả những gì đã nói ở trên, có thể kết luận rằng một chiếc MiG-31 duy nhất mang “Kinzhal", nhiều khả năng hơn cả, sẽ không làm nên chuyện gì (không thành công). Và thậm chí ngay cả 3-4 phương tiện mang (MiG-31K) như vậy, cũng có thể không thành công.

Đơn giản chỉ bởi vì đối phương đã có các phương tiện “quy chuẩn” và các biện pháp đối phó lâu dài đã được “rèn rũa” từ lâu. Ai đó cho rằng “Kinzhal”- đó là “một lần phóng – (diệt) một tàu sân bay”, hay thậm chí cho rằng “Kinzhal”- đó là loại vũ khí không thể đánh trả, thì cần phải nói thẳng ngay rằng- những người đó đang tự lừa dối chính mình.

Tấn công trong những điều kiện thuận lợi nhất

Bất kỳ kiểu vũ khí nào cũng chỉ có thể được sử dụng một cách hiệu quả nhất trong những điều kiện nhất định. Dĩ nhiên, “Kinzhal” cũng có những điều kiện như vậy.

Theo những gì mà chúng ta được biết, có thể đưa ra nhận định rằng các điều kiện thuận lợi nhất để sử dụng “Kinzhal”- hoặc là trong một cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào một cụm tàu sân bay tấn công bằng tất cả các phương tiện (vũ khí) hiện có hoặc ngay sau cuộc tấn công quy mô đó.

Khi đó trên màn hình các radar (đối phương) đã “đầy ắp” các vệt sáng và cơ số tên lửa phòng không đã gần cạn kiệt, các khả năng đánh chặn “Kinzhal” dĩ nhiên đã bị giảm đáng kể. Trong cái "mớ hỗn độn" các đốm sáng trên màn hình radar và trong trạng thái quá căng thẳng của trận đánh, các sỹ quan điều khiển tổ hợp tên lửa phòng không có thể quá mệt mỏi, nên không nhận ra được "Kinzhal".

Nó (“Kinzhal”) nguy hiểm hơn nhiều, lấy ví dụ, so với P-800 “Oniks” do trọng lượng đầu tác chiến của nó lớn hơn (của “Kinzhal- 500 kg, còn “Oniks”- 300 kg). Nếu các sỹ quan điều khiển các tổ hợp tên lửa phòng không đối phương lỡ “bỏ qua” "Kinzhal" mang đầu tác chiến hạt nhân, thì cái giá phải trả đối với họ là mất cả cụm tàu sân bay tấn công.

Hoặc cũng có thể tiến hành một đòn đánh bồi, sau một cuộc tấn công quy mô lớn. Các hư hại và hỏa hoạn, tổn thất, cơ số đạn tên lửa phòng không đã sử dụng hết, căng thẳng ta tâm lý - tất cả những yếu tố trên tạo điều kiện tấn công rất thuận lợi cho “Kinzhal”.

Nếu như chúng ta còn tận dụng thêm thời điểm khi máy bay địch vừa hạ cánh trên các tàu sân bay, thì có thể với chỉ một vài lần phóng, chúng ta có thể đạt được những kết quả còn hơn cả ấn tượng và gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng cho hải quân địch.

Theo quan điểm của tôi, "Dao găm" – sẽ rất hiệu quả nếu được sử dụng trong vai trò là một "con át chủ bài dấu trong tay áo", có nghĩa là, một phương tiện để tạo ra bước ngoặt có lợi cho chúng ta trong tiến trình tiến hành các hoạt động tác chiến.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng - Nguyễn Đức Vương (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/phuong-tien-mang-kinzhal-nhieu-nhung-co-thuoc-giai-doc-3392766/